1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đề xuất cấp thẻ học nghề trị giá tối đa 14,5 triệu đồng

(Dân trí) - Đây là nội dung của dự thảo thông tư Liên tịch hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự hoặc công an, thanh niên tình nguyện sau khi kết thúc nhiệm vụ. Dự thảo đang được Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến của nhân dân trước ngày 20/6.


Nhu cầu học nghề của thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự rất lớn

Nhu cầu học nghề của thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự rất lớn

Đối tượng thụ hưởng từ quy định của dự thảo thông tư là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Nơi học nghề của nhóm đối tượng trên là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp, cơ quan và tổ chức có liên quan hoạt động theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Để nhận được hỗ trợ trên, đối tượng phải thực sự có nhu cầu đào tạo nghề nghiệp trong thời gian 12 tháng kể từ ngày hoàn thành nhiệm vụ; chưa được hỗ trợ đào tạo nghề từ chương trình khác có sử dụng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước kể từ ngày hoàn thành nhiệm vụ. Đối tượng chỉ được hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp 1 lần khi tham gia chương trình đào tạo.

Trong quá trình tham gia khóa đào tạo trình độ sơ cấp, đối tượng phải nghỉ học và không thể tiếp tục theo học thì thời gian để tính hỗ trợ chi phí đào tạo được tính từ ngày khai giảng đến ngày quyết định nghỉ học có hiệu lực thi hành.

Về mức chi phí đào tạo và hỗ trợ đào tạo cụ thể cho từng ngành, nghề ở trình độ sơ cấp do chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt. Mức hỗ trợ này phù hợp với chương trình, thời gian đào tạo thực tế và đặc thù của từng vùng, địa phương.

Đối với những ngành nghề có chi phí đào tạo thực tế lớn hơn mức hỗ trợ tối đa bằng 12 tháng tiền lương cơ sở, dự thảo đề xuất các bộ, ngành, địa phương, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp chủ động xây dựng phương án huy động nguồn kinh phí để hỗ trợ thêm cho đối tượng trong thời gian tham gia khóa học.

Dự thảo tiếp tục được Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến của nhân dân tới ngày 20/6/2016.

“Thanh niên có nhu cầu tham gia chương trình đào tạo trình độ sơ cấp được cấp thẻ đào tạo nghề nghiệp. Thẻ đào tạo nghề nghiệp có giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm đào tạo và có giá trị sử dụng trong 01 năm kể từ ngày cấp thẻ. (Mức lương cơ sở hiện nay là 1.210.000 đồng)

Giá trị thẻ đào tạo nghề nghiệp sử dụng hỗ trợ chi phí đào tạo trình độ sơ cấp. Hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại cho Thanh niên tham gia chương trình đào tạo trình độ sơ cấp theo quy định tại Điều 5 Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng” - trích nội dung dự thảo.

Hoàng Mạnh