1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bạc Liêu thu hút cử nhân, kỹ sư về cơ sở - bài 2:

Còn nhiều hạn chế, bất cập nào trong chính sách

(Dân trí) - Thực tế ở nhiều địa bàn trong tỉnh Bạc Liêu cho thấy, chính sách thu hút trí thức trẻ về công tác cơ sở là đúng đắn, tuy nhiên qua gần 10 năm triển khai vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

Nhiều nơi chưa quan tâm đúng mức

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, trong chính sách của tỉnh về thu hút trí thức trẻ về công tác ở cấp xã, qua gần 10 năm thực hiện cho thấy, còn có cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp xã còn do dự trong việc tiếp nhận, thiếu nhiệt tình trong công tác chăm bồi trí thức trẻ nên hiệu quả thực hiện chưa cao.

Trong tuyển chọn chưa làm tốt công tác phỏng vấn để đánh giá đúng động cơ, mục đích của các trí thức trẻ, có phải vì lý tưởng cách mạng, muốn chọn nơi khó khăn để rèn luyện, thử thách, cống hiến hay vì lý do nào khác.

Việc phân công các trí thức trẻ về thẳng cấp xã công tác không qua thời gian làm việc tập sự ở các phòng, ban chuyên môn cấp huyện là một khó khăn, trở ngại lớn cho các trí thức trẻ khi về công tác ở cấp xã. “Do một số trí thức trẻ thiếu ý thức phấn đấu, rèn luyện, ngại khó nên từ đó xa sút ý chí, không chịu vươn lên hoàn thành nhiệm vụ được giao. Kết quả đã có 92 trí thức trẻ nghỉ việc” - theo báo cáo của UBND tỉnh Bạc Liêu.

TP Bạc Liêu đã tiếp nhận 150 trí thức trẻ tăng cường về cấp xã và cấp huyện. Chính sách này đã giúp cho TP tiết kiệm được tiền đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, giúp cho sinh viên mới ra trường có cơ hội để cống hiến và cấp xã có được đội ngũ cán bộ kế thừa đảm bảo có chất lượng.

Tuy nhiên, UBND TP Bạc Liêu cũng đưa ra một số hạn chế, như: Sau khi hết hạn hợp đồng, đa số các trí thức trẻ đã lãnh lương hệ số 2,67 nhưng chưa bố trí được vào các chức danh cán bộ, công chức theo Nghị định 92 của Chính phủ, mà chỉ xếp lương theo các chức danh Quyết định 32 của UBND tỉnh thì mức lương sẽ thấp nên có nhiều trí thức trẻ xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác khác. Hiện có 40 trường hợp như trên tại tỉnh Bạc Liêu.

“Bên cạnh đó, hiện có 18 trí thức trẻ đã hết hạn hợp đồng nhưng chưa có chỗ bố trí, trong khi TP thiếu nguồn ngân sách để chi trả”, báo cáo của UBND TP Bạc Liêu nêu thực trạng.

Còn theo UBND thị xã Giá Rai, tính đến cuối tháng 3/2018, thị xã đã thu hút được 65 trí thức trẻ về công tác ở cấp xã. Địa phương này cũng đánh giá chính sách thu hút trí thức trẻ về cơ sở là đúng đắn, góp phần chuẩn hóa, nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ cấp xã.

“Nếu như đầu năm 2009 cán bộ cấp xã chưa qua đào tạo là gần 100 người, chiếm trên 55%, thì đến cuối tháng 3/2018 là 8 người, chỉ còn chiếm khoảng hơn 3%”, báo cáo của UBND thị xã Giá Rai nêu kết quả.

Dù vậy, UBND thị xã Giá Rai cũng cho rằng, qua 10 năm thực hiện chính sách thì đến nay đã bộc lộ một số mặt không còn phù hợp với thực tế.

“Chế độ thu hút không còn hấp dẫn trí thức trẻ như cách đây 10 năm, do giá trị tiêu dùng thực tế tăng lên. Trong khi đó, sinh viên nộp hồ sơ ứng tuyển có trình độ Đại học nhưng chất lượng không cao, đa số được đào tạo hệ tại chức và kết quả xếp loại tốt nghiệp chủ yếu trung bình, còn khá giỏi thì rất ít”, UBND thị xã Giá Rai đánh giá.

