"Siêu trăng máu" hiếm có mọc trên ngôi đền cổ

Huy Hoàng

(Dân trí) - Việc "siêu trăng máu" bất ngờ xuất hiện tại ngôi đền cổ khiến những du khách may mắn chứng kiến cảnh tượng hiếm có này đều sửng sốt.

Đêm 15/5, ngôi đền cổ Poseidon bằng đá cẩm thạch thuộc Cape Sounion, Hy Lạp, đã chứng kiến khoảnh khắc hiếm có. Đó là hiện tượng "siêu trăng máu" từ từ mọc lên, tạo nên khung cảnh rất đặc biệt tại địa danh linh thiêng này.

"Siêu trăng máu" hiếm có mọc trên ngôi đền cổ

Trăng tròn này được các chuyên gia gọi là một "siêu trăng", trùng với nguyệt thực toàn phần, có thể nhìn thấy rõ ở tây bán cầu, khiến mặt trăng có màu nâu đỏ. Năm nay, người dân địa phương và du khách được tận mắt chứng kiến hiện tượng siêu trăng hiếm gặp. Thông thường, người dân ở đây gọi trăng tròn tháng 5 là "trăng hoa" vì đây là thời điểm nhiều loại hoa cùng nở rộ.

Siêu trăng máu hiếm có mọc trên ngôi đền cổ - 1
"Siêu trăng máu" mọc trên ngôi đền thờ thần biển Poseidon ở Cape Sounion, Hy Lạp (Ảnh: Reuters).

Ngôi đền cổ được xây dựng từ thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên, thờ thần biển Poseidon, nằm trên một vách đá bên bờ biển ở vịnh Sounion, cách thủ đô Athens chừng 70km về phía nam. Khoảnh khắc "siêu trăng máu" dần dần xuất hiện khiến những người chứng kiến ngỡ ngàng và thích thú.  

Nguyệt thực toàn phần xảy ra khi mặt trời, trái đất và mặt trăng nằm trên một đường thẳng. Khi đó, mặt trăng đi vào vùng bóng tối nhất của trái đất. Ánh trăng sẽ mờ đi, chuyển sang màu đỏ hoặc cam sẫm, nên hiện tượng này còn được gọi là "trăng máu". Trong lần này, do mặt trăng ở gần trái đất nhất trên quỹ đạo hình elip của nó khiến nó trông lớn hơn bình thường và được giới chuyên môn đặt biệt danh là "siêu trăng máu".

Siêu trăng máu hiếm có mọc trên ngôi đền cổ - 2
Khoảnh khắc ấn tượng khi siêu trăng rọi sáng đền thờ Poseidon (Ảnh: Reuters).

Theo trang Time and Date, trong năm 2022, chỉ có 2 sự kiện nguyệt thực toàn phần xuất hiện. Tháng 5 là thời điểm xuất hiện đầu tiên, có thể quan sát thấy ở phần lớn châu Mỹ, Nam Cực, châu Âu, châu Phi và đông Thái Bình Dương. Nhưng tùy từng khu vực, hiện tượng này sẽ diễn ra vào các khung giờ khác nhau.

Hiện tượng "siêu trăng máu"

Nguyệt thực toàn phần thứ 2 cũng là lần cuối cùng trong năm 2022 sẽ diễn ra vào ngày 8/11, có thể nhìn thấy từ châu Á, châu Đại Dương, Bắc Mỹ và một phần Đông Âu, Bắc Âu, Bắc Cực, hầu hết ở Nam Cực.

Sau 2 sự kiện này, Noah Petro, trưởng phòng thí nghiệm địa chất, địa vật lý và hóa học của NASA cho biết, muốn được chiêm ngưỡng lần nữa, du khách phải chờ tới tháng 3/2025.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm