“Kong: Skull Island” ra rạp: Sự tiến hóa của King Kong đã tới đỉnh điểm?
(Dân trí) - Kể từ khi bộ phim “King Kong” đầu tiên ra rạp hồi năm 1933, quái thú khổng lồ đã không ngừng biến đổi diện mạo trên màn ảnh. Với phiên bản “Kong: Skull Island” vừa ra rạp trên toàn thế giới, Kong đã thực sự chạm tới “nấc tiến hóa” cao nhất trên màn ảnh.
Với mỗi thế hệ, khỉ Kong lại có những vẻ ngoài khác biệt, càng lúc càng hoàn hảo, chân thực, sống động, thuyết phục người xem. Cho đến khỉ Kong trong “Kong: Skull Island”, diện mạo của quái thú này đã trở nên lý tưởng đến mức khiến những nhà phê bình khó tính nhất, dù có điểm này điểm kia còn chưa hài lòng với phim, vẫn phải thống nhất rằng King Kong quá hoàn hảo, ấn tượng đến ngoạn mục.
King Kong không chỉ là một quái thú giả tưởng mà còn là một hiện thân của sự tiến bộ, phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật trong nền công nghiệp điện ảnh thế giới. King Kong đã trở thành tấm vải vẽ cho những sáng tạo điện ảnh, thể hiện bức tranh toàn cảnh của các yếu tố thương mại và công nghệ trong thế giới điện ảnh qua mỗi thời kỳ.
Phiên bản King Kong càng về sau càng to lớn và đạt mức lý tưởng nhất trong “Kong: Skull Island”. Hãy cùng nhìn lại những phiên bản đáng nhớ của khỉ Kong qua thời gian:
King Kong (1933)
Chuyện phim: Một nhà làm phim có cá tính thích phiêu lưu mạo hiểm tình cờ gặp một cô gái trẻ đang trong giai đoạn đen đủi, cô bị bắt quả tang ăn cắp một… trái táo trên đường phố. Nhà làm phim cố gắng thuyết phục cô gái đồng hành cùng với mình trong chuyến đi tới một hòn đảo xa xôi, nơi anh dự định sẽ thực hiện một bộ phim.
Hòn đảo mà hai người đi tới chính là đảo Đầu lâu - quê nhà của khỉ Kong. Đến đây, ngoài việc bắt gặp khủng long và những quái thú dữ tợn, họ còn gặp một linh trưởng khổng lồ - khỉ Kong.
Khỉ Kong: Trong “King Kong” (1933), khỉ Kong được thực hiện bằng phương pháp tạo dựng nhân vật hoạt hình, chèn vào khuôn hình bên cạnh các diễn viên người thật, các hoạt động của khỉ Kong có phần “giật cục” khi đặt bên cạnh diễn xuất của diễn viên người thật.
Dù vậy, với khả năng kỹ thuật của điện ảnh đầu thập niên 1930, “King Kong” được xem là một bước tiến đi trước thời đại, gây choáng ngợp cho người xem thời bấy giờ. Đối với người xem điện ảnh hiện nay, khỉ Kong 1933 thực sự vẫn còn quá… “nhỏ bé”, chưa thể coi là một quái thú hùng mạnh thống trị màn ảnh rộng.
Xem lại cuộc vật lộn của khỉ Kong trên đỉnh tòa nhà chọc trời Empire State Building ở New York, Mỹ, là một trong những hình ảnh đáng nhớ của phim, hẳn không ít người xem điện ảnh sẽ cảm thấy có phần… “hài hước, ngộ nghĩnh”.
Bối cảnh: Phim ra mắt khi xã hội phương Tây đang trong thời kỳ Đại Suy thoái, khỉ Kong lúc này được ví như ẩn dụ về cuộc sống của con người giai đoạn bấy giờ, với nhiều xáo trộn không ngừng.
