NSND Thanh Ngoan thừa nhận là "đại gia", kể quy tắc sống cùng con dâu
(Dân trí) - NSND Thanh Ngoan hẹn gặp nhóm phóng viên Dân trí ở căn nhà trên đường Nguyễn Xiển (Hà Nội). Ngoài đời chị là người vui tính và gần gũi, khác xa những vai diễn ghê gớm trên sân khấu chèo.
Thời trẻ, tôi không có khái niệm về sự nổi tiếng
Nhiều người thường gọi NSND Thanh Ngoan là "nữ hoàng" của chèo miền Bắc, khán giả tò mò, chị đến với nghệ thuật từ khi nào?
- Quê tôi ở Thái Thụy - Thái Bình - là một trong những nơi được gọi là "nôi" chèo của miền Bắc. Bố mẹ tôi từng sinh hoạt trong các câu lạc bộ chèo, khi 7-8 tuổi, tôi bắt đầu học hát các điệu chèo theo người lớn. Năm 9 tuổi, học lớp 5, tôi được gia đình cho đi hát, đọc các bản tin trên loa phát thanh ở xã Thụy Liên để… lấy công điểm Hợp tác xã, sau đó tôi vào đội văn nghệ của thôn.
Các cô chú bảo hát gì, tôi hát đó, trong đó có cả chèo, ngâm thơ, cải lương… Hầu như chúng tôi chỉ nghe Đài tiếng nói Việt Nam nên có bài hát nào trên đài, tôi tập hát theo và biểu diễn ở địa phương.
Năm 13 tuổi, tôi học xong lớp 7, Nhà hát Chèo Việt Nam về Thái Bình tuyển sinh nên tôi thi tuyển. May mắn, tôi có kinh nghiệm từ khi tham gia đội văn nghệ nên cũng có tự tin, tôi thi đỗ và được ra Hà Nội học. Tôi được bố mẹ đưa lên Nhà hát gửi gắm các thầy cô ngoài này. Tôi xa gia đình từ đó...
Một cô bé 13 tuổi quê Thái Bình, một mình ra Hà Nội học, chị có bỡ ngỡ?
- Với tôi, Hà Nội thời đó lạ lắm. Mọi người đi xe đạp và tàu điện, chúng tôi muốn đi chơi quanh Thủ đô thì phải đi bộ, xong lên tàu điện di chuyển. Tôi có một người ông họ ở phố Cửa Nam nên thi thoảng cuối tuần, ông cho dì, cậu vào trường đón tôi đến nhà ông chơi. Tôi cũng được làm quen nhiều thứ ở Hà Nội, nên không… ngố lắm!
Hồi đó, chúng tôi học hành rất nghiêm túc, chỉ có Tết và nghỉ hè mới được về quê. Chúng tôi phải tuân thủ theo những quy định của Nhà hát. Tôi là học sinh nhỏ nhất lớp, được các cô chú, anh chị coi như con cái trong nhà.
Sáng, chúng tôi học chuyên môn, chiều học chương trình phổ thông. 4 năm sau, năm 1983, tôi tốt nghiệp khóa đào tạo ở Nhà hát và ở lại làm việc luôn. Tôi là nghệ sĩ làm việc ở Nhà hát hơn 40 năm mà không chuyển công tác lần nào.
Là nghệ sĩ được khán giả "biết mặt đặt tên" từ rất sớm, chị có thấy mình may mắn?
- Thời trẻ, tôi không có khái niệm nổi tiếng, chỉ biết đi hát, được khán giả yêu mến, tin tưởng là điều hạnh phúc. Khi đó, các phương tiện thông tin đại chúng không phong phú như bây giờ, điện thoại di động, internet,… chưa có nên mọi thứ đều là "hữu xạ tự nhiên hương".
Tôi có 2 người em họ là Tùng Diệp và Trung Anh hát đều hay nhưng chỉ có tôi và Trung Anh là đi theo nghề chuyên nghiệp. Năm 13 tuổi, toàn tỉnh Thái Bình đã biết đến Thanh Ngoan. Khi học trong trường, tôi cũng thường xuyên được các thầy cô khen ngợi.
