Giấu bằng đỏ đi học nghề
Tại Nghệ An, cử nhân tốt nghiệp ĐH loại ưu ra trường lại phải giấu bằng đi học nghề, hoặc để đó làm... kỷ niệm rồi bạt xứ làm thuê.
Hệ quả của việc “phổ cập đại học” đang trở thành vấn nạn khiến hàng ngàn cử nhân ra trường thất nghiệp. Việc tuyển dụng cũng là bài toán khó đặt ra cho các nhà chức trách địa phương. Tại Nghệ An, cử nhân tốt nghiệp ĐH loại ưu ra trường lại phải giấu bằng đi học nghề, hoặc để đó làm... kỷ niệm rồi bạt xứ làm thuê.
Vấn nạn khó đầu ra
Theo số liệu thống kê gần đây, cả nước có gần 200.000 người có trình độ đại học bị thất nghiệp thì tại Nghệ An, gần 5.000 cử nhân đang thất nghiệp. Số còn lại có khá nhiều người làm nghề tay trái hoặc việc làm không ổn định. Một trong những nguyên nhân chính là hệ quả của việc “phổ cập đại học” những năm gần đây.
Tốt nghiệp ĐHQG Hà Nội với tấm bằng loại khá, cử nhân Nguyễn Bảo Anh quê tại huyện Diễn Châu (Nghệ An) đành ngậm ngùi cất bằng đỏ vào hộc tủ để làm kỷ niệm và theo hàng xóm sang Lào buôn đồng nát.
Bảo Anh nói: “Hai năm ra trường chạy vạy khắp nơi không thể xin được một công việc ra hồn, nộp hồ sơ xong chỉ nhận được sự im lặng nên chán quá không muốn nộp nữa. Thôi cất bằng để làm kỷ niệm, đi buôn kiếm sống chứ hết hy vọng với tấm bằng đại học rồi”.
Các trường đại học đào tạo tràn lan: chính quy, từ xa, tại chức, liên thông… Rồi có đào tạo công khai, đào tạo chui, hướng tới phổ cập đại học, biến trường đại học thành trường phổ thông cấp Bốn. Đào tạo đại trà như vậy nên nhiều người học xong đại học bị thất nghiệp, học tiếp thạc sĩ cũng thất nghiệp…
Nghệ An là một địa phương có truyền thống hiếu học, thế nhưng với con số gần 5.000 cử nhân đang thất nghiệp, 10.000 người đã tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ đang thiếu việc làm, chấp nhận làm trái ngành, nghề để trang trải cuộc sống và con số cử nhân thất nghiệp đang tăng lên từng năm.
Chị Trần Thị Nhung, quê ở huyện Thanh Chương (Nghệ An), tốt nghiệp Trường Đại học Vinh với tấm bằng loại giỏi, đã gần 2 năm nhưng vẫn đang loay hoay tìm việc làm. Để có tiền trang trải cuộc sống, chị Nhung đã phải xuống thuê trọ tại TP Vinh để đi làm thêm, phục vụ các quán ăn, nhà hàng có nhu cầu cho lao động phổ thông với mức lương 3 triệu đồng/tháng.
Nhung tâm sự: “Rất tiếc tấm bằng ĐH, để có tấm bằng ĐH bố mẹ đã phải vất vả làm thuê, làm mướn; thậm chí bán cả trâu bò để nộp học phí. Nay tốt nghiệp không xin được việc làm cũng chấp nhận đi làm thuê để tránh ở nhà làng xóm xa gần hỏi thăm, bố mẹ đỡ phiền lòng”.
Ùn tắc
Tốt nghiệp ĐH Sư phạm rồi về đi buôn; tốt nghiệp ĐH Nghệ thuật về đi hát rong đường phố, tốt nghiệp ĐH Luật ra trường đi làm cộng tác viên báo chí… và nhiều hoàn cảnh tương tự đều phải tự bươn chải bởi không thể xin việc.
Anh Đặng Quốc Hương trú tại phường Trung Đô, TP Vinh cho biết: “Tôi tốt nghiệp ĐH Văn hóa nghệ thuật ra nhưng cầm hồ sơ xin việc đi gõ cửa một năm nay đều được trả lời chỉ nhận hợp đồng thời vụ với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng. Thất vọng quá, tôi về đi hát dạo để sống cái đã”. Để có việc làm, nhiều sinh viên đã phải giấu bằng đại học, xin vào làm ở các khu công nghiệp, xí nghiệp ở địa phương, thậm chí quay lại học nghề.
Riêng ở Nghệ An, theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, trên địa bàn tỉnh có khoảng 12.000 người tốt nghiệp từ trung cấp trở lên chưa tìm được việc làm, trong đó có trên 4.000 người có trình độ cao đẳng và hơn 3.000 cử nhân, thạc sĩ.
Ông Đậu Văn Thanh, Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An nhận xét: “Hiện nay, đang đào tạo theo kiểu ăn xổi, dẫn tới cả xã hội ăn xổi và chế ra những sản phẩm ăn xổi”. Ông Thanh bảo: “Gần đây Sở Tài chính cần 5 suất công chức nhưng chúng tôi đã nhận được 87 hồ sơ đều có bằng ĐH, thạc sĩ loại giỏi và phù hợp với yêu cầu của nhà tuyển dụng. Lựa chọn ai cho công bằng trong số hàng trăm cử nhân giỏi này là một bài toán khó, khổ và áp lực đối với chúng tôi”.
Theo Việt Hương/Báo Tiền Phong