Thân phận đặc biệt của những người có mặt trên tàu Titanic cách đây 111 năm
(Dân trí) - Đã 111 năm trôi qua kể từ ngày thảm kịch hàng hải xảy ra, công chúng vẫn bị "ám ảnh" về con tàu Titanic và những người có mặt trên chuyến tàu.
Vào khoảng 2h20 ngày 15/4/1912, tàu Titanic - con tàu sang trọng nhất thế giới tại thời điểm bấy giờ - va phải một tảng băng trôi. Sự việc bi kịch đã khiến hơn 1.500 người thiệt mạng, trong tổng số hơn 2.200 hành khách cùng thủy thủ đoàn và nhân viên có mặt trên tàu.
Tàu Titanic khi đó được xem là con tàu chở khách lớn nhất thế giới. Khi đang trong chuyến hải trình đầu tiên từ Southampton (Anh) tới New York (Mỹ), tàu bất ngờ gặp nạn ở gần đảo Newfoundland (Canada).
Vụ chìm tàu Titanic là một trong những sự kiện bi thảm nhất trong lịch sử hàng hải, cho tới hôm nay, đã 111 năm trôi qua, nhưng công chúng vẫn bị "ám ảnh" bởi câu chuyện về tàu Titanic. Dưới đây là một vài câu chuyện ít biết về những người từng có mặt trên chuyến tàu bi kịch ấy.
Người giàu có nhất trên tàu Titanic
Doanh nhân người Mỹ John Jacob Astor IV là một trong những người giàu nhất thế giới tại thời điểm bấy giờ. Khi ấy, ông Astor sở hữu khối tài sản ước tính vào khoảng 150 triệu USD, tương đương với khoảng 3,5 tỷ USD ở thời điểm hiện tại.
Trên tàu Titanic, đồng hành với ông Astor (48 tuổi) là người vợ mới cưới kém ông 28 tuổi. Họ cùng trở về Mỹ sau kỳ nghỉ trăng mật. Trong vụ chìm tàu, vợ của ông Astor sống sót, còn vị doanh nhân giàu có đã bỏ mạng trong làn nước lạnh giá của Bắc Đại Tây Dương.
Nữ diễn viên sống sót trong vụ chìm tàu Titanic đóng bộ phim đầu tiên làm về tàu Titanic
Nữ diễn viên Dorothy Gibson đã có mặt trên chuyến tàu Titanic và may mắn sống sót. Cô Gibson đã xuất hiện trong bộ phim đầu tiên làm về vụ chìm tàu Titanic, bộ phim có tên Saved From the Titanic (Cứu sống khỏi tàu Titanic - 1912).
Phim ra mắt ở thời điểm một tháng sau vụ chìm tàu. Trong phim, Dorothy mặc lại bộ trang phục mà cô đã mặc trong lúc tàu chìm.
Bộ phim khi đó đã ra mắt thành công bởi đáp ứng phần nào sự quan tâm của truyền thông và công chúng, nhưng giờ đây, phim chỉ còn được nhớ đến trong ký ức. Những cuộn phim của Saved From the Titanic đã bị thất lạc từ lâu.
Ban nhạc của tàu Titanic chơi nhạc trên tàu cho tới thời khắc cuối cùng
Trong vụ chìm tàu Titanic, ban nhạc của tàu đã luôn được nhắc đến như những nghệ sĩ quả cảm. Họ đã chơi nhạc suốt hơn hai tiếng đồng hồ, kể từ khi con tàu đâm phải tảng băng trôi, cho tới tận khi tàu chìm. Cả dàn nhạc đã bỏ mạng trong vụ việc bi kịch, họ chấp nhận điều đó một cách bình tĩnh.
Cả dàn nhạc 8 người đồng lòng như một, không ai xao động hay rời bỏ vị trí. Giữa cảnh hỗn loạn, họ vẫn cùng nhau biểu diễn cho tới khi tàu chìm.
Về sau, ông Harold Bride - một người làm nhiệm vụ thông tin liên lạc trên tàu Titanic - chia sẻ rằng: "Tàu Titanic bị gãy làm đôi trước lúc chìm hẳn, nửa thân tàu có ban nhạc chúi phần mũi xuống mặt nước… Cả ban nhạc bị trượt khỏi boong tàu. Họ là những người quả cảm. Cho tới tận thời khắc cuối cùng, họ vẫn chơi nhạc và đang chơi dở một bản nhạc về mùa thu".
Tất cả 35 kỹ sư trên tàu Titanic đã ở lại tàu để giữ cho máy tàu hoạt động
Bia tưởng niệm những kỹ sư làm việc trên tàu Titanic đã được dựng lên tại thành phố Southampton (Anh) - nơi chứng kiến con tàu rời bến. Đèn trên tàu Titanic chỉ tắt khi con tàu đã thực sự chìm dưới làn nước.
Đèn trên tàu vẫn sáng sau khi con tàu đâm phải tảng băng trôi. Trong suốt hai tiếng rưỡi sau khi xảy ra vụ va chạm cho tới tận khi con tàu chìm, đèn vẫn sáng chính là nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ của các kỹ sư. Họ đã đồng lòng ở lại trên tàu, giữ cho máy tàu hoạt động, giữ cho đèn thắp sáng, nhằm giúp cho hoạt động cứu hộ diễn ra dễ dàng hơn, để những sự thương vong được giảm bớt.
