NSND Thanh Ngoan, Quốc Anh kể kỷ niệm với "ông trùm chèo" NSND Trần Bảng

Phương Bảo

(Dân trí) - Thông tin NSND Trần Bảng - "ông trùm" của nghệ thuật chèo - qua đời khiến người thân, đồng nghiệp, học trò tiếc thương. Nghệ sĩ Thanh Ngoan, Quốc Anh kể nhiều kỷ niệm về người thầy của mình.

Sáng 19/7, đạo diễn Trần Lực - con trai NSND Trần Bảng - cho biết bố của ông qua đời sau thời gian nằm viện điều trị khớp xương và viêm phổi.

Sinh thời, NSND Trần Bảng được mệnh danh là "ông trùm" của nghệ thuật chèo, bởi ông thuộc thế hệ đầu tiên khôi phục nghệ thuật chèo khi đang dần mai một trước phong trào Âu hóa thập niên 1950. Ngoài ra, ông vừa là đạo diễn, nhà soạn giả, vừa là nhà nghiên cứu, lý luận chèo.

NSND Trần Bảng từng giữ chức Giám đốc Nhà hát Chèo Trung ương, Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật Sân khấu Bộ Văn hóa - Thông tin, Phó Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khóa 1 (1957).

Ông được nhận học hàm Giáo sư và danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 1993. Ngoài ra, nghệ sĩ gạo cội còn nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001 và Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2007.

NSND Thanh Ngoan, Quốc Anh kể kỷ niệm với ông trùm chèo NSND Trần Bảng - 1
NSND Thanh Ngoan đến thăm NSND Trần Bảng khi ông còn khỏe mạnh (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, NSND Thanh Ngoan - nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam - cho biết NSND Trần Bảng là người thầy đáng kính của chị. Với học trò, ông luôn truyền nghề một cách say sưa, nhiệt tình.

"Năm 1979, khi đó thầy vẫn đang dạy ở Nhà hát Chèo Việt Nam thì tôi trúng tuyển vào học. Ấn tượng đầu tiên trong tôi, thầy là người có trình độ, hiền lành, gia giáo. Chúng tôi may mắn khi được thầy truyền đạt nhiều kiến thức về chèo.

Sau này, khi lên làm việc ở Bộ Văn hóa, thầy vẫn gắn bó với Nhà hát Chèo Việt Nam. Năm thầy 91 tuổi, chúng tôi có vinh dự tổ chức mừng sinh nhật cho thầy. Khi đó, thầy vui lắm vì chúng tôi mời gần như "cả làng chèo" đến dự", NSND Thanh Ngoan chia sẻ.

Nữ nghệ sĩ cho biết thêm, người thầy của mình hiền lành nhưng cũng khá thẳng thắn, những gì chưa làm được, ông không bao giờ nhận. Một số phương pháp ông đưa từ phương Tây về mà không hợp và "phá chèo", ông cũng thừa nhận và chỉnh sửa ngay.

"Những năm gần đây, do tuổi cao sức yếu nên NSND Trần Bảng không tham gia nhiều về chèo nhưng ông luôn là người có công để khôi phục nghệ thuật chèo truyền thống.

Ngày trước, nhà ông ở Giảng Võ, tôi hay lên nhiều hơn. Từ khi ông chuyển về ở với con trai là đạo diễn Trần Lực ở Lạc Long Quân (Hà Nội), chỉ khi nào có vấn đề gì quan trọng thì tôi đến xin ý kiến ông.

Lúc nào ông cũng gần gũi, coi chúng tôi như gia đình, còn ông là người cha, người chú của chúng tôi. Ông là "cái bóng" rất lớn của nghệ thuật chèo nói chung và Nhà hát Chèo Việt Nam nói riêng", NSND Thanh Ngoan tâm sự.

Nữ nghệ sĩ gốc Thái Bình kể thêm: "Thầy là người luôn quý trọng diễn viên, kể cả những người mới vào nghề. Năm 1983, khi vào vai Thị Mẹt, lúc đó tôi béo và trẻ lắm. Thầy bảo: "Ngoan ơi, người ta sẽ nhớ đến em với vai này đấy". Tôi trân trọng vì thầy dám công nhận và khuyến khích lớp trẻ trong nghề".

Khi NSND Thanh Ngoan học thạc sĩ, NSND Trần Bảng là người hướng dẫn chị. "Có bao nhiêu kiến thức trong nghề, thầy cũng muốn chia sẻ hết cho tôi. Thầy muốn học sinh của mình lĩnh hội nhiều nhất nên nhiệt tình chỉ bảo.

Cách đây mấy năm, khi tôi còn làm Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, thầy gọi tôi nói thầy gắn bó nhiều với nhà hát, thầy thích những tình cảm chân thành, giản dị chứ không phải quan cách…", nữ nghệ sĩ kể lại.

Khi biết tin NSND Trần Bảng qua đời, nghệ sĩ Thanh Ngoan vô cùng tiếc thương. Chị tin rằng mình và các nghệ sĩ sẽ tiếp nối thế hệ đi trước để gìn giữ và phát triển nghệ thuật chèo.

NSND Thanh Ngoan, Quốc Anh kể kỷ niệm với ông trùm chèo NSND Trần Bảng - 2
NSND Quốc Anh nhận xét NSND Trần Bảng là người có nhân cách lớn, được nhiều thế hệ học trò yêu mến (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

NSND Quốc Anh - nguyên quyền Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội - cho hay, NSND Trần Bảng là người nhẹ nhàng, thương học sinh, ông được thế hệ sau luôn kính trọng, yêu mến.

"Năm 1980, khi tôi bắt đầu học chèo, thầy là giáo viên chủ nhiệm của lớp. Thầy không khó tính, khi dạy thầy không minh họa kiểu "cầm tay chỉ việc" nhiều mà dùng lý luận để dạy chúng tôi. Ví dụ, thầy sẽ nói tính cách nhân vật thế này, học trò sẽ tự sáng tạo ra cách diễn.

Tôi chơi với đạo diễn Trần Lực nên thường xuyên thăm hỏi sức khỏe của thầy qua con trai. Cho đến cuối đời, thầy vẫn đau đáu với nghệ thuật chèo. Thầy muốn các thế hệ sau phải giữ được cốt cách chèo. Thầy là người sống có nhân cách nhất mà tôi từng gặp".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm