1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hà Nội: Còn hơn 2.960 tỉ đồng nợ BHXH trong 10 tháng qua

(Dân trí) - Theo ông Nguyễn Đức Hoà, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội, mặc dù thực hiện nhiều nỗ lực giảm, nhưng số nợ bảo hiểm xã hội tại Hà Nội trong 10 tháng qua còn tới 2.963 tỉ đồng, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của 681.180 lao động.

Thống kê tới hết tháng 10, BHXH Hà Nội cho biết, mức thu bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 26.740,2 tỷ đồng, đạt 80,3% kế hoạch BHXH VN giao (tăng 21% so với cùng kỳ năm 2016).

Về tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 83% dân số, hoàn thành vượt chỉ tiêu bao phủ BHYT mà Thủ tướng Chính phủ, Thành phố giao năm 2017 là 82,8 %.

Ông Nguyễn Đức Hoà - Giám đốc BHXH Hà Nội đánh giá công tác triển khai BHXH, BHYT tại HÀ Nội.

Tuy nhiên, số nợ BHXH trên địa bàn thành phố tới tháng 10 tháng còn 2.963 tỉ đồng và khả năng khó thực hiện chỉ tiêu thu nợ BHXH ở con số 4,04 % trong năm 2017.

“Nguyên nhân do công tác khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH ra Tòa án hiện nay đang gặp khó khăn, vướng mắc. Đa số các doanh nghiệp chây ỳ, cố tình trốn đóng BHXH, BHYT, đóng không đủ số người đang làm việc tại doanh nghiệp. Nhận thức của một bộ phận chủ sử dụng lao động, người lao động về chính sách BHXH, BHYT còn hạn chế” - ông Nguyễn Đức Hoà cho biết.

Trong khi đó, BHXH Hà Nội cho rằng, công tác chỉ đạo, giám sát về công tác BHXH, BHYT ở một số nơi còn chưa sâu sát, quyết liệt, nhất là trong việc đôn đốc, thu nợ BHXH, BHYT.

Về chi phí khám chữa bệnh BHYT, đại diện BHXH Hà Nội cho biết, tình hình bội chi quỹ BHYT trên địa bàn Hà Nội gia tăng. Một số cơ sở khám chữa bệnh BHYT có sự gia tăng về số lượt khám và chi KCB BHYT bình quân; tình trạng chỉ định điều trị nội trú, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật sai điều kiện và định mức quy định của Bộ Y tế; chỉ định thuốc, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh chưa phù hợp với tình trạng bệnh tật…

Một số nguyên nhân chính do tăng giá dịch vụ y tế, dịch sốt xuất huyết và do thông tuyến khám chữa bệnh.

“Việc áp giá thanh toán bao gồm cả tiền lương và phụ cấp của y tế tạm tính trong 9 tháng đầu năm là 1.336 tỷ đồng, trong đó kết cấu giá tiền giường là 842,1 tỷ đồng. Một số cơ sở khám chữa bệnh chưa giảm 10% chi phí bình quân so với năm 2016. Bệnh viện chỉ định bệnh nhân vào viện điều trị rộng rãi với chẩn đoán vào viện chỉ cần điều trị ngoại trú nguyên nhân do giá giường tăng cao” - ông Nguyễn Đức Hoà cho biết.

Bên cạnh đó, tình trạng tăng chỉ định xét nghiệm, chụp X-Quang, siêu âm, nội soi TMH, thủ thuật châm cứu, phục hồi chức năng; Chỉ định sử dụng thuốc đắt tiền chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu thuốc, sử dụng các vật tư y tế có dải giá rộng tập trung sử dụng loại có giá cao.

Phối hợp với cơ quan thuế, công an và chính quyền địa phương... để thu nợ BHXH

Thông qua việc triển khai với Công an Thành phố, trong 3 tháng qua, BHXH Hà Nội đã phối hợp thực hiện kiểm tra tại 128 đơn vị với số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN là 83,7 tỷ đồng, sau kiểm tra đã thu được 23,9 tỷ đồng.

Cơ quan thuế đã cung cấp số liệu cho BHXH Hà Nội danh sách 13.473 đơn vị giải thể, ngừng hoạt động, tạm dừng hoạt động; danh sách 2.351 đơn vị sau khi có kết luận thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật thuế có dấu hiệu vi phạm về trích nộp BHXH.

Thông qua hệ thống email, cơ quan thuế đã gửi thông báo về việc tăng cường thu, thu nợ BHXH, BHYT, BHTN 3 tháng cuối năm 2017 đến 120.480 doanh nghiệp; gửi thông báo những đơn vị nợ trên 3 tháng đến 10.919 doanh nghiệp.

Với UBND các quận, huyện, thị xã đã chỉ đạo các phòng, ban trên địa bàn tăng cường phối hợp với cơ quan BHXH đôn đốc thu hồi nợ BHXH tại các doanh nghiệp, cụ thể: Đã ban hành các quyết định thanh tra, kiểm tra tại 465 đơn vị với số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN là 121 tỷ đồng, thu hồi được 49 tỷ đồng...

H.M

Tin liên quan:

Từ 1/7/2018: Tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội

Trong chương trình làm việc kỳ họp thứ 4 (Quốc hội Khóa XIV), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước 2018 với 425 đại biểu tán thành, chiếm 86,56% tổng số đại biểu Quốc hội.

Theo đó, Quốc hội giao Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2018.

Giao các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương tiếp tục thực hiện các quy định về chính sách tạo nguồn cải cách tiền lương kết hợp triệt để tiết kiệm chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, bảo đảm tự cân đối nhu cầu tăng chi do điều chỉnh mức tiền lương cơ sở trong phạm vi dự toán ngân sách được giao.

Theo Nghị quyết, trong giai đoạn 2018- 2020, các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương, trường hợp xác định bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho cả lộ trình, không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ, thì được phép sử dụng nguồn làm lương còn dư để đầu tư phát triển các công trình xây dựng theo quy định của pháp luật.

P.T