Việt Nam thân thương:

Đối diện và đi qua cồn cào mùa đông

(Dân trí) - Hà Nội mùa Đông, gió lạnh căm căm thổi bay bay lây phây mưa phùn nối nhau miệt mài dài hun hút những phố xá mờ trong mưa. Cảm giác như mọi thứ xung quanh chậm chạp, vắng thưa hẳn đi.

(Ảnh: TTVH)

(Ảnh: TTVH)

Cửa hàng cửa hiệu đã nhỏ còn đóng bớt một cánh, hoặc lật phật mái che, người mua ngại phải cởi áo mưa, ngại cúi người bước vào nghiêng ngó. Đường sá lầy lội, lép nhép, không còn nghẹt những xe máy và ô tô chen chúc.

Hà Nội mùa Đông, nhiệt độ cứ hạ dần qua từng đợt không khí lạnh đua nhau tràn về. Càng gần đến Tết nguyên đán càng rét đậm, rét hại. Các bậc phụ huynh mất ăn mất ngủ vì rình rập từng sớm tinh sương, mở mắt ra, việc đầu tiên là nghe thời tiết xem hôm nay bao nhiêu độ. Dưới mười độ C, học sinh các trường tiểu học sẽ nghỉ ở nhà, là chính sách đảm bảo an toàn cho các con, cũng là chính sách làm điên đầu các ông bố bà mẹ không có người trông trẻ.

Hà Nội mùa Đông, nhiệt tình với nhiều thứ trong cuộc sống cũng hạ dần như thời tiết. Ngơ ngác thiếu vắng mất ngọn lửa rừng rực mùa Hạ, khiến tâm tính con người dễ dàng cởi mở; hoặc chí ít cũng nhen nhóm ấm ấp lúc Xuân sang, khi những tâm hồn được chắp cánh nhờ hoa tươi và chồi non, khiến ánh mắt có thể sáng lên chút tình với đất trời và người.

Hà Nội mùa Đông, đáng sợ nhất là sự thu mình, đến nỗi, nhiều lúc, cảm giác ớn lạnh đến không phải vì thời tiết mà vì sự băng giá không gì phá nổi trong những tâm hồn. Nỗi cô đơn, chẳng hạn của người quét rác lúc hai mươi hai giờ mịt mù con đường ngập phế thải, hay của ông già hàng nước một mình chăng đèn lúc nửa đêm nơi đầu phố, đợi mấy bác xe thồ chở rau đến chợ đầu mối tầm một hai giờ sáng, sẽ càng bị đẩy đến cùng cực của cô đơn.

Vang lên đâu đó những ca từ thao thiết: “Sương lạnh căm nóc nhà. Thẫm đen hàng cây đứng chơ vơ. Nối nhau về xa tít mờ. Nối nhau những khuôn mặt phố…”

Tôi từng mong ngóng nhiều. Cứ qua đi, mùa Xuân quá xanh tươi. Cứ qua đi, Hè Thu nắng rạng ngời. Tới đây những ngày Đông xám trời…”

Mùa Đông xa nhau. Biết bao nhiêu cồn cào nhung nhớ. Mùa Đông gặp nhau. Khát khao được gần nhau hơn…

Trong tiếng đàn piano dặt dìu dẫn lối, ca khúc “Những mùa đông yêu dấu” của nhạc sĩ Đỗ Bảo tự sự thẳm sâu và mênh mông, đi vào lòng bất cứ người nào từng trải qua những ngày đông Hà Nội.

Người nghe lần đầu có thể thao thiết cùng nhạc sĩ về một mùa đông Hà Nội lạnh thấm đến tận xương với những ấn tượng khó phai về sương mịt mờ và những hàng cây. Nhưng càng nghe càng thấy ngôn từ mà Đỗ Bảo sử dụng không chỉ hạn chế trong sự ghi lại những xúc cảm cụ thể về “mùa cây lá đổ, biết bao tình yêu chớm nở, biết bao mộng mơ đón chờ, biết bao ô cửa kính mờ…” mà là những phác thảo mang tính gợi mở.

(Ảnh: TTVH)

(Ảnh: TTVH)

Không phải chân dung hoàn thiện về mùa Đông, ngôn ngữ âm nhạc và ca từ mà Đỗ Bảo lựa chọn cho phép người nghe được tự do đồng sáng tạo với sự trải nghiệm và miền ký ức của mỗi người, trong một không gian thoáng đãng và rộng rãi của trí tưởng tượng bay bổng.

Phố mùa Đông của Đỗ Bảo là nơi thấp thoáng sự trăn trở, khó khăn, hoài niệm, tiếc nuối xa xăm: “Tôi từng mơ ước nhiều. Cứ bên ai buồn vui sớm chiều. Cứ cho ai tin yêu rất nhiều. Mà tình yêu ai người thấu hiểu. Hà Nội hàng năm từng khi gió lạnh. Nhắc tôi rằng con tim rất ngây thơ. Yêu một giây phút miệt mài. Thương còn thương suốt đời…” Lại cũng chính là nơi: “Bình yên trong mưa. Thấy chuyến xe càng thêm ấm áp. Nhìn ra thành phố. Cứ mỗi năm một mùa Đông mới. Còn lại trong tôi những mùa Đông dấu yêu. Mùa bao nhiêu ký ức cho mình nhớ thương. Những giấc mơ không thành. Những hạnh phúc ngọt lành

Như Đỗ Bảo tâm sự rất riêng và rất thật, thì văn vẻ chính là thứ anh sợ nhất trong cuộc đời, trong đó bao gồm cả ca từ của các bài hát. Thế mà, suốt đời anh đã và sẽ còn gắn bó với văn. Trăn trở, miệt mài, thức rất nhiều đêm, để rồi sáng hôm sau mắt mũi đỏ quạch và đầu tóc bơ phờ, thế nhưng sáng tác của Đỗ Bảo thường là không phổ thơ người khác mà tự anh hì hụi viết lời.

Cứ mỗi chặng đường bốn năm để lại một album, người nghe không thể nào quên được chàng nhạc sĩ của những bức thư tình, của mùa Đông Hà Nội. Đỗ Bảo trăn trở và miệt mài, trút lên phím đàn tự sự trĩu nặng không chỉ nỗi cô đơn, hoài niệm mà là tình yêu mênh mông dành cho mỗi ngày, hay chính xác hơn là từng giây phút hiện diện trong cuộc sống. Khi đủ dũng cảm để đối diện với mùa Đông, của đất trời hay của lòng người, và đủ nhân ái để mở rộng cánh cửa trái tim, đón vào mình những cơn gió lạnh. Rồi, bình thản đi xuyên qua làn mưa…

Hòa Bình