(Dân trí) - Là một trong "Bát danh hương" của Quảng Bình, bên cạnh những nét văn hóa đặc trưng, xã Cảnh Dương còn lưu giữ 2 bộ xương cá voi khổng lồ và hàng chục ngôi mộ cá được đặt tên hết sức độc đáo.
Làng Cảnh Dương, nay là xã Cảnh Dương, thuộc huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Vùng đất này là một bán đảo có sông, có biển, người xưa hình dung Cảnh Dương như một con thuyền đang bồng bềnh trên sóng nước và là một trong "Bát danh hương" - tức 8 làng cổ có danh tiếng lâu đời của vùng đất Quảng Bình.
Theo sử sách, Cảnh Dương được thành lập năm Quý Mùi (1634), đến nay đã gần 400 năm. Những bậc cao niên kể rằng, người dân của làng có nguồn gốc từ Nghệ An, Thanh Hóa, di cư vào đây và bao đời nay gắn liền với nghề đi biển.
Cảnh Dương là vùng đất còn lưu giữ nhiều di tích, chứng tích có lịch sử hàng trăm năm. Nổi bật là Đình Thờ Tổ - nơi thờ các bậc thành hoàng đã có công khai khẩn vùng đất này. Dù đã trải qua nhiều lần trùng tu, nhưng đình làng còn giữ được một số hiện vật quý như chuông cổ "Cảnh viện hồng chung", đúc vào đời vua Cảnh Thịnh năm 1801.
Bên cạnh đó còn có tấm bia đá khắc tên các vị khoa bảng của làng, minh chứng Cảnh Dương xưa là một ngôi làng có truyền thống hiếu học, khoa cử. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Cảnh Dương là "làng chiến đấu kiểu mẫu"; trong kháng chiến chống Mỹ, Cảnh Dương là đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Ông Đồng Vinh Quang, Chủ tịch xã Cảnh Dương, cho biết, dân số toàn xã hiện nay khoảng 9.600 người. Người dân chủ yếu mưu sinh bằng nghề biển với 650 tàu cá, trong đó 170 tàu chuyên đánh bắt xa bờ.
Cũng theo ông Quang, Cảnh Dương còn được biết đến là làng biển có nhiều nét văn hóa đặc trưng. Nhiều người vẫn gọi Cảnh Dương là "làng cá voi", bởi tục thờ cá voi độc đáo. Vùng đất này có hẳn một nghĩa trang cá voi nằm bên bờ biển, hướng ra khơi với hơn 20 mộ cá, được người dân chăm sóc chu đáo.
"Với người dân theo nghề biển, cá voi là loài động vật linh thiêng, được ngư dân tôn kính gọi là "Ngài", "thần Nam Hải". Mỗi dịp đầu năm, địa phương tổ chức lễ hội cầu ngư, bày tỏ lòng biết ơn với thần biển, cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa", ông Quang nói.
Với quan niệm, cá voi chết dạt vào bờ (ngư dân gọi lụy) là điềm lành, bởi vậy mỗi khi có cá voi lụy vào, dân làng Cảnh Dương đều làm đám tang và cúng giỗ hàng năm. Tại xã Cảnh Dương, đã có hàng chục cá voi chết dạt vào bờ, được người dân chôn cất chu đáo, đến nay đã có riêng một nghĩa địa dành cho loài cá được tôn thờ này.
Nghĩa địa cá voi làng Cảnh Dương được xây dựng khang trang, ngay cạnh bờ biển. Đây là một vị trí vừa sạch đẹp, thoáng đãng, vừa thuận tiện cho việc tiếp đón, mai táng và triển khai các nghi lễ theo phong tục của địa phương.
Đến nay, nghĩa địa có 24 ngôi mộ, trong đó có 18 ngôi mộ đã được xây hoàn thiện, lập bia. Điều đặc biệt, mỗi ngôi mộ cá voi ở Cảnh Dương đều được khắc một cái tên riêng biệt như: Công tước Nam Dương, Chàng Lang Quân, Thái Quân…
Bà Nguyễn Thị Mai (SN 1963) là người gắn liền với những ngôi mộ cá, lo hương khói, quét dọn tại khu lăng mộ đặc biệt này hơn 20 năm qua. Từ ông cha, bà Mai được nghe không ít chuyện kì diệu về biển khơi, nghe truyền thuyết về "cá Ông, cá Bà". Bà Mai cũng chính là người đặt tên cho các ngôi mộ cá voi.
Theo bà Mai, mỗi lần có cá voi dạt vào, sau khi dân làng đưa cá về khu mộ, bà sẽ đích thân nấu nước hoa (nước nấu từ nhiều loại hoa tự nhiên) và tắm cho cá thật sạch sẽ rồi mới làm lễ. Lúc chờ hạ táng, dân làng biển sẽ tổ chức hát chèo cạn, sau đó chọn ra 6 người trai tráng, khỏe mạnh hạ táng.
