(Dân trí) - Cuối 2013, ông Lương Quốc Phúc bắt tay vào phục chế theo nguyên mẫu tượng thần Shiva 10 tay, một trong những báu vật của điêu khắc Chămpa vốn được đặt tại tháp Bánh Ít, năm 1885 bị đưa về Pháp...
Gần 30 năm trong nghề làm tượng Chămpa giả cổ, ông Lương Quốc Phúc (53 tuổi, ở phường Bình Định, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) hiện là nghệ nhân thuộc "của hiếm" ở Bình Định. Ông Phúc được biết đến là người đầu tiên tạo thành công bộ ngẫu tượng Linga -Yoni đặt tại Tháp Đôi (TP Quy Nhơn) và phục chế tượng thần Shiva 10 tay tại đền chính cụm tháp Bánh Ít (huyện Tuy Phước). Bởi vậy, nhiều người trong giới chơi cổ vật khắp cả nước xưng danh ông là "người tái tạo thời gian" hay "tên trộm cổ vật".
Nghệ nhân Lương Quốc Phúc sinh ra và lớn lên trên vùng đất từng là kinh đô của Vương quốc Chămpa xưa - nơi vẫn còn hiện diện của một số công trình kiến trúc của người Chăm.
Theo ông Phúc, vốn người anh trai quá cố của ông từng làm nghề đúc tượng Chăm nên ông đã được tiếp xúc, chiêm ngưỡng những tượng Phật Chăm từ thuở nhỏ. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, thi đại học không đỗ, ông lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Năm 1991, xong nghĩa vụ quân sự, ông về quê và theo học nghề của nghệ nhân Sáu Bê - người ví như "ông tổ" khai sinh nghề làm tượng Chăm giả cổ thời bấy giờ ở An Nhơn.
"Trước anh tôi cũng làm nghề này, sau khi anh không may qua đời, tôi tiếp tục nối nghề. Thời gian theo thầy Sáu Bê học nghề, ngoài học hỏi những kỹ thuật, tôi phải trang bị cho mình vốn kiến thức về văn hóa Chăm. Tôi tìm đến nhiều di tích tháp Chăm trong và ngoài tỉnh để ngắm nhìn thật kỹ từng đường nét, họa tiết hoa văn trên mỗi bức tượng. Những hình ảnh về những bức tượng Chăm cổ đã ăn vào máu tôi, đến nỗi giờ nhắm mắt lại cũng hình dung ra", ông Phúc chia sẻ.
Điều đặc biệt, những tác phẩm tượng Chăm giả cổ của nghệ nhân Lương Quốc Phúc giống tượng thật đến khó tin, khiến nhiều lần ông bị nghi trộm cổ vật.
Ông Phúc nhớ lại: "Các cơ quan điều tra đã nhiều lần về địa phương mời tôi lên làm việc, xác minh nghi vấn tôi trộm cổ vật. Tôi bất đắc dĩ phải dùng xăng để tẩy, xóa lớp "màu thời gian" để chứng minh tượng được chế tác với kỹ thuật giả cổ thì họ mới tin".
Ông Phúc chia sẻ thêm, có lần xe chở tượng đi giao hàng cho khách, khi đến tỉnh Quảng Ngãi thì bị công an dừng kiểm tra, do nghi tượng cổ nên tạm giữ xe để điều tra. Sau đó, công an tỉnh này cử nhiều người đến nhà ông để xác minh, điều tra mất nhiều ngày liền, khi xác định là tượng giả cổ mới để xe đi.
Theo nghệ nhân Phúc, để làm tượng giả cổ, ngoài độ tinh xảo trong kỹ nghệ đúc tượng, vật liệu đá làm tượng chỉ dùng sa thạch có nhiều ở vùng Non Nước (Đà Nẵng), thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam).
Sẽ không nói quá khi ví nghệ nhân Lương Quốc Phúc là "tên trộm cổ vật", nếu được tận mắt chứng kiến những tác phẩm, bởi đôi bàn tay tài hoa của ông. Xem tượng của nghệ nhân Phúc làm, đến những người trong nghề đôi khi còn bị nhầm lẫn, nói gì đến "tay ngang".
Đến nay, ông đã đúc chẳng biết bao nhiêu bức tượng Chăm giả cổ. Tuy nhiên, tác phẩm để đời của ông phải kể đến bộ ngẫu tượng Linga - Yoni đặt tại Tháp Đôi (TP Quy Nhơn). Đặc biệt là đơn đặt hàng của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định (nay là Sở Văn hóa - Thể thao) yêu cầu ông phục chế tượng thần Shiva 10 tay - tác phẩm hiện đang đặt tại tháp Chính của cụm tháp Bánh Ít (ở huyện Tuy Phước, Bình Định).
Tượng thần Shiva 10 tay là một trong những "báu vật" của nghệ thuật Việt Nam - điêu khắc Chămpa thế kỷ V-XV được đặt tại tháp Bánh Ít, năm 1885 bị đưa về Pháp, hiện đang được trưng bày tại bảo tàng ở Pháp.
Ông Phúc chia sẻ rằng, việc làm tượng thần Shiva 10 tay này là một vinh dự rất lớn nhưng cũng là áp lực và trọng trách đối với ông. Bởi, việc thực hiện bức tượng này nhưng ông chỉ được nhìn qua bức ảnh chính diện và các thông số về kích thước, chiều cao, bề dày tượng.
"Thường những đơn hàng quan trọng, người nghệ nhân thường phải làm nháp để sai sót còn điều chỉnh. Vì từng nhát đục phải chuẩn xác đến từng chi tiết nhỏ, nếu sai sót phải làm lại từ đầu. Nhưng riêng bức tượng này, có lẽ vì quá tập trung hết tâm trí để làm một bức tượng để đời nên gần đến ngày nghiệm thu tượng tôi mới sực nhớ mình quên làm nháp", ông Phúc bộc bạch.
Ông Phúc cho rằng, khó khăn nhất khi làm tượng thần Shiva 10 tay thì phía các tay trái tượng bị gãy, vỡ 4 tay và một phần bên mũi bị vỡ do bom đạn chiến tranh. "Những vết vỡ do bom đạn là tự nhiên, khác xa với bàn tay mình tự đục phá. Riêng phần vỡ ở mũi tôi không dám đụng vào, vì nếu sai một li coi như bỏ luôn bức tượng", ông Phúc nói.
Đến ngày nghiệm thu, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Định lúc bấy giờ là ông Văn Trọng Hùng khi thẩm định phải thốt lên: "Bức tượng rất đẹp và có thần! Đây không chỉ là tác phẩm điêu khắc của một nghệ nhân lành nghề, đây còn là kết tinh vẻ đẹp, sáng tạo của một tâm hồn nghệ sĩ thực thụ".
Ông Phúc thổ lộ: "Chỉ nhìn qua ảnh chụp thôi mà tượng thần Shiva đã đẹp và sống động đến vậy thì nếu được chiêm ngưỡng tận mắt tượng thật bên ngoài thì chẳng có lời nào để diễn tả. Vậy nên, khi bắt tay vào làm bức tượng này tôi luôn day dứt. Lúc đó tôi chỉ nghĩ sẽ đem hết tình yêu, tâm trí để làm sao làm một bức tượng giống đến mức có thể, như làm một điều gì đó ý nghĩa cho quê hương"
Hiện ngoài làm tượng Chăm giả cổ, ông cũng là người thực hiện nhiều tác phẩm nghệ thuật được đặt ở dọc bờ biển tỉnh Phú Yên, làm tượng tái hiện chân dung các quan, tướng…
Nội dung: Doãn Công
Thiết kế: Thủy Tiên