1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Năm 2025: Phấn đấu đạt 35% lao động trong độ tuổi tham gia BHTN

(Dân trí) - “Sau 10 năm triển khai, chính sách BHTN đã đi vào cuộc sống, hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động, thực sự là điểm tựa của cả người lao động và người sử dụng lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên trong giai đoạn tới, chính sách BHTN sẽ cần thêm nhiều giải pháp hiệu quả hơn nữa…”.

Năm 2025: Phấn đấu đạt 35% lao động trong độ tuổi tham gia BHTN - 1

Ông Lê Quang Trung - Cục Phó, Phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết.

Phát huy giá trị cốt lõi của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề và duy trì việc làm được xem là giải pháp quan trọng thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW. Đó là cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội.

Điểm tựa của người lao động

Thống kê của Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), 10 năm qua số lượng người tham gia và đóng BHTN liên tục tăng nhanh qua từng năm. Năm 2009, cả nước chỉ có hơn 5,9 triệu lao động tham gia BHTN. Đến nay con số này đã là gần 13 triệu người, vượt so với dự kiến.

“Cùng với việc gia tăng số người được hưởng các chế độ BHTN, số tiền chi cho các chế độ BHTN cũng tăng nhanh. Tới nay, 96,8% người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp đã được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; Hơn 180.000 người được hỗ trợ học nghề” - ông Lê Quang Trung cho biết.

Ông Lê Quang Trung nhận định về phương hướng phát triển công tác BHTN thời gian tới

Tuy nhiên so với mục tiêu, yêu cầu đề ra thì theo đánh giá của Cục Việc làm, việc thực hiện chính sách BHTN vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Tồn tại lớn nhất là chính sách BHTN chưa thực sự gắn với thị trường lao động. Chưa có nhiều biện pháp hỗ trợ để người lao động duy trì việc làm.

Bên cạnh đó, đối tượng tham gia BHTN chưa được mở rộng đến người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng, trong khi đây là đối tượng có nguy cơ mất việc làm cao.

Đánh giá của Cục Việc làm cho thấy, ngoài ra, các quy định về điều kiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động là khá chặt chẽ, ít xảy ra và chưa có giải pháp hơn nữa để hỗ trợ người sử dụng lao động duy trì việc làm, ngăn ngừa sa thải lao động.

Ngoài ra, hệ thống các giải pháp hỗ trợ cho người lao động được bồi dưỡng, phát triển kỹ năng nghề hoặc nâng cao tay nghề vẫn còn cần bổ sung thêm.

Nâng cao hiệu quả chính sách

Theo ông Lê Quang Trung, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã đặt ra mục tiêu cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, trong đó bao gồm bảo hiểm thất nghiệP, nhằm đưa bảo hiểm xã hội thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.

Năm 2025: Phấn đấu đạt 35% lao động trong độ tuổi tham gia BHTN - 2

Trên cơ sở đó, trong lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp, ông Lê Quang Trung nhận định, cần triển khai đồng bộ và hiệu quả nhiều giải pháp cụ thể để có thể thực hiện tốt các mục tiêu trên.

„Trọng tâm là việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại Luật Việc làm vào năm 2021- 2022 theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, khắc phục tình trạng gian lận, trục lợi bảo hiểm thất nghiệp, phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm bảo hiểm thất nghiệp thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật việc làm“ - ông Lê Quang Trung cho biết.

Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cần tăng cường hoàn thiện hệ thống tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp: Hệ thống thực hiện bảo hiểm thất nghiệp phải đảm bảo tính liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan tổ chức thực hiện, đào tạo nghề và duy trì việc làm; gắn kết giữa giải quyết các chế độ cùng với việc chi trả bảo hiểm thất nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện.

Nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh phù hợp các chức năng nhiệm vụ ngành lao động -thương binh và xã hội và ngành bảo hiểm xã hội trong việc thu, chi, tiếp nhận giải quyết, quản lý Qũy bảo hiểm thất nghiệp.

Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức dịch vụ việc làm để thực hiện tốt tư vấn và hỗ trợ việc làm, vì đây là hướng giải quyết người thất nghiệp một cách bền vững nhất. Nghiên cứu, xem xét xây dựng mô hình chuẩn của trung tâm dịch vụ việc làm để thực hiện tốt các nhiệm vụ tư vấn, thông tin thị trường lao động, giới thiệu việc làm, cung cấp lao động và dạy nghề...

Đồng thời, Bộ cần nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn bảo đảm tất cả nhân sự thực hiện bảo hiểm thất nghiệp được tuyển dụng dựa trên năng lực và kỹ năng phù hợp với việc triển khai chính sách thị trường lao động tích cực.

Cơ quan chính sách cần nghiên cứu đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền, bảo đảm hiệu quả công tác tuyên truyền gắn với phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, mục tiêu của phát triển BHTN gồm:

Giai đoạn đến năm 2021: Phấn đấu đạt khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; tỉ lệ giao dịch điện tử đạt 100%; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Giai đoạn đến năm 2025: phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Giai đoạn đến năm 2031: phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Phan Huy