1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cục quản lý lao động ngoài nước:

Cần có phương án bảo vệ lao động Việt Nam tại Trung Đông khi có diễn biến xấu

(Dân trí) - Liên quan tới diễn biến tại khu vực Trung đông - Bắc Phi những ngày qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) đã yêu cầu các doanh nghiệp XKLĐ phối hợp với phía đối tác có phương án bảo vệ an toàn, an ninh cho người lao động và sơ tán khi có diễn biến xấu xảy ra.

Nội dung công văn của Cục ghi rõ, tiếp theo Công văn số 1128/QLLĐNN-HQTACP ngày 06/08/2019 về tình hình lao động Việt Nam làm việc tại các nước Vùng Vịnh, trong những ngày gần đây căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang có thể dẫn đến xung đột vũ trang Ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi.

Để đảm bảo an ninh, an toàn cho người lao động, kịp thời sơ tán người lao động khi có nguy cơ chiến tranh xảy ra, cũng như việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của lao động Việt Nam đang làm việc tại khu vực Trung đông - Bắc Phi, Cục Quản lý lao động ngoài nước đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ ưu tiên.

Hơn 10.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại các nước khu vực Trung Đông.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, số lao động trên tập trung chủ yếu tại Ả rập Xê út: 7.000 người, UAE: 3.000 người, Cô oét: Gần 1.000 người, Ca ta: Gần 600 người, Ô man: 90 người và Ba ranh: 70 người.

Trong đó tăng cường rà soát tình hình lao động, việc làm và sinh hoạt của lao động Việt Nam tại các nước trong khu vực (bao gồm UAE, Ca-ta, Ả-rập Xê-út, Ô-man, Cô-Oét, Ba-ranh, An-gie-ri...).

Các doanh nghiệp cần lập danh sách số lao động đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp, công trình về số điện thoại, email, đầu mối liên hệ của các nhóm Lao động và cán bộ đại diện doanh nghiệp tại thị trường gửi Ban Quản lý lao động tại địa bàn và Cục Quản lý lao động ngoài nước để theo dõi, quản lý và hỗ trợ khi cần thiết.

Đồng thời, Cục yêu cầu các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với công ty sử dụng lao động và các bên liên quan có phương án bảo vệ an toàn, an ninh cho người lao động và sơ tán khi có diễn biến xấu xảy ra.

Mỗi doanh nghiệp thiết lập đường dây nóng và nhân sự để theo dõi diễn biến tình hình, có biện pháp ứng phó khi xảy ra phát sinh.

Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo các nội dung nêu trên gửi Cục trước ngày 13/1/2020.

Hoàng Mạnh