Mách bạn cách làm giấm ăn từ quả hồng chín
(Dân trí) - Những quả hồng chín nếu không ăn hết, bạn có thể giữ lại để làm giấm ăn. Giấm hồng có vị chua thanh và thơm dịu, có thể dùng để trộn salad, pha nước trộn các loại gỏi…
Giấm là một loại gia vị có vị chua đặc trưng, được hình thành bằng công thức lên men. Giấm có rất nhiều hương vị cũng như tên gọi khác nhau tùy vào nguyên liệu làm giấm: Giấm táo, giấm gạo, giấm hồng,…
Từ tháng 10 trở đi, chúng ta thường háo hức muốn ngắm nhìn những trái hồng chín đỏ lấp ló sau những tán lá cây xanh mướt. Vụ hồng bắt đầu từ mùa thu cho đến khi vào đông. Không chỉ là hồng để chín cây, ngày nay hồng được ngâm để ăn vừa giòn lại vừa ngọt, hồng treo gió, ngoài ra, những trái hồng chín còn được dùng để làm giấm ăn, mang đến hương vị rất riêng.
Sẵn có những trái hồng chín, chị Nguyễn Ngọc Tiểu Ni (Đà Lạt, Lâm Đồng) bắt tay làm thử giấm theo công thức học được trên nhóm những người yêu bếp. Con gái chị, bé Mins mới 3 tuổi cũng được mẹ cho thực hành một số công đoạn đơn giản.
Nguyên liệu cần chuẩn bị-
- 500g hồng chín mềm
- 1 lít nước lọc
- 200ml giấm mồi (chị Ni dùng giấm gạo)
- 1 thìa to đường
- 1 bình thủy tinh 2 lít
Cách làm
Nên chọn hồng sạch, có nguồn gốc đảm bảo, không phun thuốc kẻo lợi bất cập hại. Lau nhẹ nhàng bên ngoài quả hồng, không rửa. Bởi trên hồng có lớp phấn chứa men tự nhiên giúp lên men.
Sau đó, buộc miệng lọ bằng vải màn, để nơi sạch sẽ, cao, khô ráo và tránh nắng trực tiếp khoảng 2-4 tuần thì lớp giấm hồng dần lắng xuống. Dùng thìa gỗ nếm thử khi nào chua dịu vừa ăn thì chắt ra dùng dần, lúc này giấm có màu đục vàng nhẹ sóng sánh rất đẹp.
Không chắt hết hoàn toàn nước giấm, để lại xâm xấp giấm cũ rồi đổ thêm nước lọc vào, đậy lại, lúc này đã có con giấm xuất hiện nên chỉ cần đổ nước.
Sau một năm giấm lắng trong veo như nước lọc nhưng mùi vị thơm ngon, vị chua mạnh tuyệt vô cùng. Bạn có thể làm nhiều rồi chắt ra các chai nhỏ để ngăn mát tủ lạnh dùng quanh năm.