PhotoStory

Hồi sinh nghề dệt thổ cẩm trăm năm của người Ba Na

Thực hiện: Doãn Công

(Dân trí) - Từ chỗ chỉ đáp ứng cái mặc của gia đình, các nghệ nhân làng Hà Văn Trên (xã Canh Thuận, huyện Vân Canh, Bình Định) đang vực dậy nghề dệt thổ cẩm, tạo thu nhập, hướng đến phát triển du lịch cộng đồng.

Hồi sinh nghề dệt thổ cẩm trăm năm của người Ba Na - 1

Vực dậy nghề dệt thổ cẩm trăm năm của người Ba Na ở làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định (Ảnh: Doãn Công).

Giữ nghề dệt là giữ "linh hồn" người Ba Na

Làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận hiện có trên 100 hộ với hơn 360 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Ba Na. Nghề dệt thổ cẩm ở làng Hà Văn Trên tồn tại hàng trăm năm trước và lưu giữ từ đời này đến đời khác theo kiểu "mẹ truyền con nối". Tuy nhiên, trước nguy cơ nghề truyền thống dần mai một, những nghệ nhân ở đây luôn động viên con cháu gìn giữ bản sắc văn hóa của tổ tiên.

Nghệ nhân Đinh Thị Lên (64 tuổi, làng Hà Văn Trên) được bà, mẹ truyền nghề chia sẻ: "Ngày trước, các cô gái Ba Na khoảng 14-15 tuổi đã bắt đầu học dệt để may váy, quần áo, dệt những tấm khăn dùng để địu con khi đi rẫy. Việc dệt vải chỉ phục vụ nhu cầu trong gia đình chứ không buôn bán như bây giờ".

Hồi sinh nghề dệt thổ cẩm trăm năm của người Ba Na - 2

Nghệ nhân Đinh Thị Lên học nghề dệt thổ cẩm từ mẹ bà (Ảnh: Doãn Công).

Theo bà Lên, ngày trước, nghề dệt thổ cẩm hoàn toàn làm bằng thủ công. Nguyên liệu phải vào rừng kiếm bông về kéo sợi, dùng vỏ cây rừng để nhuộm nên vải chỉ có 3 màu chính là đỏ, đen và trắng. Để dệt được một bộ đồ để mặc rất kỳ công, có khi mất hơn cả tháng trời, nhất là váy mặc của các chị em phụ nữ.

"Bây giờ, chúng tôi sử dụng len bán trên thị trường nhưng phải "sơ chế" lại. Sợi len được tách làm hai, nhúng vào nước gạo, sáp ong rồi đun nước sôi thật lâu. Sau đó, phơi thật khô sao cho sợi len không được xù lông mới dệt nên sản phẩm dệt thổ cẩm bây giờ có độ bền đẹp, sắc sảo hơn", bà Lên nói.

Hồi sinh nghề dệt thổ cẩm trăm năm của người Ba Na ở Bình Định (Video: Doãn Công).

Bà Lên cũng cho biết, để làm được một bộ váy thổ cẩm hiện nay, một nghệ nhân lành nghề phải mất gần một tháng trời nên giá bán cao, khoảng 3-4 triệu đồng/bộ; áo nam đơn giản nhưng cũng mất gần cả tuần, giá rẻ hơn, tầm 700-800 nghìn đồng/chiếc.

Nghệ nhân Đinh Thị Ngọt cho hay hiện nay, các sản phẩm thổ cẩm của người Ba Na đã "cách tân" nhưng vẫn giữ nét được văn hóa truyền thống đặc trưng của quê hương. Vào các ngày lễ hội, Tết cổ truyền dân tộc, người Ba Na vẫn mặc trang phục dệt thổ cẩm truyền thống. Vào ngày thứ hai hàng tuần, học sinh dù học ở trường xã hay tại các trường nội trú trong huyện, tỉnh đều mặc trang phục truyền thống của người Ba Na.

