Chiếc áo lá

(Dân trí) - Một ngày, tôi giật mình khi bắt gặp đứa con gái nhỏ của mình để hở cả một khoảng lưng khi ngồi sau xe bố. Con bé đang vi phạm nội quy nhà trường như tôi ngày xưa…

Chiếc áo lá


Trường tôi học lúc ấy là trường nữ trung học Nha Trang, tôi học ở đó suốt bảy năm từ đệ thất (lớp sáu) đến lớp 12. Vào lớp sáu, bọn tôi đã phải mặc áo dài. Tôi quên mất lúc ấy mình trông thế nào, nhưng có một điều chắc chắn là nó suôn đuột từ trên xuống dưới.

Hai ống quần lúc nào cũng rách tươm vì sên xe nhai. Nhìn chung là hơi nhếch nhác, vì hôm nào cũng túm hai vạt áo lại với nhau, nhảy dây hoặc lò cò. Đến lúc bắt đầu vào tuổi mới lớn, còn vụng về làm bẩn cả ra áo trắng nữa.

Rồi một ngày, chiếc áo dài biến đổi theo phong trào hippy xâm nhập vào giới trẻ không ôm siết như kiểu cổ điển, mà thả hết ben và ngắn lên đầu gối. Lúc ấy, mới thấy chiếc áo lá là một trở ngại không nhỏ trong việc làm… tôn giá trị của nhan sắc học trò.

Chiếc áo lá


Quy định nhà trường nghiêm ngặt, nhưng bọn tôi thỉnh thoảng vẫn vi phạm khi thầy cô lơ là nhắc nhở. Lý do đơn giản, mặc vàonóng bức, khó chịu, và quan trọng nhất, nói theo từ ngữ bọn tôi vẫn ưa dùng là: mất eo! Vậy thì, nên vất nó đi cho nhẹ người và cho đẹp dáng.

Bà hiệu trưởng trường tôi người Huế, mang tên chồng là Bùi Ngoạn Lạc. Bà có vóc người nhỏ nhắn, thanh nhã, dáng vẻ từ tốn, quý phái. Tôi nghĩ, chắc chẳng bao giờ bà biết nhảy chân sáo hoặc nghịch ngợm như lũ học trò chúng tôi, chẳng sà vào những gánh hàng rong bên vệ đường hoặc nói những câu kém nhã nhặn.

Bà thuộc thế giới khác, nghiêm trang, mẫu mực, khuôn mặt ít biểu lộ cảm xúc, nhưng luôn dạy chúng tôi những điều gần gũi, thiết thực với đời sống hàng ngày, nên bọn tôi sợ lắm.

Chiếc áo lá


Một lần, tôi mặc chiếc áo bằng tơ sống, mỏng còn hơn cánh chuồn chuồn. Tôi nhảy từng bậc tam cấp ở dãy lầu bên trái và hát ư ử trong cổ họng một điệu nhạc vui.

Đang cơn cao hứng, suýt chút nữa tôi tông vào bà hiệu trưởng đang từ dưới đi lên. Xấu hổ và sợ hãi, tôi khựng lại khoanh tay chào bà thật lễ phép, mong được chạy thật nhanh thoát khỏi một cơn… cuồng nộ. Nhưng bà đã gọi tôi đứng lại, từ tốn như lúc nói trước học sinh mỗi lần chào cờ:

-… Em có biết mình đang vi phạm nội quy không?

Tôi muốn đưa tay… che mắt để không thấy đôi mắt nghiêm khắc của bà, nhưng bà đã tiếp:

- Trường ta có rất nhiều thầy giáo trẻ. Mỗi lần thầy gọi lên bảng, em có thấy ngại ngùng khi phải phơi mình trước ánh mắt của cả lớp không?

-Dạ…

-Tôi đã nói nhiều với các em về vấn đề này. Chiếc áo dài trắng làm nên cái duyên con gái. Ở tuổi học trò, cái duyên ấy không phải ở sự phô bày hết những gì gợi cảm nhất của mình ra cho mọi người nhìn ngắm, mà chính ở sự nền nã, đằm thắm, kín đáo. Bao giờ em đủ tuổi lớn, làm chủ được bản thân, rời khỏi ngưỡng cửa học đường, em có quyền tự do ăn mặc theo ý thích. Còn bây giờ, em nên tôn trọng những quy định của nhà trường.

Chiếc áo lá


Tôi đã xin lỗi bà hiệu trưởng trước những lời quá đỗi nhẹ nhàng của bà và hứa sẽ tuân thủ những quy định đó. Nhưng… nhất quỷ nhì ma, tôi nhanhchóng quên mất.Bọn nó bày nhau sắm kiểu áo lót không dây, có viền thun đăng-ten giữ ngang ngực, rất tiện lợi.

Đến lớp, chỉ việc tròng từ dưới lên, và hết giờ học, thì…. tuột ra. Bước ra khỏi cổng trường, áo bay mềm mại trong nắng, thướt tha trong gió, làm duyên với bọn con trai trường Võ Tánh, Bá Ninh, Kỹ thuật... bên cạnh. Cứ thế, thời con gái dưới mái trường trôi qua…

Một ngày…

Tôi giật mình khi bắt gặp đứa con gái nhỏ của mình để hở cả một khoảng lưng khi ngồi sau xe bố. Con bé đangvi phạm nội quy nhà trường như tôi ngày xưa.

Chiếc áo lá


Nó bảo đứa nào cũng vậy, bao giờ nhà trường có đợt kiểm tra thì bọn nó mới nghiêm chỉnh chấp hành! Mà thật, ra đường, bọn trẻ cứ tung tăng thoải mái với áo dài xắn tay, nút cổ lệch lạc, tà áo xẻ quá cao hoặc quá mỏng manh, lộ liễu cả những gì cần phô bày tế nhị hơn.

Thế là, tôi được dịp nói lại y những lời bà hiệu trưởng đã dạy tôi, có khác là thêm vào… Ngoài thầy giáo trẻ trong trường, trong lớp còn các bạn trai, cái duyên con gái của các con là ở sự kín đáo. Con nghĩ sao khi ánh mắt các bạn ấy không dán lên bảng, mà chỉ chăm chăm vào khoảng trống hớ hênh kia?

Tất cả, có thể quên theo thời gian, nhưng tôi không bao giờ quên lần gặp duy nhất ấy, ở nơi cầu thang ấy, và những lời nồng ấm ân cần dạy bảo của bà hiệu trưởng.

Thời nào cũng đúng, có thể ở thế hệ sau nữa. Hôm trước, qua bạn bè, tôi được biết bà vẫn khỏe mạnh và tinh tường. Tôi vui và xúc động lắm. Vì lúc nào tôi cũng nhớ về ngôi trường cũ với biết bao kỷ niệm khó quên với thầy cô, bạn bè, và cả bà hiệu trưởng kính yêu nữa…

Mọi bài viết tham dự cuộc thi Việt Nam thân thương xin gửi về địa chỉ email: Vietnamthanthuong.firstnews@gmail.com

Xin trân trọng cảm ơn!



 
Trương Thị Ngọc Yến