Năm 1981, Nhà hát thi tuyển chọn một đội để tham dự Tiếng hát Chèo hay lần thứ nhất tổ chức tại Thái Bình. Năm đó, tôi 15 tuổi, được NSND Tống Năm Ngũ và nhạc sĩ Trần Vinh dạy hát bài Dạ Nam phong (Phú nẩy). Họ còn mang đèn măng - xông dạy cho tôi từng câu hát để đi thi. Và tôi được chọn về Thái Bình hát chèo.
Thời đó, tôi hồn nhiên lắm, cứ nghĩ thi ở Thái Bình là về quê mình. Tôi được mọi người gọi là Ngoan "Béo" và được để ý vì có giọng hát hay. Sau năm 1981, ngành chèo cả nước đã truyền tai nhau có một cô bé Thanh Ngoan hát chèo.
Năm 1988, tôi thi ở Nam Định, đóng vai chủ quán Hồng Châu trong vở Hồ Xuân Hương. Tôi ở trong một phòng tập thể, thấy có nhiều người đi lại nhìn mình, sau đó tôi mới biết rằng, mọi người cố tình nhìn xem "Thanh Ngoan là đứa nào"...
Năm 1993, có hội diễn chèo ở Ninh Bình. Lúc ấy, tôi đang mang bầu con đầu lòng hơn 8 tháng nên không mặn mà, không muốn đi thi nữa vì đã có quá nhiều huy chương. Tôi cũng muốn nhường cơ hội cho người khác.
Mặc dù vai diễn đã giao cho người khác, nhưng cuối cùng Giám đốc Nhà hát vẫn cử tôi đi vì mọi người bảo "chỉ có Thanh Ngoan mới làm được vai này".
Nói thật, tôi không phải là người "săn" giải thưởng nhưng cái số cứ phải đi thi. Đến năm 2001, khi tôi đang đi công tác ở nước ngoài, Nhà hát vẫn đợi về để đi thi hội diễn.
Hồi ấy, tôi cũng không nghĩ đến việc có huy chương để làm hồ sơ phong tặng Nghệ sĩ ưu tú hay Nghệ sĩ nhân dân. Tôi nghĩ, sự có mặt của mình trong vở diễn tốt cho đơn vị thì sẵn lòng tham gia.
Có người nói, nghệ sĩ chèo dễ nổi tiếng hơn các ngành nghệ thuật khác, có thể kể đến như: NSND Mạnh Tuấn, NSND Quốc Anh, NSND Quốc Trượng, NSND Thanh Ngoan, NSND Tự Long, Xuân Hinh… chị có thể lý giải được không?
- Chèo là môn nghệ thuật gần với đời sống người dân Việt Nam và dễ hiểu, thứ 2 là sự nỗ lực của người nghệ sĩ và sự lan tỏa của truyền thông cũng rất quan trọng.
Ví dụ như nghệ sĩ Hán Văn Tình - một người diễn tuồng rất giỏi nhưng ít người biết đến, sau này anh ấy đóng phim truyền hình thì mọi người mới chú ý. Hay ở Nhà hát Chèo Việt Nam có NSND Chu Văn Thức, NSND Diễm Lộc… cũng là những người trong làng chèo ai cũng biết, nhưng sau khi họ làm phim thì tên tuổi được tỏa sáng hơn.
Thời mới nổi, tôi, Xuân Hinh và một số nghệ sĩ khác thường diễn hài, lại có giọng hát. Khi đó, nhiều công ty sẵn sàng bỏ tiền ra để đầu tư các tiểu phẩm hài. Bên cạnh đó, chúng tôi còn làm đĩa hát chèo.
Năm 1985, thời điểm mới ra trường, tôi được thầy Mạnh Tuấn mời cộng tác diễn ở đĩa Hề đố đá. Khi đó, chắc thấy tôi có duyên với hát chèo nên thầy gọi vào làm cùng.
Năm 1987 - 1988, tôi đã có những đĩa tấu hài riêng. Ngoài chuyên môn, tôi tham gia công tác xã hội và luôn ý thức để quảng bá nghệ thuật truyền thống, tổ chức những chương trình bán vé, nhờ doanh nghiệp hỗ trợ… vì thế tên tuổi của Thanh Ngoan cũng lan tỏa hơn.
Khi nghỉ hưu chị có thấy hụt hẫng? Sau đó bao lâu chị mới bắt nhịp được với các dự án và đào tạo thế hệ trẻ?
- Cuối năm 2022, sau 44 năm trọn vẹn với nghiệp chèo, tôi về hưu nhưng không thấy hụt hẫng vì rất bận. Nói không ngoa rằng, tôi bận hơn lúc đi làm vì ngày trước do công việc ở Nhà hát nên tôi không nhận lời làm các dự án bên ngoài.
Cũng may là Tổ thương nên tôi luôn thấy mình nhiều năng lượng. Ngoài việc hướng dẫn, đào tạo thế hệ trẻ, tôi vẫn truyền dạy và phát triển hát văn, hát xẩm, ca trù… rồi làm đề án cho các nơi.
Thậm chí, lúc rảnh rỗi hay trong dịch Covid-19, tôi còn dạy online tại nhà cho học sinh có nhu cầu.
Bên cạnh đó, tôi học để kết hợp các loại hình nghệ thuật như ca trù với ca trù Thái Hà để biết lề, lối. Hay với xẩm, tôi từng cùng các thầy Minh Khang, Thao Giang đi khắp nơi để tìm tư liệu cho nghề.
Tôi, thầy Thao Giang, anh Văn Ty, và Xuân Hoạch từng ngồi cả ngày ở Trung tâm Phát triển âm nhạc Việt Nam mới tìm ra được ra một câu hát theo lời mới của xẩm Lấy chồng già. Thậm chí, khi dò chuẩn được từng câu hát, chúng tôi đã rơi nước mắt vì vui mừng.
Tôi là mẹ chồng dễ tính, biết chia sẻ
Công việc bận rộn thế thì chị nghỉ ngơi vào thời gian nào?
- Tuy bận rộn nhưng tôi không phải là người tham việc. Tôi luôn đặt lịch làm việc, biết cách giữ sức khỏe để cân bằng cho bản thân. Ví dụ, lịch tập vở là 2 tháng nhưng tôi đốc thúc ê-kíp, điều động anh em làm cuốn chiếu, nhanh nhưng phải có hiệu quả vì để lâu mọi người cũng mệt mỏi.
Về hưu, tôi vẫn nhận nhiều dự án trong Nam, ngoài Bắc. Nếu trùng lịch, tôi không nhận nữa mà làm một việc cho tốt đã. Như thế mới bền sức. Hiện tại, tôi cũng lựa sức khỏe của mình, nhận dạy, nhận dàn dựng phải đảm bảo giờ giấc.
Nếu không đi công tác, tôi ở nhà nhận dạy trực tiếp, dạy online nhưng không bao giờ tôi nhận lời dạy trước 9h sáng. Tôi nghỉ ngơi tối hôm trước, sáng hôm sau đi uống cà phê thoải mái rồi mới bắt tay vào việc.
Thế còn việc nhà, việc bếp núc? Chị và gia đình sắp xếp thế nào để có sự hợp lý?
- Tôi và ông xã đang ở cùng vợ chồng con trai, chúng tôi có một cháu nội đang học mẫu giáo. Chồng tôi kinh doanh bận rộn, con trai và con dâu cũng có những việc riêng nên nhà mỗi người một chùm chìa khóa.
Trưa không ai ăn cơm ở nhà. Tôi quy định, mọi người cố gắng ăn với nhau bữa tối ở nhà. Một tuần, cả nhà ra nhà hàng ăn một lần. Nhà tôi không có giúp việc, hai tuần một lần tôi thuê người đến dọn nhà.
Tủ lạnh nhà tôi lúc nào cũng đầy đồ ăn. Ai muốn ăn thứ gì thì có thể nấu theo sở thích của mình. Ngày nào ở nhà, tôi đặt nồi cơm trước rồi đi đón cháu, chơi với cháu, sau đó tôi hoặc con dâu nấu ăn.
Thanh Ngoan có phải là bà mẹ chồng khó tính?
- Tôi hay hỏi con dâu: "Mai Anh thấy nhà mình thế nào?". Cháu trả lời: "Nhà mình ổn mẹ ạ", rồi hai mẹ con ôm nhau cười. Vợ chồng con trai cũng không xin ra ở riêng vì thích sống quây quần.
Với con dâu, tôi rất thoải mái. Tôi luôn coi cháu như con gái của mình. Con dâu tôi sinh năm 1998, rất nhanh nhẹn, tâm lý. Hai mẹ con thường xuyên nói chuyện với nhau, những việc như mở tài khoản, các thao tác về công nghệ cháu làm hộ tôi hết.