"Sau khi hạ táng cho "các Ngài", khoảng 6-7 năm sau thì sẽ bốc mộ và lập bia đá, khi đó đích thân tôi sẽ đặt tên cho từng ngôi mộ. Người dân trong làng sẽ cho khắc tên lên bia đá để tưởng nhớ về "cá Ngài", bà Mai kể lại.
Không chỉ bà Mai, đối với người dân làng biển Cảnh Dương, họ tôn thờ loài cá voi và đối xử rất mực cung kính, chu đáo, gọi cá voi là "đức Ông, đức Bà" cùng niềm tin ăn sâu trong tiềm thức và gắn bó máu thịt, truyền từ đời này sang đời khác.
Nhắc về tục thờ cá voi của ngư dân xã Cảnh Dương là nói về Ngư Linh Miếu. Ngôi miếu này được xây dựng bên bờ biển, nơi tổ chức lễ hội cầu ngư, cầu mùa và phát động ra quân khai thác hải sản hàng năm.
Đặc biệt, Ngư Linh Miếu là nơi bảo quản, giữ gìn 2 bộ xương cá voi khổng lồ. Các cá thể cá voi này chết và dạt vào bờ biển Cảnh Dương hàng trăm năm trước. Hai bộ xương cá này được cho là lớn nhất còn lưu giữ ở Việt Nam, với chiều dài gần 28m.
Theo người dân Cảnh Dương, mỗi lần giông gió, khác với các loài cá hung dữ, cá voi thường dùng tấm thân rộng lớn của mình để nâng những con thuyền sắp đắm hoặc những người bị nạn vào bờ.
Vì vậy mà cá voi đực được dân làng biển gọi là "cá Ông", cá voi cái được gọi là "cá Bà". Theo gia phả của một dòng họ lớn ở Cảnh Dương, 2 bộ xương cá voi khổng lồ này xuất hiện từ đời vua Gia Long (1809) và vua Duy Tân (1907).
Khi cá voi dạt vào, người dân tại Cảnh Dương tổ chức đón linh đình, sau đó xây miếu thờ, nay gọi là Ngư Linh Miếu. Hai bộ xương cá voi được coi là vật thiêng của làng từ đó đến nay.
Hai bộ xương cá voi cỡ lớn tại Ngư Linh Miếu của xã Cảnh Dương được đặt trên 2 sạp gỗ lớn, chính giữa có điện thờ. Trên sạp gỗ có nhiều xương sườn, xương đốt sống, xương ống, xương hình cánh quạt; đáng chú ý, có 4 thanh xương hình cánh cung, đặt dựng vào tường, cao hơn 4m.
"Từ lúc tôi sinh ra đã có 2 bộ xương cá voi này rồi. Dân làng biển chúng tôi tín ngưỡng và có niềm tin rất lớn vào "thần cá". Cũng bởi vậy thờ phụng cá voi luôn được coi trọng, gìn giữ từ đời này qua đời khác", cụ Cao Quý Mâu, 94 tuổi, trú tại xã Cảnh Dương, chia sẻ.
Ông Hồ Quang Hường, Phó Chủ tịch Hội ngư dân xã Cảnh Dương (người quản lý Ngư Linh Miếu), cho biết, 2 bộ xương cá voi được người dân làng biển bảo quản cẩn thận. Tuy nhiên, trải qua thời gian, ảnh hưởng bởi chiến tranh và nhiều lần bị mất trộm, một số bộ phận của xương cá không còn.
"Chúng tôi xem Ngư Linh Miếu là linh hồn của người dân xứ biển. Chúng tôi thờ "đức Ông, đức Bà" với mong muốn mưa thuận, gió hòa, đánh bắt luôn an toàn và thuận lợi. Đây cũng là nét tín ngưỡng, văn hóa đặc trưng của người dân làng biển", ông Hường cho hay.
Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của 2 bộ xương cá voi, hiện nay xã Cảnh Dương đã lập kế hoạch đầu tư, trùng tu lại Ngư Linh Miếu. Đồng thời nghiên cứu phương án để tái hiện 2 bộ xương thành khung xương hoàn chỉnh như cơ thể ban đầu.
Trong "Bát danh hương Quảng Bình", Cảnh Dương là làng biển duy nhất. Thời chiến tranh, với khẩu hiệu "rào làng chiến đấu", Cảnh Dương là làng biển hiếm hoi được 2 lần phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Ngày nay, đến Cảnh Dương, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng khung cảnh làng biển với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, mà còn được trải nghiệm những giá trị văn hóa, lịch sử.
Từ năm 2018, bằng các nguồn xã hội hóa và đặc biệt có sự hỗ trợ kinh phí từ Sở Du lịch, sự tham mưu chuyên môn của Sở Văn hóa - Thể thao Quảng Bình, dự án Làng Bích họa Cảnh Dương cũng đã được thực hiện.
Làng bích họa Cảnh Dương có hơn 50 bức bích họa 3D sống động, được vẽ trên các tường nhà dân, hàng rào… chạy dài từ Đình Thờ Tổ của xã Cảnh Dương đến gần khu vực làng nghề của xã biển này.