Những thói quen xấu cần tránh khi uống cà phê để không gây hại cho sức khỏe
(Dân trí) - Cà phê là thức uống giúp bạn tỉnh táo, tràn đầy năng lượng để khởi động ngày mới. Tuy nhiên, nếu lạm dụng hay thưởng thức cà phê không đúng cách có thể làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Trong thực tế, uống cà phê vào buổi sáng mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể. Caffein và các chất chống oxy hóa có trong cà phê giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, thúc đẩy sự hoạt động của não bộ và tiếp thêm nguồn năng lượng dồi dào để khởi động ngày mới.
Cà phê đen mặc dù là thức uống lành mạnh nhất, mang lại nhiều lợi ích bất ngờ nhưng không phải lúc nào cũng có hương vị thơm ngon nhất đối với một số người. Tuy nhiên, bạn cũng cần cẩn trọng khi sử dụng một số nguyên liệu để tạo mùi vị cho cà phê bởi chúng có thể làm phản tác dụng và gây hại tới sức khỏe.
1. Bổ sung thêm đường dễ gây tăng cân
Amy Goodson - tác giả của cuốn sách "Dinh dưỡng Thể thao" cho biết, hạt cà phê làm tăng lượng hấp thụ của bạn với nhiều loại hợp chất thực vật và chất chống oxy hóa.
Để thoải mái thưởng thức cà phê mà vẫn có thể kiểm soát lượng đường nạp vào cơ thể, bạn hãy thử cho sữa tách kem có hàm lượng chất béo ít thay vì sử dụng đường như cách thông thường. Quan trọng là không được lạm dụng các chất tạo ngọt để tránh tăng cân và làm giảm công dụng của cà phê.
2. Uống nhiều cà phê có thể gây trào ngược
Jamie Feit - chuyên gia tại Testing.com cho hay, dù mỗi cơ thể sẽ có những phản ứng khác nhau nhưng caffeine và tính axit vẫn là hai yếu tố có thể bị phản tác dụng khi bạn thưởng thức cà phê. Bởi cà phê có tính axit rất cao, dễ làm tình trạng trào ngược thêm trầm trọng.
Chất caffeine không gây hại cho cơ thể nhưng có thể khiến bạn mất ngủ, thức đêm. Nếu bạn lạm dụng cà phê, uống quá nhiều khiến chất lượng giấc ngủ suy giảm thì cần cân nhắc lại thói quen của mình.
Không chỉ cà phê mà một số đồ uống có chứa caffeine như soda và trà đều là những tác nhân gây nên tình trạng trào ngược, đặc biệt là với những người đang bị trào ngược dạ dày, thực quản.
3. Sữa đặc làm tăng lượng chất béo vào cà phê
Cà phê là thức uống tuyệt vời cung cấp cho bạn năng lượng để bắt đầu ngày mới. Tuy nhiên một số rủi ro có thể xảy ra khiến cà phê bị phản tác dụng.
Ricci-Lee Holtz - chuyên gia dinh dưỡng tại Testing.com cho rằng, không nên uống cà phê với đường hoặc sữa đặc vì chúng có thể làm tăng lượng chất béo bão hòa và lượng đường không mong muốn vào cơ thể, giống như ăn các món tráng miệng quá hạn sử dụng.
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, chỉ nên nạp khoảng 5% đến 6% lượng calo từ chất béo bão hòa vào cơ thể mỗi ngày. Đối với một người ăn chế độ ăn 2.000 calo, chỉ nên chứa khoảng 13 gram chất béo bão hòa trong một ngày để đảm bảo sức khỏe.
Một cốc cà phê pha sữa đặc trung bình có chứa khoảng 1 - 2 gram chất béo bão hòa trên 1 khẩu phần (khoảng 1 hoặc 2 thìa). Nếu thêm sữa vào cà phê sẽ làm tăng chất béo bão hòa lên đến 3 gram trên 1 thìa.
4. Pha cà phê với đường đã qua chế biến
Megan Byrd - chuyên gia dinh dưỡng Oregon cho biết, cà phê không có hại cho sức khỏe mà vấn đề nằm ở những thứ bạn cho thêm vào cà phê.
"Pha cà phê với sữa đặc và đường là thói quen phổ biến của nhiều người. Tuy nhiên, sử dụng quá nhiều đường đã qua chế biến và các thành phần nhân tạo có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, dẫn đến các bệnh về đường ruột và tim mạch", bà nói.
Bạn cần kiểm soát và hạn chế lượng kem béo cũng như đồ ngọt khi thêm vào cà phê. Hoặc có thể tìm cách khác để tạo độ ngọt như mua hạt cà phê có hương vị hoặc pha cà phê protein với bột protein và bình lắc.
5. Quá nhiều caffeine có thể gây ra các tác dụng phụ
Shannon Henry - chuyên gia dinh dưỡng tại Phòng khám EZCare cho biết: "Cà phê chứa caffeine có thể gây mất ngủ, lo lắng, kích động, đau bụng, buồn nôn hoặc nôn mửa. Nó cũng có thể gây đau đầu, nhịp tim không đều và nhiều tác dụng phụ khác".
Bạn nên hạn chế lượng caffeine mỗi ngày ở mức giới hạn 400 miligam. Nếu bạn uống quá nhiều cà phê và nạp caffeine quá mức cho phép sẽ dẫn đến những tác dụng phụ tồi tệ, gây hại cho sức khỏe.