Tôi dặn các cháu, có gì cũng phải bàn với nhau, không được nói to. Tôi dặn con trai: "Con lấy vợ thì phải lo được cho vợ", khi có con thì phải lo được cho con, không được ỷ lại vào bố mẹ. Rất may là các cháu cưới được gần 5 năm nhưng vẫn êm ấm, biết bảo ban nhau làm ăn, chăm con.
Trên sân khấu, tôi thường đóng vai những nhân vật có cá tính mạnh, nhưng về nhà, tôi lại rất lành, biết chia sẻ và không quá đáng.
Từ khi có cháu nội, chị thấy mình thay đổi nhiều không?
- Tôi luôn yêu trẻ con và trân trọng người lớn tuổi. Xem truyền hình, thấy con nhà ai giỏi mình cũng rất mừng. Năm 1993, tôi sinh con trai và đi làm rất sớm. Con được 13 tháng tuổi đã phải đi học vì mẹ đi công tác, đi nước ngoài dài ngày nên con ở nhà với bà ngoại và bố.
Khi sinh cháu Bơ (tên cháu nội NSND Thanh Ngoan), tôi thấy cháu giống bố như đúc. Tôi bảo với Đức (con trai Thanh Ngoan): "Khi bế Bơ mẹ như lấy lại cảm xúc như lúc sinh con". Tôi cảm thấy bao nhiêu cái tình ngày xưa bây giờ dồn hết cho cháu.
Con đã trưởng thành, bây giờ cháu là ưu tiên số 1 với tôi. Từ khi có cháu, đi đâu, tôi luôn mong về nhà để gặp cháu. Gặp con bé là mọi mệt mỏi trong tôi hết ngay. Tôi rất thích cháu gái và không tạo áp lực các con phải sinh con trai. Các cháu thấy hạnh phúc là được. Vì thế con dâu ở với tôi rất thoải mái.
Chuyện kinh tế ở gia đình chị thế nào?
- Nhà tôi có quy định riêng. Mỗi tháng cả nhà chi tiêu cứng khoảng 15 triệu đồng và 5 triệu đồng cho Bơ đi học. Hàng tháng, ông xã tôi đóng 5 triệu đồng, tôi đóng 5 triệu đồng và vợ chồng con trai mỗi đứa 5 triệu đồng.
Mỗi người sẽ chi ra để bỏ vào một cái giỏ chung của cả nhà. Nếu thiếu thì ông hoặc bà sẽ bù vào, hoặc nếu ai thu nhập hơn thì bù cho người hụt nhưng trách nhiệm chung là vậy.
Ở chung nên các con phải tuân theo quy tắc chung của gia đình để không có việc ỷ lại ai. Con dâu cũng rất vui vẻ với quy tắc này. Còn việc mẹ có hỗ trợ hay không là chuyện khác. Ví dụ như con dâu muốn đổi xe hay sắm gì đó mà thiếu một chút, tôi cũng bù cho các con.
Ông xã yêu chiều, hiểu gu của vợ
Ông xã chị có khó tính không?
- Chúng tôi gặp nhau khi con trai tôi đã lớn, nhiều người để ý đến tôi nhưng anh ấy đối xử rất tốt với Đức và hiểu tâm lý trẻ con nên tôi có cảm tình. Anh ấy và Đức hợp nhau. Ngày con còn nhỏ, anh ấy là người xin cho Đức đi học, rồi đưa đón con, đi họp phụ huynh thay tôi.
Vì sự gần gũi, tin tưởng, chăm sóc nên Đức gọi anh ấy là bố rất tự nhiên. Con cũng nhắc nhở anh ấy không đi uống rượu, giữ gìn sức khỏe. Bố con luôn nói chuyện vui vẻ như 2 người đàn ông với nhau.
Anh ấy rất thoải mái, thi thoảng vẫn cho "lộc" vợ, các con và cháu. 22 năm ở bên nhau nên anh ấy cũng khá chiều và biết gu (sở thích) của tôi. Thỉnh thoảng, anh có chở tôi đến chỗ này, chỗ kia. Tôi ngạc nhiên hỏi: "Sao bố biết mẹ thích?" thì anh ấy nói: "Bố biết thừa gu của mẹ là gì".
