1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Phân biệt trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp thôi việc?

(Dân trí) - Khi nào người lao động nhận trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp, cơ quan nào chi trả? Người lao động nghỉ việc khi đã nghỉ thai sản và nghỉ không lương thì tính trợ cấp thất nghiệp ra sao? Xử lý ra sao mất thẻ BHYT ...

Đây là một phần trong số gần 100 câu hỏi được gửi tới Chương trình Giao lưu trực tuyến giải đáp chính sách BHXH, BHYT, do Bảo hiểm xã hội VN tổ chức hôm 3/12 tại Hà Nội.

Việc làm xin trích dẫn một số hỏi đáp trong chương trình.

Phân biệt trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp thôi việc? - 1

Phân biệt trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp thôi việc?

Bạn Nguyễn Văn Tiến (Bắc Ninh) hỏi: Nhờ anh/chị phân biệt giúp trợ cấp thất nghiệp với trợ cấp thôi việc? Đơn vị nào chi trả cho người lao động các loại trợ cấp này và thủ tục đề nghị hưởng ra sao? Em xin cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

1. Trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp thôi việc:

Khoản 4 Điều 3 Luật Việc làm: “Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp”.   

Khoản 3 Điều 46 Luật Việc làm: . Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp từ Trung tâm Dịch vụ việc làm (là cơ quan giải quyết trợ cấp thất nghiệp) chuyển sang.

Trợ cấp thôi việc là khoản trợ cấp mà đơn vị sử dụng lao động phải chi trả cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động vì đã có thời gian đóng góp của người lao động khi khi làm việc tại đơn vị được quy định tại Điều 48 Bộ Luật Lao động năm 2012.

Trường hợp bạn thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp thôi việc thì sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho bạn, cụ thể theo Khoản 5 Điều 14 Nghị định 05/2015/NĐ-CP:

Theo Khoản 3 Điều 45 Luật Việc làm thì thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp không được tính để hưởng trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về viên chức.

2. Hồ sơ, thủ tục:

Đối với hưởng trợ cấp thôi việc: Theo quy định pháp luật hiện hành thì người lao động không phải nộp hồ sơ gì để được hưởng trợ cấp thôi việc.

Đối với hưởng trợ cấp thất nghiệp: Nộp hồ sơ cho Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại Điều 16, Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ, gồm:

Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.

Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; Quyết định thôi việc; Quyết định sa thải; Quyết định kỷ luật buộc thôi việc; Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm thì giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng là bản chính hoặc bản sao có chứng thực của hợp đồng đó.

Sổ bảo hiểm xã hội.

Nhân viên có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi đã nghỉ thai sản và nghỉ không lương?

Bạn Lương Minh (Hải Phòng) hỏi: Công ty em có 01 nhân viên tham gia BHXH từ tháng 11/2010. Nhân viên đó nghỉ thai sản từ ngày 05/01/2019 đến 05/07/2019 thì xin nghỉ tiếp không lương đến ngày 31/10/2019. Đến ngày 01/11/2019, nhân viên xin nghỉ việc tại công ty. Như vậy, nhân viên đó có được hưởng BH thất nghiệp không? Nhờ cơ quan BHXH tư vấn giúp.

BHXH Việt Nam trả lời:

Điều 49 Luật Việc làm quy định người lao động được hưởng TCTN là người đang đóng BHTN. Theo Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 28/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định: “Người lao động đang đóng BHTN là người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã đóng BHTN và được tổ chức BHXH xác nhận. Tháng liền kề bao gồm cả thời gian sau:

Người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp BHXH;

Người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị.

Trường hợp Bạn hỏi trước khi nghỉ việc là đối tượng nghỉ không lương mà không thuộc trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật thì Bạn không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Mất thẻ BHYT, đi khám bệnh bằng cách nào?

Bạn Phạm Phương Thảo (Bắc Ninh) hỏi: Tôi bị mất thẻ BHYT và đã làm hồ sơ xin cấp lại thẻ tại trường Đại học mà tôi đang học. Tuy nhiên, đến nay đã gần 2 tháng nhưng chưa nhận được hồi âm. Hiện tại, tôi đang có nhu cầu khám tại bệnh viện, vậy làm thế nào để tôi vẫn được khám theo diện đối tượng có thẻ BHYT? Tôi xin chân thành cảm ơn.

BHXH Việt Nam trả lời:

Điều 30 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 ban hành quy định thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT quy định Trường hợp không thay đổi thông tin khi người tham gia đề nghị cấp lại/đổi thẻ BHYT thì thời gian cơ quan BHXH giải quyết là không quá 02 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, từ ngày 01/01/2019 trở đi giải quyết trong ngày khi nhận đủ hồ sơ.

Đề nghị Bạn liên hệ với Nhà trường nơi tiếp nhận hồ sơ cấp lại thẻ BHYT để giải thích lí do chậm trễ trong đổi thẻ BHYT của bạn. Đồng thời, đề nghị Nhà trường phải làm thủ tục đề nghị cấp lại thẻ BHYT ngay cho cơ quan BHXH hoặc bạn có thể trực tiếp nộp hồ sơ đề nghị cấp lại thẻ BHYT tại cơ quan BHXH trên địa bàn quản lý trường bạn theo học.

Trong thời gian chờ cấp lại thẻ, đổi thẻ BHYT, bạn vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi trong phạm vi và mức hưởng quy định trên thẻ BHYT khi đi KCB BHYT (phải xuất trình giấy hẹn cấp lại thẻ, đổi thẻ BHYT và một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân)…

H.M