Người đẹp: Trong phim, nữ chính tóc vàng Fay Wray vào vai cô gái trẻ đồng hành cùng anh đạo diễn phiêu lưu tới Đảo Đầu lâu, sự nghiệp diễn xuất của cô được nhớ tới nhiều nhất với vai diễn này cùng tiếng thét “trứ danh”.
King Kong vs. Godzilla (1962)
King Kong vs. Godzilla (1962)
Chuyện phim: Bộ phim của Nhật, do đạo diễn Ishiro Honda dàn dựng, kể hai câu chuyện song song diễn tiến. Ở câu chuyện thứ nhất, một công ty dược thực hiện kế hoạch khống chế khỉ Kong để phục vụ mục đích quảng cáo.
Ở câu chuyện thứ hai, một tàu ngầm đâm phải một tảng băng trôi đã cầm giữ quái thú Godzilla suốt nhiều năm. Godzilla bỗng chốc được tự do và quyết định tìm gặp khỉ Kong để thực hiện một cuộc đấu phân thắng bại.
Khỉ Kong: Trong “King Kong vs. Godzilla”, quái thú King Kong do một người đàn ông khoác bộ đồ mang diện mạo khỉ Kong diễn xuất. Về mặt thiết kế tạo hình, khỉ Kong trong phiên bản điện ảnh này bị cho là kém thuyết phục nhất trong các phiên bản điện ảnh.
Bối cảnh: Thập niên 1950, con người đã chứng kiến sức mạnh kinh hoàng của vũ khí nguyên tử, đó là lý do tại sao những quái như khỉ Kong, như Godzilla được tạo ra trên màn ảnh, những nhân vật này phản ánh nỗi lo sợ của con người thời kỳ bấy giờ trước những biến động thời cuộc.
Người đẹp: Đã thành “thông lệ”, xuất hiện cùng quái thú King Kong luôn có một nhân vật người đẹp đồng hành. Trong bộ phim này, đó là một nữ hành khách trên một chuyến tàu, bị khỉ Kong bắt giữ làm con tin.
Mặc dù vậy, mối quan hệ giữa khỉ Kong và người đẹp không được khai thác sâu đậm trong phim bởi khỉ Kong còn bận chiến đấu với những quái thú khác như bạch tuộc khổng lồ và Godzilla.
King Kong (1976)
King Kong (1976)
Chuyện phim: Một công ty khai thác dầu mỏ cử một nhóm khảo sát tới một hòn đảo xa xôi mà họ tin rằng ở đây có trữ lượng dầu rất lớn. Thực tế, trên đảo không chỉ có dầu mà còn có một quái thú khổng lồ. Bộ phim này tương đối thành công và tạo đà cho một phần phim tiếp theo, nhưng không gây tiếng vang bằng - “King Kong Lives” (1986).
Khỉ Kong: Trong phim, khỉ Kong cũng được tạo hình bằng phương pháp để diễn viên người thật khoác lên mình một bộ đồ mang diện mạo của Kong, nhưng nhờ sự hóa trang tài tình của các chuyên gia mà lần này khỉ Kong trông thuyết phục hơn hẳn.
Ngoài ra, ê-kíp làm phim “King Kong” (1976) cũng đầu tư nhiều mặt nạ Kong đa dạng với các biểu cảm khác nhau, tạo nên một quái thú có nhiều biểu hiện cảm xúc hơn.
Bối cảnh: Ở thời kỳ này, nước Mỹ đang phải đối diện với cuộc khủng hoảng năng lượng khi nhu cầu đối với nhiên liệu bất ngờ tăng mạnh, bộ phim đã chạm tới một thực tế của đời sống xã hội Mỹ lúc bấy giờ. Ngoài ra, với “King Kong” (1976), cảnh phim trứ danh trong “King Kong” (1933) cũng được nâng cấp lên rất nhiều.
