1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Vì sao lao động cứ xuất khẩu được là... bỏ trốn?

(Dân trí) - Tình trạng lao động bỏ trốn là một trong những “tì vết” khiến ngành xuất khẩu lao động thêm khó khăn trong việc mở rộng thị trường những năm qua. Có những nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiện tượng này.

Việc Hàn Quốc đã tạm dừng các đợt thi tuyển tiếng Hàn nhằm tiếp nhận lao động Việt Nam sang quốc gia này, hồi tháng 9 vừa qua cũng xuất phát từ nguyên nhân: số lượng người lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại quốc gia này đang ở mức cao (trong tổng số trên 60.000 lao động Việt Nam hiện đang làm việc, có gần 8.800 người đang cư trú bất hợp pháp, đứng đầu về số lượng so với các quốc gia phái cử).

 

Theo thông kê, trong vài năm trở lại đây tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn diễn ra ở hầu hết các thị trường, nhiều nhất là ở Nhật Bản, Hàn Quốc (chiếm 30%-40%), Đài Loan (10%-15%).

 

Ngoài thiệt hại về kinh tế đối với các công ty xuất khẩu lao động vì bị phạt, người lao động nếu bị phát hiện sẽ bị trục xuất về nước sớm. Hơn thế, thiệt hại lớn nhất mà không thể đo lường được là hình ảnh lao động Việt Nam bị xấu đi trong mắt bạn bè quốc tế. 

 

Thông tin từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, qua khảo sát nhanh một số chuyên gia và người tham gia xuất khẩu lao động trở về, những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến lao động bỏ trốn gồm: Kinh tế, tình trạng lừa đảo và hiểu biết về luật pháp.

 

Trên thực tế, không ít lao động Việt Nam sẵn sàng phá vỡ hợp đồng ra ngoài làm để có thu nhập cao hơn và để ở lại nước ngoài bất hợp pháp lâu hơn, cho dù việc làm này có thể gặp rủi ro và bị trục xuất về nước.

 

Như tại thị trường Nhật Bản, có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao vì quốc gia này nhận lao động Việt Nam dưới dạng “tu nghiệp sinh”. Thực chất là một hình thức sang nước ngoài để học việc, tu nghiệp. Do đó, thu nhập hàng tháng chỉ từ 500 – 700 USD/người/tháng với thời hạn tu nghiệp thường khoảng 3 năm.

 

Trong khi đó đây là những quốc gia phát triển có thu nhập cao, nếu trốn ra ngoài làm việc mức thu nhập là 1.500 - 2.000 USD/người/tháng và nếu không bị bắt và bị trục xuất thì sẽ được làm việc lâu hơn ở nước ngoài.

 

Mặt khác, người tham gia xuất khẩu lao động ở nước ta hầu hết thuộc tầng lớp có thu nhập thấp, trước khi đi lao động ở nước ngoài phải vay mượn nhằm trang trải chi phí rất lớn từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Trong khi đó, thực trạng lao động Việt Nam sau khi đi XKLĐ về nước chỉ 20-25% kiếm được việc làm ổn định. Do đó, sức ép đối với họ để mau chóng hoàn trả vốn và có một khoản tích lũy để làm ăn khi về nước là rất lớn.

 

Đây là lý do cơ bản mà lao động Việt Nam sẵn sàng bỏ trốn bất chấp có thể gặp rủi ro. Nhiều trường hợp, ngay sau khi sang nước bạn đã bỏ ra ngoài và bị phát hiện trục xuất về nước, chịu thiệt hại nặng nề cho bản thân vì chưa trả nợ được số vốn vay để đi xuất khẩu lao động.

 

Cùng đó, lợi dụng kẽ hở của luật pháp, trong những năm qua, không ít tổ chức môi giới và cò mồi đã lừa đảo những người nhẹ dạ và thiếu hiểu biết. Khi ra nước ngoài và biết mình bị lừa, lao động Việt Nam chỉ còn biết tìm đường trốn, chấp nhận cư trú bất hợp pháp để tìm việc khác với mong muốn kiếm tiền để thu hồi vốn đã đầu tư.

 

Trong khi, các quy định ràng buộc và đặc biệt là chế tài đối với lao động xuất khẩu của nước ta trong thời gian qua còn lỏng lẻo cũng là một trong những nguyên nhân làm cho lao động dễ dàng bỏ trốn. Trên danh nghĩa, lao động bỏ trốn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

 

Tuy nhiên, các cơ quan thụ lý đã  không thể xử lý những trường hợp này vì còn thiếu một số văn bản theo quy định của pháp luật, như phải có biên bản xử phạt hành chính về việc lao động bỏ trốn (có xác nhận của những lao động làm việc cùng hoặc của chủ sử dụng về việc lao động bỏ trốn), mới có căn cứ xử lý hình sự khi lao động đó về nước. 

 

Hiện, hình thức cưỡng chế duy nhất đối với lao động bỏ trốn trong thời gian qua là tiền ký quỹ, đặt cọc. Trên thực tế, hình thức này không giải quyết được vấn đề vì nhiều lao động sẵn sàng chịu mất số tiền này. Hơn nữa, chính khoản tiền ký quỹ càng như một gánh nặng đối với lao động phải đầu tư ban đầu, càng làm cho lao động tìm cách bỏ ra ngoài làm nhằm kiếm nhiều tiền hơn để trang trải nợ, thu hồi vốn.

 

Trước thực trạng này,  Bộ đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm quản lý và khắc phục tình trạng lao động bỏ trốn ở nước ngoài như: Rà soát tại địa phương, nâng ý thức của người lao động…

 

Tuy nhiên, theo chuyên gia luật pháp, cần có những quy định rõ ràng, minh bạch về cơ chế, chính sách, danh sách. Theo đó, các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động, thị trường xuất khẩu lao động, số lượng lao động cần tuyển, tiêu chuẩn tuyển lao động, các loại phí, chế độ đào tạo, chế độ lao động và thu nhập của người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài... để mọi người biết, thực hiện và kiểm tra, nhằm tránh tình trạng người đi xuất khẩu lao động bị lừa gạt. Ngoài ra, giải pháp lâu dài mà Nhà nước cần quan tâm là việc làm cho người lao động khi họ trở về nước.

 

P. Thanh