(Dân trí) - "Nhiều khi đi nhận rau củ quả cho Bếp 0 đồng, đến nơi tôi mới biết điểm cho rau là của những người bạn, người quen. Chắc họ cũng không ngờ nhiếp ảnh gia mà lại khiêng vác nhiệt tình vậy"...
"Nhiều khi đi nhận rau củ quả cho Bếp 0 đồng, đến nơi tôi mới biết điểm cho rau là của những người bạn, người quen. Chắc họ cũng không ngờ nhiếp ảnh gia mà lại khiêng vác nhiệt tình vậy"...
Là con trai của họa sĩ nổi tiếng Chóe (Nguyễn Hải Chí), Hải Đông cũng là một cái tên làm nên "thương hiệu" trong lĩnh vực chụp thời trang. Nhiếp ảnh gia còn bén duyên màn ảnh, đóng phim "Những cô gái chân dài".
Những ngày này, chứng kiến TPHCM yêu thương "đau ốm", Hải Đông rũ bỏ hình ảnh áo vest là lượt, định bụng đi chụp ảnh đời sống thành phố trong mùa dịch lạ lùng này...
Nhưng rồi không biết từ bao giờ, anh lao vào phụ chở đồ cứu trợ giao từ quận này đến quận khác, khu cách ly nọ đến xóm phong tỏa kia. Cứ thế, chưa chụp được tấm ảnh nào về thành phố thì anh đã thành "shipper".
"Sợ không? Sợ chứ", Hải Đông nói. Nhưng rồi chứng kiến nhiều người ăn cơm với nước mắm, thương quá, anh lại lên đường...
- Anh dường như đã "cởi bỏ" tấm áo vest lấp lánh sánh cùng các người đẹp trong phim "Những cô gái chân dài" để làm một shipper, đi chở hàng từ thiện. Điều gì thôi thúc nhiếp ảnh gia Hải Đông lúc này?
Cứ bị đưa đẩy riết rồi tôi thành "shipper" chở đồ cứu trợ hồi nào không hay.
Tháng 6 xóm tôi phát hiện F0 nên cả xóm bị giăng dây, phong tỏa 21 ngày.
Không được ra khỏi nhà nên cuộc sống của tôi chỉ loanh quanh trên sân thượng suốt. Tôi nhìn ngắm mọi thứ qua ống kính rồi chia sẻ lên Facebook.
Có lẽ qua góc độ lạc quan yêu đời, thêm phần tếu táo mà những bức ảnh của tôi được một số bạn mượn để sử dụng cho clip nhạc, thơ… về một TPHCM kiên cường trong đau thương.
Ngày 9/7/2021, xóm tôi được gỡ phong tỏa, lại đúng ngày cả thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cho đến hôm nay, ngày càng siết chặt hơn.
Cô bạn nhờ tôi đi chụp ảnh đời sống thành phố trong mùa dịch lạ lùng này...
Ngay ngày đầu tiên tôi theo một nhóm cứu trợ, trao 800 phần quà cho bà con những khu "nóng" vùng ven. Trao cho những người ở khu nhà trọ với những căn phòng chỉ 4m2, người lao động tự do, bán vé số, hàng rong đang mất việc.
Đợt sau đó nhóm lại chuẩn bị cả ngàn phần quà, thêm nhiều tấn cá nục của người dân từ Đà Nẵng gửi vào. Tôi đến phụ chở đi giao từ quận này đến quận khác, khu cách ly nọ đến xóm phong tỏa kia. Chở đầy một xe 200 kí cá giao cho bếp từ thiện, chuyên nấu cơm cho bác sĩ tuyến đầu, bà con khu phong tỏa… Rồi Bếp 0 đồng đó lại nhờ tiếp tôi đi nhận rau củ quả nơi này, chỗ nọ tặng, chở về giao xong lại sẵn đi giao cơm giùm Bếp luôn…
Cứ thế, chưa chụp được tấm ảnh nào về thành phố thì tôi đã thành "người giao nhận".
Công việc là vậy, nhưng từ sau ngày 23/8, tôi cũng không ra khỏi nhà để cùng với tất cả mọi người đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
- Tôi hỏi thực, thời điểm trước 23/8 "giao nhận" nhiều vậy, anh có sợ không?
Sợ không? Sợ chứ.
Vợ con, bạn bè khuyên "thôi đừng đi nữa, bệnh dịch lây nhiễm nguy hiểm lắm, ở nhà đi".
Con trai lớn nhà tôi là dân quân cơ động cũng xách ba lô đi trực, gác chốt, tuần tra biền biệt nhiều tuần lễ không về rồi.
Thỉnh thoảng đi đường tôi có thấy cu cậu, khi thì gác ở khu cách ly, lúc lại ở những điểm tiêm vắc xin. Tôi lén chụp cái ảnh cu cậu về cho bà xã xem để yên tâm và đỡ nhớ nó… Vừa vui cũng vừa lo cho nó.
Ngược lại, nó hay nhắn mẹ nó là nói bố ở nhà đi, dịch bệnh lây lan nhiều lắm, đừng đi nữa.
