Vụ công nhân ngừng việc ở Nghệ An: Công ty giữ nguyên các khoản phụ cấp
(Dân trí) - Theo nguồn tin riêng của PV Dân trí, hơn 1.500 công nhân Công ty TNHH Haivina Kim Liên (KCN Nam Giang, huyện Nam Đàn, Nghệ An) đã đi làm trở lại sau khi ngừng việc để phản đối công ty. Đồng thời, Công ty đã giữ nguyên các khoản phụ cấp như từng thông báo cho công nhân.
Như Dân trí đã đưa tin, chiều ngày 26/2, hơn 1.500 công nhân tại Công ty TNHH HAI VINA Kim Liên, đóng tại huyện Nam Đàn, Nghệ An đã đồng loạt không làm việc tập trung tại sân công ty bày tỏ sự phản đối với ban lãnh đạo.
Công ty TNHH HAI VINA Kim Liên là một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng tại Cụm công nghiệp Kim Liên (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), hoạt động trong lĩnh vực may mặc.
Theo các công nhân tại đây cho biết, vừa qua công ty thông báo tăng lương thêm khoảng 200.000 đồng/tháng.
Tuy nhiên, phía công ty lại giảm một số khoản phụ cấp. Vì thế mặc dù lương được tăng theo quy định nhưng thực nhận của công nhân vẫn như cũ.
Trước tình hình đó, hàng ngàn công nhân tại đây đã đồng loạt không làm việc và phản đối vì cho rằng việc làm của công ty chỉ nhằm qua mặt cơ quan quản lý nhà nước, không đảm bảo quyền lợi của công nhân.
Một công nhân tại đây cho biết: Theo quy định năm 2019 lương tối thiểu vùng sẽ được tăng thêm 200.000 đồng/tháng, việc tăng lương của công ty chỉ để đối phó với quy định của Nhà nước.
Trong khi họ cắt giảm các khoản phụ cấp tương đồng với số tiền lương được tăng. Như vậy, số tiền thực trả cho các công nhân vẫn không tăng, cho nên việc tăng lương cũng như không tăng thêm đồng nào.
Theo nhiều công nhân, công ty vừa rồi thông báo tăng lương cơ bản cho công nhân thêm khoảng 200.000 đồng/tháng nhưng lại giảm một số khoản phụ cấp, vì thế, mặc dù lương tăng theo quy định, nhưng số tiền thực nhận của công nhân không tăng.
Đồng thời, công nhân đề nghị công ty phải tách bạch được lương, phụ cấp và định kỳ 3 năm phải nâng lương cho người lao động…
Sau khi sự việc xảy ra, đoàn công tác của Liên đoàn lao động tỉnh Nghệ An do bà Hoàng Thu Hương Trưởng ban Chính sách - Pháp luật đã có buổi làm việc với lãnh đạo công ty.
Kết quả bước đầu đã thỏa thuận được một số yêu cầu chính đáng của người lao động.
Các công nhân được giữ nguyên mức phụ cấp như cũ.
Theo đó, biên bản cuộc họp thỏa thuận tập thể giữa người sử dụng lao động là Công ty TNHH Haivina Kim Liên, đại diện công đoàn công ty, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn huyện Nam đàn và Công an tỉnh thống nhất một số nội dung như sau:
Tăng lương cơ bản theo Nhà nước quy định vùng 4 là 2.920.000 đồng + 5% độc hại + 7% qua đào tạo = 3.280.620 đồng; nâng bậc lương theo định kỳ cho người lao động theo lộ trình 3 năm/lần với mức tăng 5%; các khoản phụ cấp xăng xe, nhà ở giữ nguyên.
Cứ mỗi năm, Công ty sẽ tăng 20.000 đồng cho thợ phụ và 30.000 đồng cho thợ chính; Phụ cấp chuyên cần 200.000 đồng cho thợ may và 180.000 đồng cho các đối tượng còn lại, phụ cấp 330.000 đồng cho thợ may và 270.000 đồng cho các đối tượng còn lại.
Về việc tăng tiền độc hại (phụ cấp môi trường): Công ty vẫn giữ nguyên mức là 150.000 đồng/người/tháng cho bộ phận sonic (công ty đã tính 5% độc hại vào lương cơ bản cho toàn bộ người lao động). Nếu người lao động muốn chuyển sang bộ phận khác thì công ty sẽ điều chuyển.
Biên bản cuộc họp thỏa thuận tập thể. (Ảnh: BNA)
Bên cạnh đó, Công ty cũng giữ nguyên các khoản phụ cấp đã từng chi trả; ngoài ra còn nâng bậc lương theo định kỳ 3 năm/lần với mức 5%. Công ty sẽ tiến hành phân loại phụ cấp kỹ năng của công nhân in chính và phụ in để thực hiện chi trả phụ cấp một cách phù hợp nhất.
Liên quan tới việc yêu cầu của công nhân sau khi kết thúc ngày làm việc không làm thêm giờ, công ty đã xác nhận sẽ cho tắt toàn bộ hệ thống điện sau khi tan ca buổi chiều 15 phút. Nếu quản lý nào yêu cầu làm sẽ xử lý nghiêm ngặt; không bắt công nhân làm việc vào buổi trưa và giờ tan ca, làm thêm giờ.
Công ty cũng đề nghị công nhân gửi thư vào thùng thư góp ý chỉ đích danh những quản lý ép công nhân để công ty có biện pháp xử lý thỏa đáng, nghiêm cấm các quản lý mắng chửi công nhân và xử lý nghiêm nếu công nhân chỉ đích danh...
Đến hết ngày 28/2, người lao động đã quay trở lại làm việc bình thường.
Nguyễn Phê