Trong khi đó, UBND huyện Hồng Dân cho rằng, do công tác triển khai, quán triệt chủ trương chính sách chưa được sâu rộng nên vẫn còn một vài nơi chưa thận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của chủ trương này. Có nơi còn có biểu hiện thiếu mặn mà trong tiếp nhận, chưa thật sự quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cho trí thức trẻ được cấp trên phân bổ về.

Việc thực hiện chính sách đãi ngộ đối với trí thức trẻ chưa có sự thống nhất giữa cấp trên với cấp dưới, giữa cơ quan chỉ đạo với cơ quan quản lý ngân sách nhà nước, tạo tâm lý không được thoải mái cho các trí thức trẻ.

“Các cấp, các ngành địa phương chưa thật sự quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho các trí thức trẻ, chưa gần gũi, tiếp xúc để các trí thức trẻ bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, phản ánh những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị với các cấp lãnh đạo cũng như trao đổi kinh nghiệm trong xử lý những vấn đề thuộc về chuyên môn, nghiệp vụ và mối quan hệ với nhân dân, nhằm bổ sung kinh nghiệm vận động quần chúng, nâng cao chất lượng hoạt động cho các trí thức trẻ”, theo báo cáo của UBND huyện Hồng Dân.

Nhiều nơi chưa quan tâm đúng múc công tác thu hút trí thức trẻ. (Ảnh minh họa)
Nhiều nơi chưa quan tâm đúng múc công tác thu hút trí thức trẻ. (Ảnh minh họa)

Những kiến nghị tháo gỡ bất cập

Trước những hạn chế, bất cập trong thực hiện chủ trương chính sách thu hút trí thức trẻ được các địa phương đưa ra, UBND TP Bạc Liêu cho rằng, để tránh lãng phí nguồn nhân lực này, đề nghị tỉnh tiếp tục phân bổ nguồn ngân sách để kéo dài thời gian hợp đồng đối với các trí thức trẻ chưa bố trí được và quan tâm thực hiện tốt ưu tiên tuyển dụng vào biên chế bằng hình thức sát hạch không qua thi tuyển.

TP Bạc Liêu cũng đề xuất tỉnh có chế độ chính sách tiếp tục đào tạo về lý luận chính trị, sau Đại học để tạo nguồn cán bộ kế thừa cho các cấp. “Tỉnh nên có chỉ đạo các cấp mạnh dạn quy hoạch những trí thức trẻ đủ điều kiện vào các chức danh chủ chốt để tạo động lực phấn đấu cho các trí thức trẻ, góp phần có hiệu qua hơn nữa chủ trương chính sách này”, UBND TP Bạc Liêu nêu rõ kiến nghị.

UBND thị xã Giá Rai thì kiến nghị tỉnh nên có một chính sách mới hấp dẫn hơn và thu hút có chọn lọc lao động tình độ cao ở một số lĩnh vực như công nghệ thông tin, quản lý đô thị - xây dựng, môi trường, hòa giải cơ sở,…

Theo một trí thức trẻ ở TP Bạc Liêu, tỉnh cần đổi mới cơ chế thu hút, tạo môi trường làm việc công bằng để phát huy tối đa sức trẻ, năng lực sinh viên; đưa trí thức trẻ đến những nơi còn thiếu nguồn theo đúng chuyên ngành được đào tạo để sử dụng nguồn hiệu quả; mạnh dạn phân công, giao việc theo khả năng tiếp cận, nắm bắt của mỗi sinh viên một cách phù hợp.

Với các trí thức trẻ, khi tăng cường về cơ sở phải xác định được về cơ sở là khó khăn, gian khổ, phải nêu cao tinh thần tình nguyện, xung kích, đặt lợi ích tập thể lên trên hết, xóa bỏ tư tưởng lợi ích cá nhân, nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trong khi đó, UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu các cấp cơ sở cần tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng số trí thức trẻ đã được tuyển chọn để trở thành cán bộ gương mẫu, đủ năng lực, điều kiện thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức.

Cấp cơ sở cần mạnh dạn giao việc để thử thách và bố trí vào các chức danh đã quy hoạch; kịp thời điều chỉnh, phân công lại nhiệm vụ cho phù hợp với năng lực, sở trường của mỗi trí thức trẻ; phải khắc phục tình trạng bố trí, sử dụng trí thức trẻ không hợp lý.

Huỳnh Hải