Nhưng khi chứng kiến những cảnh đời, những khu xóm đã 2 tuần không có rau, nhiều người mấy ngày ăn cơm với nước mắm, thương quá, tôi lại xách xe đi tiếp...
Việc giao nhận ngày càng dày đặc hơn do nhiều người nhờ hơn, đi xa hơn. Chuyển thuốc men đến những khu cách ly tập trung, đồ y tế đến các bệnh viện dã chiến…
Thế là vừa lái xe mà lúc nào máy ảnh tôi cũng gác sẵn trên đùi để ghi lại những hình ảnh lạ lùng của thành phố mình, những con đường đắt đỏ, sầm uất bậc nhất mà nay không một bóng người, không một chiếc xe. Nhất là hình ảnh đời sống đầy khó khăn thiếu thốn của người dân, sự yêu thương giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau của đồng bào để cùng nhau vượt qua dịch bệnh...
- Lại nói chuyện thời anh đã từng sống "trên mây" với hình ảnh "Những cô gái chân dài" lung linh trên các tờ bìa, trên màn ảnh, giờ anh nói gì về chuyện này - lúc này?
Những người bị mất việc, về quê không được ở lại cũng không xong, thường họ ăn mặc khá tươm tất, đeo ba lô nặng trĩu, tay xách thêm những bịch đồ. Cả gia tài di động của họ ở hết trong cái ba lô đó.
Có anh là đầu bếp cho một nhà hàng trên đường Đồng Khởi, Quận 1. Nhà hàng đóng cửa, anh thất nghiệp đã nhiều tháng nay. Giờ không về được quê ở Hậu Giang nên anh vẫn đang lang thang trên thành phố.
Có người làm thợ hồ, thất nghiệp, giờ đi lượm ve chai bán được giá 4 ngàn/kg bìa giấy để sống qua ngày.
Nhiều bạn bè, cả người quen lẫn lạ trên Facebook khi xem ảnh tôi đăng, nhắn đòi nhờ tôi chuyển tiền ngay cho những trường hợp cụ thể đó. Họ bảo muốn giúp tiền mặt ngay lập tức.
Cuối cùng, tôi cũng đành phải nhận của vài người bạn mà mình biết rõ, với lại trước đó tôi đã cho đi hết số tiền mặt của tôi. Rồi tôi thay mặt họ đi trao tức thì cho những người lao động mất việc mà tôi gặp khi lái xe, những thân phận nghiệt ngã đang ngày càng nhiều trên đường phố.
Đây là lần đầu tôi trao trực tiếp tiền mặt kiểu này. Trước giờ tôi chỉ đóng góp gián tiếp. Tôi vốn không dám nhận của ai vì sợ rắc rối hoặc dễ mang tiếng xấu lắm. Lại đúng thời điểm rất nhiều chuyện lùm xùm không hay ho gì về những người làm từ thiện.
Thỉnh thoảng tôi vẫn nghĩ lại, không hiểu sao mình lại đi làm thiện nguyện kiểu này. Mà chắc ai ai vào cái thế bắt buộc ấy cũng vậy thôi, sẵn sàng giúp đỡ mọi người khi có cơ hội, khi chứng kiến đồng bào trong cơn khốn khó, nhỉ?
Bạn bè tôi là doanh nhân, nghệ sĩ, dân buôn bán, văn phòng và ngay cả các bà nội trợ cũng tự nhiên đóng góp sức người, sức của chăm lo cho đồng bào ngày này qua tháng khác.
Chẳng ai bảo ai, chẳng ai kêu gọi ai, cứ như việc "lá lành đùm lá rách" là máu chảy đương nhiên trong huyết quản của người TPHCM vậy.
Hình ảnh các người đẹp, lụa là như H'Hen Nie, Mai Phương Thúy, Xuân Lan, Khánh Vân… vốn thường gặp ở những nơi sang trọng, nay những bộ hàng hiệu bậc nhất của họ đã thay bằng những bộ bảo hộ màu xanh trùm kín từ đầu đến chân. Đồ bảo hộ này chỉ mặc vài tiếng thôi đã chịu không nổi rồi. Vậy mới cảm nhận được các bác sĩ và nhân viên y tế cực khổ như thế nào.
Có những niềm vui nho nhỏ bất ngờ là nhiều khi đi nhận rau củ quả cho Bếp 0 đồng, đến nơi mới biết điểm cho rau đó lại là của những người bạn, người quen. Không bên nào nhận ra nhau vì có ai ngờ doanh nhân mà ăn mặc, bốc vác quần quật, mồ hôi nhễ nhại như thế. Chắc họ cũng không ngờ nhiếp ảnh gia mà lại khiêng vác nhiệt tình vậy?! Chống dịch và cứu đói đều cấp thiết, phải lao vô làm thôi.
- Mới đây thầy giáo Thái Dương sinh năm 1991 sáng tác ca khúc "Sài Gòn tôi sẽ" với niềm tin "Sài Gòn tôi sẽ sớm mai sum vầy/ Sẽ không có dây, phố thưa lại đầy/ Sài Gòn tôi sẽ tái sinh rạng ngời/ Sẽ như lúc xưa sẽ lại vui/ Bình Tân, Gò Vấp, Hóc Môn, Phú Nhuận/ Sẽ ôm siết nhau, bắt tay, vui mừng...". Anh nghe bài này rồi chứ? Anh thấy sao?