Kong 1933 từng “làm xiếc” trên đỉnh tòa nhà Empire State Building, ở phiên bản 1976, Kong leo lên nóc tòa tháp đôi World Trade Center. Giờ đây, khi xem lại cảnh phim này, người ta hẳn thấy nhiều cảm xúc đa chiều lẫn lộn, bởi thế giới đã biến động quá nhiều khi soi chiếu qua lăng kính điện ảnh.
Người đẹp: Nữ diễn viên tóc vàng xinh đẹp Jessica Lange đảm nhiệm vai có nhiều cảm xúc “nặng đô” với khỉ Kong, bởi quái thú thực lòng cảm mến người đẹp. Có những cảnh quay khá lãng mạn trong phim khai thác tình cảm mà khỉ Kong dành cho người đẹp, quái thú tắm cho người đẹp ở thác nước rồi “hong khô” người đẹp bằng hơi thở của mình.
King Kong (2005)
King Kong (2005)
Chuyện phim: Bộ phim kinh phí lớn do đạo diễn Peter Jackson dàn dựng gần như là phiên bản làm lại của bộ phim gốc năm 1933 nhưng đương nhiên tiến bộ hơn rất nhiều.
Khỉ Kong: Trước khi có sự xuất hiện của “Kong: Skull Island” thì Kong trong “King Kong” (2005) được cho là phiên bản khỉ Kong xuất sắc nhất, chân thực và thuyết phục nhất về diện mạo, dáng điệu.
Công nghệ hiện đại của điện ảnh thời kỳ này đã cho phép người thật đảm nhiệm vai diễn để ghi lại được những chuyển động, biểu cảm chân thực nhất, sau đó kỹ xảo hình ảnh sẽ xử lý nốt phần diện mạo khỉ Kong, “đắp da đắp thịt” của Kong lên diễn viên người thật.
Bối cảnh: Điện ảnh thời kỳ này đã rất phát triển cả về công nghệ, vốn đầu tư và khả năng kinh doanh ngoài phòng vé, các cảnh phim cũng cho thấy điện ảnh đã vươn tới một đẳng cấp mới. Ê-kíp thực hiện kỹ xảo hình ảnh cho “King Kong” (2005) chính là ê-kíp về sau giúp “Avatar” của đạo diễn James Cameron trở thành một siêu phẩm ngoạn mục.
Người đẹp: Naomi Watts là một nữ diễn viên tóc vàng xinh đẹp khác có sự nghiệp được chắp cánh nhờ vai diễn bên cạnh quái thú King Kong. Trong phim, nhân vật của Naomi Watts cũng có những sự gắn kết đầy cảm xúc với khỉ Kong.
Kong: Skull Island (2017)
Kong: Skull Island (2017)
Chuyện phim: Lấy bối cảnh đầu thập niên 1970, một hòn đảo bí ẩn bất ngờ được phát hiện, một đoàn thám hiểm được cử tới để tìm hiểu tại sao có nhiều máy bay, tàu thuyền bị mất tích khi đến khu vực hòn đảo bí ẩn này. Ngay lập tức, khi vừa đặt chân tới hòn đảo, đoàn thám hiểm đã hiểu rằng nơi này không đơn thuần chỉ là một hòn đảo hoang vu.
Khỉ Kong: King Kong chưa bao giờ to lớn đến thế, tựa như một tòa tháp đồ sộ. Diện mạo của khỉ Kong trong phiên bản điện ảnh này được cho là hoàn hảo nhất từng thấy.
Người đẹp: Brie Larson nhập vai một nữ phóng viên ảnh can trường. Nhân vật người đẹp tóc nâu lần này được cho là có sức nặng hơn hẳn những nhân vật người đẹp từng xuất hiện trong các phiên bản điện ảnh trước. Tình cảm giữa Kong và cô gái cũng được khắc họa nhẹ nhàng hơn, bớt đi khía cạnh lãng mạn, nhưng vẫn chứa đựng nhiều cảm xúc ấm áp.
Đoàn làm phim “Kong: Skull Island” nói về Việt Nam
Bích Ngọc
Theo NY Times