PhotoStory

Trải nghiệm lễ hội cầu ngư đầy màu sắc tại làng biển có lịch sử gần 400 năm

Thực hiện: Tiến Thành

(Dân trí) - Lễ hội Cầu ngư Cảnh Dương được tổ chức vào rằm tháng Giêng, đây là lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa đặc sắc và độc đáo riêng biệt so với các làng biển khác trong cả nước.

Trải nghiệm lễ hội cầu ngư đầy màu sắc tại làng biển có lịch sử gần 400 năm - 1

Ngày 5/2, nhằm ngày rằm tháng Giêng, làng biển Cảnh Dương (nay là xã Cảnh Dương), huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình lại rộn ràng tổ chức Lễ hội Cầu ngư đầu năm.

Lễ hội Cầu ngư ở Cảnh Dương mang đậm tính văn hóa đặc sắc và độc đáo riêng biệt so với các làng biển khác trong cả nước; là nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang tính tâm linh, mọi người, mọi nhà tự giác đóng góp tinh thần và vật chất, tưởng nhớ ơn đức của cá Ông, cá Bà, mong cho trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa, làng xã ấm no, yên vui, hạnh phúc.

Trải nghiệm lễ hội cầu ngư đầy màu sắc tại làng biển có lịch sử gần 400 năm - 2

Từ sáng sớm, đông đảo ngư dân, chủ các tàu thuyền, các tổ hợp tác, hợp tác xã lập theo từng đoàn, tề tựu về đền thờ Ngư Linh Miếu và Am Cầu Ngư để dâng hương, dâng lễ vật cúng tế Thần ngư.

Để bắt đầu Lễ Cầu ngư, người dân Cảnh Dương sẽ làm lễ xin rước Đức Thần Hoàng tại Đình Thờ Tổ của làng. Sau đó sẽ rước kiệu Thần Hoàng từ Đình Thờ Tổ về Linh Ngư Miếu, nơi thờ 2 bộ xương cá voi khổng lồ mà người dân gọi là cá Ông và cá Bà. Linh Ngư Miếu sẽ là nơi diễn ra lễ cầu ngư với các nghi thức dâng hương, văn tế, lễ tất, hò chèo cạn và cuối cùng là lễ phát động ra quân đánh bắt hải sản năm 2023.

Trải nghiệm lễ hội cầu ngư đầy màu sắc tại làng biển có lịch sử gần 400 năm - 3

Theo cụ Nguyễn Văn Biểu, một cao niên tại làng biển Cảnh Dương, nghi lễ quan trọng nhất trong lễ cầu ngư là đọc văn tế Thần Ngư. Một vị cao niên có uy tín nhất sẽ được làng cử ra để dâng hương và đọc văn tế. Bài văn tế thể hiện lòng biết ơn sự che chở, nâng đỡ của cá Ông và cá Bà với ngư dân trong những chuyến đi biển, cũng như lời khẩn cầu về một mùa biển yên bình, bội thu.

Sau nghi lễ quan trọng này, làng sẽ cử ra các ngư lão tiến hành điệu hò chèo cạn. Lúc này, mũi thuyền được chĩa theo hướng ra khơi sẽ được chèo cạn bởi một nhóm ngư dân. Trong khi đó những người còn lại sẽ phụ trách làm đội cờ và dẫn thuyền đến khi kết thúc nghi lễ.

"Lễ hội Cầu ngư vừa để thể hiện thành kính với Đức Thần Hoàng, Thần Ngư, cá Ông, cá Bà vừa cầu mùa, cầu phúc, cầu thiện, cầu an, cầu lành, cầu cho thiên nhiên thuận hòa, đất nước thanh bình, làng xã yên vui, nhà nhà hạnh phúc", cụ Biểu chia sẻ.

