1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nghịch lý đắt-rẻ đồng lương

Tuyệt đại đa số công nhân viên chức đều ta thán về tiền lương thấp; CNLĐ tại các doanh nghiệp, trong các KCN-KCX cũng kêu về lương rẻ mạt. CNLĐ dù một năm làm thêm tới 320-350 giờ, lương tính ra chỉ được 24.000 đồng/giờ.

Nhiều CNLĐ tại các doanh nghiệp ta thán mức lương hiện nay thấp. Ảnh: H.A
Nhiều CNLĐ tại các doanh nghiệp ta thán mức lương hiện nay thấp. Ảnh: H.A

Còn đối với không ít công chức viên chức, ngày làm việc có ích chỉ còn khoảng 4 giờ, thậm chí ít hơn nên mức lương bình quân 17.000 đồng/giờ có khi lại quá cao so với mặt bằng chung của giá công lao động.

Đủ phụ cấp cũng chỉ được 24.000 đồng/giờ

Theo khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn vào tháng 6.2015, lương CNLĐ tại các doanh nghiệp (DN) ở Hà Nội là 4,106 triệu đồng; Đà Nẵng 3,97 triệu đồng và TPHCM cũng chỉ khoảng 4,403 triệu đồng. Nếu DN có việc làm tốt, hầu hết CNLĐ ký và được bố trí làm thêm ca, làm vào ngày nghỉ, bình quân mỗi người làm thêm 34 giờ/ tháng.

Cộng gộp tất cả với tiền lương năng suất, tiền chuyên cần, tiền hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ đi lại, phụ cấp trách nhiệm, độc hại và hỗ trợ ăn ca, thu nhập của CNLĐ chỉ dao động ở mức 5,8-6 triệu đồng với các DN ở các thành phố có nhiều KCN ở phía Bắc và 6,3-6,5 triệu đồng với các DN ở phía Nam. Cũng có một vài DN có mức lương và thu nhập cao như sản xuất mỏ, hàng không, dầu khí, bưu chính viễn thông.

Nhưng xin nhắc lại, số CNLĐ nói trên không đáng kể so với trên 20 triệu CNVCLĐ cả nước. Như vậy, đồng lương của CNLĐ (khu vực DN) hiện quá rẻ. Cứ gọi một ngày (ca) làm việc là 8 giờ, làm thêm mỗi tháng khoảng 34 giờ, phụ thêm vào thu nhập khoảng 758.000 đồng. Mà cũng chỉ có nhiều ở các KCN tập trung, ở các ngành giày da, dệt may, điện tử, điện lạnh, chế biến thủy-hải sản, các DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo đó, mỗi người làm thêm 320-350 giờ mỗi năm. Như vậy, CNLĐ Việt Nam làm việc khoảng 242-250 giờ/tháng (tôi nhấn mạnh rằng, đây là trong các DN có việc để làm thêm). Với mức thu nhập khoảng 5,9-6,2 triệu/tháng, họ được hơn 24.000 đồng/giờ, tương đương trên 1USD. Thử hỏi đây có phải là mức lương rẻ mạt không?

Cần quyết liệt thu gọn bộ máy

Đối với công chức viên chức (CCVC), với mức lương cơ sở đồng loạt là 1.150.000 đồng, bình quân đạt 2,9-3,2 triệu đồng/tháng. Trung bình một giờ, họ được 17.000 đồng (cho cử nhân đại học). Nhà nước có hỗ trợ bằng phụ cấp công vụ đoàn thể và một số phụ cấp đặc thù theo ngành nghề.

Đây là những khoản bổ sung, cũng là “bất đắc dĩ” để tìm cách tháo gỡ cho tiền lương thấp của CCVC khu vực hành chính sự nghiệp (HCSN) đỡ rơi vào bế tắc. Kể cả những CCVC lương cao, không ai cho rằng, đây là sự đãi ngộ thỏa đáng và đồng lương đã bảo vệ cuộc sống của họ. “Lương rẻ mạt lắm!” là câu cửa miệng khi họ gặp và hỏi thăm nhau về lương.

Đặc biệt, những ngày gần đây, mọi người xôn xao về dự định tăng lương của Chính phủ. Cấp bách lắm rồi! Gay gắt lắm rồi! Song “giá” để tìm đường vào làm việc trong các cơ quan công quyền, các đơn vị hành chính sự nghiệp, các cơ sở mà thường ngày họ vẫn nói “lương rẻ như bèo”, lại không hề nhỏ. Kỷ cương, kỷ luật, quy chế quản lý nhân sự không rạch ròi, không cụ thể, không cân đong, đo đếm phân minh như ở các DN.

Đặc biệt là việc xác định hiệu quả làm việc. CNLĐ trong DN phải làm đủ sản phẩm, phải được “soi, xét” kỹ về kết quả của ngày công, mới được trả lương. Nhưng một CCVC nếu mẫn cán, trách nhiệm làm đủ ngày, đặc biệt là đủ 8 giờ “vàng ngọc” đương nhiên được trả đủ lương.

Nhưng ai cũng thừa nhận, nhiều người trong số CCVC làm không đủ giờ của một ngày theo luật; “khi chén nước, khi cuộc cờ” - ngày làm việc có ích chỉ còn khoảng 4 giờ, thậm chí ít hơn. Nếu như vậy, giá một giờ làm việc thực sự, lại quá cao so với mặt bằng chung của giá công lao động.

Vì vậy, trong gần 5 triệu lao động khu vực HCSN, cần có chính sách quyết liệt thu gọn bộ máy, cắt giảm biên chế. Đây phải là yêu cầu có tính chất sống còn trong quá trình cải cách hành chính ở VN. Đây cũng là cách hiệu quả nhất, làm cho nền kinh tế cất cánh, hưng thịnh.

Bộ máy lớn quá, nhân sự nặng nề quá, và nhiều người “ẩn bóng đèn, chen bóng cật” trong số gần 5 triệu CCVC này để trục lợi - tức ăn cắp thời gian - làm cho nền kinh tế chúng ta không thể cất mình lên được, sánh vai với các cường quốc kinh tế ở khu vực và thế giới, làm cho mỗi người VN không hổ thẹn rằng, đất nước anh hùng thế mà nghèo lâu thế!

Theo PGS-TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện CN và CĐ/Báo Lao động