Hai người gác tàu Titanic không có ống nhòm để làm nhiệm vụ quan sát
Theo thông tin từ nhà chức trách thực hiện cuộc điều tra sau vụ chìm tàu, kể từ khi người thủy thủ Frederick Fleet quan sát thấy tảng băng trôi, hét lên báo hiệu, cho tới khi tàu thực sự va phải tảng băng, thời gian chỉ có chưa đầy một phút.
Trong đêm con tàu Titanic gặp nạn, hai người gác tàu đã không có ống nhòm để làm nhiệm vụ quan sát. Vị trí gác tàu khi đó được giao cho Frederick Fleet và Reginald Lee. Cả hai người đều sống sót sau vụ việc và cho biết rằng họ đã phải quan sát bằng mắt thường bởi những chiếc ống nhòm trên tàu nằm trong một cabin bị khóa kín.
Không ai có chìa khóa vào cabin đó và cũng không ai dám phá cửa cabin của con tàu mới toanh. Thực tế, trước khi con tàu Titanic khởi hành, đã có một chút xáo trộn về thành viên thủy thủ đoàn. Người thủy thủ cầm chìa khóa cabin có chứa ống nhòm đã quên không trao lại chìa khóa sau khi được thay đổi nhiệm vụ và không cần lên tàu nữa.
Mặc dù vậy, các chuyên gia hàng hải khẳng định rằng ở tại thời điểm tàu gặp nạn, khi màn đêm vẫn dày đặc, việc có ống nhòm hay không cũng không thay đổi được sự việc. Hồi năm 2010, chùm chìa khóa mở cửa cabin chứa những chiếc ống nhòm trên tàu Titanic đã được đem ra đấu giá, đạt mức giá hơn 130.000 USD.
Ở thời điểm tưởng niệm 100 năm ngày xảy ra vụ chìm tàu Titanic, một người nào đó đã đặt lên mộ thủy thủ Frederick Fleet (1887-1965) một cặp ống nhòm và một tờ giấy viết dòng chữ: "Xin lỗi vì đã mang tới cho anh món đồ này muộn mất 100 năm".
Những nhân vật có thật được khắc họa trong phim "Titanic"
Nhân vật người đầu bếp sống sót trong làn nước giá lạnh nhờ… uống rượu là hoàn toàn có thật, đó là người đầu bếp có tên Charles Joughin. Trong bộ phim Titanic (1997), nhân vật này đã được khắc họa thoáng qua, với hình ảnh nhấp ngụm rượu trước khi phải ngâm mình trong làn nước giá lạnh của Bắc Đại Tây Dương.
Trong thực tế, khi tàu Titanic gặp nạn, đầu bếp Charles Joughin (1878-1956) đã nhanh tay cầm theo hai chai rượu để giúp bản thân giữ ấm cơ thể. Joughin là một trong số ít những người còn sống sót sau khi phải ngâm mình trong làn nước giá lạnh của Bắc Đại Tây Dương.
Bộ phim Titanic có cảnh khắc họa một cặp đôi cao niên nằm cạnh nhau trong cabin, họ bình thản đón nhận cái chết, trong khi tàu Titanic chìm dần. Cảnh phim này được thực hiện dựa trên câu chuyện về một cặp đôi có thật.
Đó là một cặp vợ chồng thượng lưu từng có mặt trên khoang hạng nhất của tàu Titanic. Cặp vợ chồng thượng lưu đến từ New York (Mỹ) - ông Isidor và bà Ida Straus - đã được khắc họa trong cảnh phim trứ danh của bộ phim Titanic (1997).
Trong thực tế, vợ chồng nhà Straus đã lựa chọn cùng nhau đón nhận cái chết trong vụ đắm tàu Titanic. Dù thuyền cứu hộ ưu tiên phụ nữ và trẻ nhỏ, bà Ida có thể tìm được một chỗ cho mình trên thuyền, nhưng bà lựa chọn ở lại bên chồng. Khi ra đi, ông Isidor đang ở tuổi 67, bà Ida đang ở tuổi 63.
Quý ông mặc đẹp để đón nhận... cái chết
Trong bộ phim Titanic (1997), một trong những câu thoại được yêu thích nhất là có thật. Trong phim, doanh nhân người Mỹ Benjamin Guggenheim đã từ chối mặc áo phao cứu hộ bởi ông biết trước mình sẽ không thể nào sống sót trong làn nước giá lạnh, ông tuyên bố: "Chúng tôi đã mặc đẹp để chuẩn bị ra đi như những quý ông".
Nhân vật Benjamin Guggenheim (1865-1912) là có thật, ông là một trong những triệu phú có mặt trên tàu Titanic và đã thiệt mạng trong vụ chìm tàu. Trong những thời khắc cuối đời, ông Benjamin Guggenheim đã... mặc đẹp để sẵn sàng đón nhận cái chết mà ông biết là không thể tránh khỏi, đồng thời, ông nhờ nhắn gửi lời trăng trối tới người vợ của mình: "Tôi đã làm tốt nhất những gì có thể".
Bích Ngọc
Theo Insider