Hồi sinh nghề dệt thổ cẩm trăm năm của người Ba Na - 3
Hồi sinh nghề dệt thổ cẩm trăm năm của người Ba Na - 4
Hồi sinh nghề dệt thổ cẩm trăm năm của người Ba Na - 5

"Chúng tôi luôn nhắc nhở con cháu rằng gìn giữ nghề dệt thổ cẩm là giữ linh hồn của đồng bào mình. Đó là nét văn hóa đặc trưng nếu không gìn giữ thì nguồn cội, tổ tiên sẽ dần mai một rồi mất đi. Nguyện vọng của bà con là mong nhà nước quan tâm, hỗ trợ để duy trì, phát triển nghề này. Các nghệ nhân sáng tạo thêm hoa văn, mẫu mã mới, sản phẩm dệt của làng đánh giá là đẹp, sắc sảo. Tuy nhiên, cái khó hiện vẫn là đầu ra, trong khi để làm ra một sản phẩm mất rất nhiều thời gian", bà Ngọt trải lòng.

Gắn với phát triển du lịch, tạo nguồn thu cho dân

Bà Đinh Thị Xuân Bông, Phó Chủ tịch UBND xã Canh Thuận, huyện Vân Canh, đồng thời là một nghệ nhân dệt thổ cẩm làng Hà Văn Trên, luôn động viên người dân trong làng kiên trì giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na, góp phần tạo sản phẩm, tăng thu nhập.

Hồi sinh nghề dệt thổ cẩm trăm năm của người Ba Na - 6

Bà Đinh Thị Xuân Bông, Phó Chủ tịch UBND xã Canh Thuận động viên bà con giữ nghề dệt truyền thống (Ảnh: NVCC).

Theo bà Bông, khoảng 10 năm trước, khi còn làm hội phụ nữ xã, bà từng theo đoàn công tác của địa phương đi thăm, học kinh nghiệm nghề dệt thổ cẩm Chăm ở tỉnh Ninh Thuận. Sau này, xã còn mời 2 nghệ nhân ở Ninh Thuận về truyền nghề cho chị em phụ nữ trong làng. Khi nghề dệt thổ cẩm được các cấp chính quyền hỗ trợ, số người trong làng theo nghề dần tăng.

Năm 2020, nhãn hiệu tập thể "Vải thổ cẩm Hà Văn Trên" được chứng nhận. Cuối năm 2022, tổ liên kết phụ nữ dệt thổ cẩm làng Hà Văn Trên được thành lập, hình thành nghề dệt tập trung.

"Công việc này phù hợp với đặc tính của người dân địa phương vốn không thích đi làm ăn xa. Hiện một số nghệ nhân lành nghề, làm xuyên suốt cả năm, thu nhập trung bình 40-50 triệu đồng/năm. Trong tương lai, làng nghề kết hợp với phát triển du lịch, tôi tin bà con sẽ có thu nhập ổn định", bà Bông cho hay.

Hồi sinh nghề dệt thổ cẩm trăm năm của người Ba Na - 7
Hồi sinh nghề dệt thổ cẩm trăm năm của người Ba Na - 8
Hồi sinh nghề dệt thổ cẩm trăm năm của người Ba Na - 9

Để người dân gìn giữ nghề thổ cẩm, bà Bông cho rằng trước hết, cần tạo điều kiện để nghệ nhân sống tốt với nghề dệt, bằng cách quan tâm, hỗ trợ hơn nữa các nhu cầu liên quan đến làng nghề. Đầu tư xây dựng nhà trưng bày sản phẩm dệt thổ cẩm, các sản phẩm thủ công do nghệ nhân toàn huyện làm ra, đồng thời kết hợp với khu du lịch cộng đồng.

Ông Nguyễn Xuân Việt - Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh cho hay, mục tiêu của huyện không chỉ giúp người dân bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống mà còn tạo ra được các sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch. Đồng thời, tìm kiếm các kênh tiêu thụ, tạo điều kiện cho người dân có nguồn thu nhập từ sản phẩm làng nghề phát triển một cách bền vững. Từ đó, giúp bà con gắn bó hơn với nghề truyền thống này.