Trải nghiệm lễ hội cầu ngư đầy màu sắc tại làng biển có lịch sử gần 400 năm - 4
Trải nghiệm lễ hội cầu ngư đầy màu sắc tại làng biển có lịch sử gần 400 năm - 5

Sau phần nghi lễ sẽ diễn ra phần hội với nhiều trò chơi, trình diễn nghệ thuật vô cùng đặc sắc. Không chỉ thu hút đông đảo người dân từ khắp mọi nơi đến chung vui, Lễ hội Cầu Ngư Cảnh Dương còn góp phần tạo nên một mối đoàn kết, gắn bó sâu sắc giữa ngư dân của các địa phương.

Đồng thời, sau lễ hội Cầu ngư, UBND xã Cảnh Dương đã phát động ra quân thi đua đánh bắt hải sản với quyết tâm vươn khơi bám biển, vừa tham gia sản xuất, khai thác hải sản phát triển kinh tế, giúp nhau cứu hộ, cứu nạn trên biển, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc.

Trải nghiệm lễ hội cầu ngư đầy màu sắc tại làng biển có lịch sử gần 400 năm - 6
Trải nghiệm lễ hội cầu ngư đầy màu sắc tại làng biển có lịch sử gần 400 năm - 7

Theo ông Đồng Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương, địa phương này có nền kinh tế chủ yếu dựa vào khai thác lợi thế từ biển với các hoạt động đánh bắt, chế biến, vận tải biển… Toàn xã có 650 phương tiện tàu thuyền, trong đó tàu từ 15m trở lên có gần 200 chiếc. Những năm qua, kinh tế biển đã thu hút và giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động, đời sống người dân ngày càng nâng cao.

Trải qua nhiều thế kỷ, những nét văn hóa độc đáo của Lễ hội Cầu ngư Cảnh Dương đã ăn sâu vào tâm thức người dân, được cộng đồng thực hành và bảo vệ; là một sự kiện văn hóa quan trọng của tỉnh Quảng Bình, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2018.

"Lễ hội cầu ngư có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, gắn kết cộng đồng. Đây cũng là dịp đẩy mạnh tuyên truyền, động viên ngư dân tích cực sản xuất, phát triển kinh tế biển", ông Quang cho hay.

Trải nghiệm lễ hội cầu ngư đầy màu sắc tại làng biển có lịch sử gần 400 năm - 8
Trải nghiệm lễ hội cầu ngư đầy màu sắc tại làng biển có lịch sử gần 400 năm - 9
Trải nghiệm lễ hội cầu ngư đầy màu sắc tại làng biển có lịch sử gần 400 năm - 10

Với lịch sử hình thành gần 400 năm, Cảnh Dương là vùng đất địa linh nhân kiệt, một trong "Bát danh hương" của Quảng Bình xưa. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Cảnh Dương là "làng chiến đấu kiểu mẫu"; trong kháng chiến chống Mỹ, Cảnh Dương là đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.

Trải nghiệm lễ hội cầu ngư đầy màu sắc tại làng biển có lịch sử gần 400 năm - 11

Bên cạnh đó, Cảnh Dương còn biết đến với phong tục thờ Cá Ông tại Linh Ngư Miếu. Theo truyền thuyết của làng, cá Bà (cá voi cái) và cá Ông (cá voi đực) "lụy" (bị nạn) ở Cảnh Dương vào năm 1806 và 1818, người dân làng biển đã xây miếu thờ từ đó.

Hiện nay 2 bộ xương của cá Ông và cá Bà được bà con làng Cảnh Dương thờ tại Linh Ngư Miếu. Theo các chuyên gia, đây là những bộ xương cá voi lớn nhất và lâu đời nhất tại Việt Nam, chiều dài ước tính gần 27m, bề rộng gần 10m.

Cùng với Lễ hội Cầu Ngư, Cảnh Dương còn lưu giữ nhiều di tích và các giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo như: Đình thờ Tổ, Linh Ngư Miếu, các làn điệu dân ca hát ru, hò chèo cạn, các lễ hội như nấu cơm cần, đua thuyền, làng nghề truyền thống với nhiều sản vật nổi tiếng.