Nhiều thắc mắc về bảo hiểm thất nghiệp được giải đáp

(Dân trí) - Chương trình Giao lưu trực tuyến về chính sách bảo hiểm thất nghiệp do Báo điện tử Dân trí và Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức hôm 24/9 đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc. Nhiều thắc mắc về chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã được các khách mời giải đáp.

Tham dự chương trình có các khách mời: Bà Hoàng Thị Kim Chi Phó trưởng Phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH); Bà Nguyễn Thị Kim Loan Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội).

Gửi câu hỏi ngay từ phút đầu, bạn đọc Nguyễn Hồng Phong viết: “Hiện nay cháu đã làm tại công ty được 8 năm, mức lương bình quân đóng BH hàng tháng là 15 triệu. Vậy nếu cháu nghỉ bây giờ thì được hưởng bao nhiêu tiền?”.

Nhiều thắc mắc về bảo hiểm thất nghiệp được giải đáp - 1
Bà Nguyễn Thị Kim Loan Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) giải đáp thắc mắc của bạn đọc.

Liên quan tới câu hỏi trên, bà Hoàng Thị Kim Chi cho biết: “Nếu bạn đáp ứng đủ điều kiện trợ cấp thất nghiệp thì theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 50 Luật Việc làm mức hưởng và thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của bạn được tính như sau: Tổng thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của bạn là: 8 tháng; Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của  bạn bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Như vậy, mức hưởng trợ cấp hằng tháng của bạn là: 60% x 15.000.000 đồng = 9.000.000 đồng/tháng”.

Trên cơ sở đó, bà Hoàng Thị Kim Chi cho biết: Tổng số tiền trợ cấp thất nghiệp bạn Nguyễn Hồng Phong nhận được là: 9.000.000 đồng/tháng x 8 tháng trợ cấp thất nghiệp = 72.000.000 đồng.

Bày tỏ thắc mắc tới bà Nguyễn Thị Kim Loan, bạn đọc Hoàng Văn Thơm hỏi: Công ty của tôi có một số lao động đã ngoài 60 tuổi nhưng đóng bảo hiểm xã hội chưa đến 10 năm. Nếu lao động này vẫn tiếp tục làm việc thì công ty chỉ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế và không đóng bảo hiểm thất nghiệp có được không?

Theo bà Nguyễn Thị Kim Loan, trong trường hợp này, người lao động nếu giao kết các hợp đồng sau mà không thuộc đối tượng đang hưởng lương hưu hoặc giúp việc gia đình thì vẫn thuộc đối tượng tham gia BHTN: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn; Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn đủ từ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Có lẽ là đối tượng chuẩn bị làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp tại Hà Nội, bạn đọc Nông Đức Tới hỏi: Xin giải thích rõ hơn cho người lao động về quy trình đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm DVVL Hà Nội.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Loan cho biết: Người lao động đến với các điểm tiếp nhận hồ sơ BHTN của Trung tâm cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định, bao gồm: 

Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồnglao động;

Quyết định thôi việc; quyết định sa thải; quyết định kỷ luật buộc thôi việc; thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc; sổ bảo hiểm xã hội( bản gốc và bản photo); xuất trình giấy tờ tùy thân (chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu...).

Lê Tâm