Tôi đi nước ngoài cũng mua đồ về cho chồng. Trước kia, anh ấy làm công ty rất bận. Mấy năm gần đây, anh làm ngoài nên giờ giấc chủ động hơn. Nếu rảnh, anh sẽ đưa đón tôi đi làm.
Hơn 20 năm sống bên nhau, chị và ông xã có từng muốn thay đổi?
- Khi lấy anh ấy, tôi không phải làm dâu, tôi làm nghệ thuật lại đi suốt nên sống riêng có lẽ hợp lý hơn. Hiện, bố mẹ chồng tôi đang ở với chị gái chồng. Thi thoảng có giỗ tết, các dịp đặc biệt, tôi vẫn lên với ông bà. Hồi còn khỏe, ông bà vẫn thường xuyên đến nhà và gửi quà cho con trai tôi.
Chỉ tiếc tôi và anh ấy không có con, nếu có được một đứa con chung thì tốt nhưng chồng bảo có thì vui, không có cũng không sao. Đấy là người ta nói thế nhưng trong thâm tâm mình vẫn thấy đó là điều thiếu sót. Giá như mình làm được điều đó thì sẽ trọn vẹn hơn.
Có lần, tôi nói với anh ấy: "Nếu bố cần có một sự thay đổi gì thì nói với mẹ". Tôi vẫn mong anh ấy có hạnh phúc trọn vẹn hơn. Nhưng đến thời điểm này, chúng tôi vẫn ở bên nhau. Tôi cũng không ích kỷ, chiếm hữu ai cả. Chúng tôi thoải mái, trung thực chia sẻ với nhau như vậy.
Gia đình anh ấy cũng biết tôi không phải là người cố tình ràng buộc anh ấy. Nếu tôi không thoải mái, chắc gì chúng tôi đã có cuộc sống như hôm nay.
Nhiều người hỏi, vợ chồng tôi có bí quyết gì khi sống chung không? Thực sự là không có bí quyết, công thức nào cả vì mỗi người một hoàn cảnh, chỉ biết là tôi bằng lòng với cuộc sống hiện tại.
Với chồng cũ, nếu có vấn đề gì liên quan đến con thì tôi mới trao đổi.
Người ta bảo Thanh Ngoan giàu lắm, chị có thể kiếm tiền rủng rỉnh từ nghề?
- Như thế nào là giàu? Có người có 100 tỷ đồng vẫn nói chưa giàu, tôi chỉ đang bằng lòng với cuộc sống của mình. Cho đến lúc này, tôi vẫn sống được với nghề mà không có nghề tay trái.
Còn nhà đất như người ta nói thì ông xã làm, tôi không tham gia. Tôi chỉ đủ sống thôi chứ không giàu có như tin đồn.
Khi còn làm quản lý, nhiều người nói "sao không mua sắm này kia" nhưng tôi nói không cần thiết, đó là vật ngoài thân. Tôi nhận mình là đại gia về tâm hồn, tính tình vui vẻ, thẳng thắn. Tôi cũng là người sống khiêm tốn, không vênh váo với ai.
Xin cảm ơn chị vì những chia sẻ!
NSND Thanh Ngoan sinh năm 1966 tại Thái Bình. Chị là nghệ sĩ nổi tiếng trong làng chèo và xẩm Việt Nam. Chị bắt đầu học chèo chuyên nghiệp từ năm 13 tuổi. Tốt nghiệp, chị về làm việc ở Nhà hát Chèo Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2022.
Trong 44 năm làm nghề, Thanh Ngoan được đánh giá cao qua những vở chèo trên sân khấu. Chị nhận nhiều huy chương vàng ở các cuộc thi như: Giọng hát chèo hay, tổ chức tại Thái Bình (1981), Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại Nam Định (1988), Diễn viên xuất sắc của sân khấu chèo Hà Nội (1991), Các trích đoạn chèo tuồng hay tại Ninh Bình (1993), Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc (1995)...
Năm 1994, chị được Tạp chí Sân khấu bình chọn là Ngôi sao sân khấu. Năm 2000 nhận Giải thưởng Sao đỏ của Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, đến năm 2016, chị nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2019, chị nhận danh hiệu Gương mặt Phụ nữ Việt Nam tiêu biểu và Nghệ sĩ nhân dân…
Ảnh: Toàn Vũ