Các bạn trẻ như thầy giáo Thái Dương sáng tác ca khúc "Sài Gòn tôi sẽ", rồi ca sĩ Tóc Tiên với những ca từ về TPHCM đau thương nhưng kiên cường. Anh bạn Đàm Hà Phú có "Thư gửi Sài Gòn" với đầy ắp hình ảnh TPHCM do tôi chụp, mong thành phố mau khỏe cũng lấy bao nhiêu giọt nước mắt và tin tưởng vào TPHCM hồi sinh.
Tôi vui vì hình ảnh của mình lan tỏa, chạm đến được trái tim của nhiều người.
- Tôi nhìn anh lúc này lại nhớ tới họa sĩ nổi tiếng Chóe (Nguyễn Hải Chí) - bố anh. Tôi nghĩ nếu họa sĩ Chóe còn sống, chắc TPHCM ngày tươi mới trở lại sẽ có đàn bồ câu bay trước Nhà hát Lớn thanh bình dấu yêu, như một tác phẩm ông từng vẽ ở Nhà thờ Đức Bà Paris...
Đôi khi đi trên những con đường trung tâm không một bóng người, cảm giác lạ lùng lắm, vừa hoang mang lo sợ mà cũng rất xúc động vì chứng kiến một khung cảnh chưa từng thấy trong đời và cả trong tưởng tượng.
Có khi tôi lại nhớ đến ba tôi (ông đã mất vào năm 2013) qua hình ảnh ông đang cưỡi mô tô trên đường Đồng Khởi với râu tóc bay trong gió…
Nếu ông còn sống, có lẽ ông sẽ họa lại một thành phố đang bệnh nặng nhưng có gì đó lạc quan yêu đời. Một nhà thờ Đức Bà mạnh mẽ đầy yêu thương và hy vọng.
Ông là vậy, dù là "họa sĩ biếm" nhưng chất "hí họa" luôn nhiều hơn, bi thương nhưng không bế tắc. Đúng kiểu dân miền Nam, bao dung và hào sảng.
Có lẽ tôi được thừa hưởng từ ông sự lạc quan trong nhiều hoàn cảnh khó khăn đó.
- Tôi không nghĩ so sánh của mình là đúng, nhưng tôi đọc rất nhiều câu chuyện như: có chàng trai nghèo lặng lẽ chạy xe đi phát cơm từ thiện suốt từ đầu mùa dịch; có F0 ở viện chăm sóc F0 khác hay có người như anh Minh Râu "ai sin thì cho rau" tới những người khó khăn mùa dịch… và anh nữa. Tất cả giống như anh chàng quyét rác thành Paris - Samet ngày ngày gom bụi quý để làm nên bông hồng vàng tặng nàng Xuzan (truyện Bông hồng vàng- K.Paustovsky)? Là tất cả đều cố gắng để TPHCM khỏe mạnh lên sớm thôi, đúng không anh?
Tôi ấn tượng mạnh với hình ảnh chàng trai trẻ "Ống Hút" tuy khó khăn nhưng ngày nào cũng chở đầy một xe máy lương thực, thực phẩm đi phát trực tiếp cho bà con. Bạn F0 đã khỏi, nay tình nguyện đi phục vụ lại những bệnh nhân F0 trong bệnh viện. Anh Minh Râu bán rau "ai sin rau thì cho".
Các doanh nhân, chủ quán nhậu, người đẹp, nghệ sĩ… đủ các thành phần trong xã hội. Họ cứ thế, bằng cách này hay cách khác, phụ mỗi người một tay chỉ với một mục đích là: TPHCM mau khỏe lại.
Mà nghệ sĩ làm việc thiện nguyện cũng có yên thân đâu, cũng bị "soi mói". Như bạn Xuân Lan tâm sự rằng, làm ít cũng bị nói, làm nhiều cũng ý kiến, mà không làm cũng bị nói. Chính vì thế theo tôi, đúng là chỉ khi mình giúp đỡ ai đó rồi quên ngay luôn, có lẽ mới làm việc thiện được.
- Anh có nhớ mấy câu thơ này không?
"Em vứt đi ngọn lửa
Ta từ bỏ kiếp rơm
Để đời sau không còn là tro bụi". (*)
Tôi nghĩ đôi khi để có năng lượng cho một ngày mới, tôi bắt đầu từ đôi câu hát vu vơ trong nhà tắm, hoặc lẩm nhẩm đôi câu thơ mà mình thích. Anh thì sao?
Mỗi sáng, lúc tập thể thao trên sân thượng, tôi lẩm nhẩm hát vài câu yêu đời yêu người. Trước khi đi ra ngoài chở đồ, nhìn ánh mắt lo lắng của vợ con, tôi thường cười bảo vợ con chúc cho tôi may mắn đi, rồi vui vẻ lên đường…