NSND Thanh Ngoan nói về chuyển đổi số trong nghệ thuật truyền thống

Phương Bảo

(Dân trí) - Tại hội thảo khoa học "Bảo tồn và phát huy văn hóa nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam", các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến để lưu giữ, phát triển văn học nghệ thuật.

Sáng 10/6, tại Hà Nội, Viện Ứng dụng công nghệ VIPTAM (Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) đã tổ chức hội thảo Bảo tồn và phát huy văn hóa nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam.

NSND Thanh Ngoan nói về chuyển đổi số trong nghệ thuật truyền thống - 1

Toàn cảnh hội thảo "Bảo tồn và phát huy văn hóa nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam" ngày 10/6 ở Hà Nội (Ảnh: Ban Tổ chức).

Tới dự sự kiện có: PGS.TS Phạm Duy Khuê - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo - Văn xã (Văn phòng Chính phủ); PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm - Giảng viên cao cấp Khoa Nghệ thuật, Đại học Sài Gòn; TS Phạm Ngọc Minh - Phó viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam; TS Phạm Trí Thành - Chủ tịch hội đồng, Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội và nhiều chuyên gia về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật truyền thống.

Tại hội thảo, các khách mời đều cho rằng, chuyển đổi số trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống là cần thiết, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin phát triển. Đồng thời góp phần tôn vinh, phát huy, lan tỏa nghệ thuật truyền thống, đề xuất những ứng dụng công nghệ mới, phương tiện truyền thông mới đến lĩnh vực trình diễn nghệ thuật cũng như lan tỏa văn hóa nghệ thuật của người dân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

NSND Thanh Ngoan nói về chuyển đổi số trong nghệ thuật truyền thống - 2

Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Chủ tịch Viện Ứng dụng công nghệ VIPTAM phát biểu tại sự kiện (Ảnh: Ban Tổ chức).

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Tuấn - Chủ tịch Viện Ứng dụng công nghệ VIPTAM cho hay, sau đại dịch, việc chuyển đổi số ở nhiều lĩnh vực phát triển rất nhanh, trong đó có lĩnh vực văn hóa nghệ thuật truyền thống. Vì thế, việc ứng dụng công nghệ trong thời đại 4.0 là cần thiết.

"Chúng ta phải xây dựng một đề án có tính văn hóa, đời sống. Trong đó sẽ giải đáp được những thắc mắc như: Bảo tồn như thế nào, phát triển ra sao, bên cạnh đó cần đưa các cuộc thi về nghệ thuật truyền thống như dân ca, bolero vào để thu hút giới trẻ. Đề án phải làm rõ được tầm quan trọng của việc đưa công nghệ số vào văn hóa nghệ thuật truyền thống, có nghiên cứu biện chứng, nhìn nhận vấn đề có sự tổng thể, toàn diện", ông Tuấn nêu ý kiến.

Ông Tuấn nói thêm, việc ứng dụng công nghệ số vào nghệ thuật truyền thống phải đi vào những kiến thức cụ thể, như có các app (ứng dụng trên điện thoại) nào có thể bổ trợ, hỗ trợ ca sĩ, người yêu âm nhạc có thêm kiến thức về ngành, rồi việc lưu giữ các bài hát của cha ông làm sao. Phải biến tất cả những làn điệu, kiến thức thành dữ liệu số để lưu truyền cho các thế hệ sau.

Ông Tuấn chia sẻ thêm: "Nếu chúng ta không xác định được cộng đồng yêu nghệ thuật truyền thống trên không gian mạng là thiếu sót lớn. Vì thế, việc ứng dụng những công nghệ hiện đại là nghĩa vụ và trách nhiệm của nhiều người, chứ không chỉ riêng của chuyên gia nghiên cứu về nghệ thuật truyền thống".

TS. Phạm Ngọc Minh (Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nhấn mạnh, sự phát triển mạnh mẽ của Internet cùng với sự ra đời các nền tảng phát trực tuyến trên mạng xã hội: Spotify, Instagram, YouTube, Twitter, TikTok, Facebook... đã đặt ra cho ngành công nghiệp âm nhạc nhiều thách thức. Vì vậy, sự phát triển của công nghệ số sẽ tạo cho nghệ thuật nhiều cơ hội và thách thức mới.

NSND Thanh Ngoan nói về chuyển đổi số trong nghệ thuật truyền thống - 3
NSND Thanh Ngoan đề cao việc ứng dụng công nghệ số vào việc bảo tồn, phát huy văn hóa nghệ thuật truyền thống (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

NSND Thanh Ngoan - Nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho hay, với sự phát triển về công nghệ thông tin hiện nay, việc chuyển đổi số với nghệ thuật truyền thống nói chung và chèo riêng là vô cùng quan trọng. Vì từ trước đến giờ việc gìn giữ các tư liệu văn hóa nghệ thuật chưa được chú trọng, việc bị thất thoát, mai một vốn văn hóa cổ truyền vẫn xảy ra. Khi áp dụng công nghệ số, chúng ta sẽ có một nơi lưu giữ an toàn, không bị thất thoát.

"Việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống cũng gồm cả việc truyền thông ở trong nước và quốc tế, làm cho người trẻ yêu hơn văn hóa nghệ thuật. Như đưa các đề án về các trường học sẽ làm các em yêu và trân trọng hơn di sản văn hóa của cha ông để lại", bà Ngoan cho hay.

Bà Ngoan chia sẻ, với công nghệ số, khán giả có thể nghe đi nghe lại những bài hát, làn điệu để tìm hiểu chuyên sâu về âm nhạc. Và nếu có bảo tàng số, có nghĩa là chúng ta có thể bảo tồn nhiều môn nghệ thuật truyền thống mà không sợ quá tải.

NSND Thanh Ngoan nói về chuyển đổi số trong nghệ thuật truyền thống - 4

Ông Phạm Sanh Châu - Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ (Ảnh: Ban Tổ chức).

Ông Phạm Sanh Châu - Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ thì đánh giá cao việc lan tỏa các giá trị văn hóa trên môi trường số hiện nay.

"Chúng ta phải nhận diện, định hình nghệ thuật truyền thống, không chỉ dân ca và bolero mà còn nhiều môn khác nữa. Tôi ủng hộ việc vinh danh nghệ thuật chèo. Chắc sắp tới, chèo sẽ được nhắc đến nhiều hơn.

Thế giới đã "phẳng" từ lâu rồi, việc chuyển đổi số càng làm chúng ta "phẳng" hơn, nhưng cũng có những thách thức với nhiều chuyên gia. Như câu hỏi: Tồn tại hay không tồn tại? Vì càng hiện đại, nghệ thuật truyền thống phải cạnh tranh với Pop, Rap, Kpop… Sao nhạc Việt lại không mang sang Trung Đông và các nước khác? Để thế giới biết đến nhiều hơn với âm nhạc Việt Nam?", ông Sanh Châu trăn trở.