Bình Định kiến nghị Trung ương hỗ trợ 344 tỷ đồng tu bổ di sản quốc gia
(Dân trí) - Tỉnh Bình Định đề nghị Trung ương cấp kinh phí khoảng 344 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo di sản văn hóa cấp quốc gia đặc biệt tháp Chăm Dương Long và các tháp Bánh Ít, Thủ Thiện, Phú Lốc…
Ngày 9/10, UBND tỉnh Bình Định có văn bản đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính hỗ trợ kinh phí 344 tỷ đồng để thực hiện quy hoạch, bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa cấp quốc gia đặc biệt và cấp quốc gia có giá trị tiêu biểu giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15/7 vừa qua.
Cụ thể, dự kiến kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng cảnh quan, tu bổ, tôn tạo di tích tháp Chăm Dương Long (ở huyện Tây Sơn) là 65 tỷ đồng. Tháp Dương Long được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 12, đầu thế kỷ 13 và được Henri Parmentier (nhà khảo cổ học người Pháp) đánh giá là một công trình kiến trúc - điêu khắc Chăm Pa hoành tráng và lộng lẫy ở vùng Đông Nam Á. Năm 2015, quần thể tháp Dương Long đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Kinh phí trưng bày nội thất, hiện vật Bảo tàng tỉnh Bình Định dự kiến 80 tỷ đồng. Hiện tỉnh Bình Định có chủ trương đầu tư xây dựng mới Bảo tàng Bình Định tại Khu vực Quảng trường Nguyễn Tất Thành (phía sau tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành, ở TP Quy Nhơn).
Quy hoạch, đầu tư xây dựng Trung tâm võ thuật cổ truyền Bình Định (ở TP Quy Nhơn) dự kiến kinh phí khoảng 60 tỷ đồng. Năm 2012, Bộ VH, TT&DL ghi danh Võ cổ truyền Bình Định là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện UBND tỉnh Bình Định đã giao Sở VH-TT tỉnh này phối hợp Cục Di sản Văn hóa và các ngành liên quan xây dựng hồ sơ khoa học để trình UNESCO công nhận Võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể thế giới.
Đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật cảnh quan, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích cụm tháp Bánh Ít (huyện Tuy Phước) cần 25 tỷ đồng. Đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật cảnh quan, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tháp Thủ Thiện (huyện Tây Sơn) dự kiến 15 tỷ đồng. Đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật cảnh quan, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tháp Phú Lốc (thị xã An Nhơn) dự kiến 20 tỷ đồng.
Quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật cảnh quan, tu bổ và tôn tạo Khu di tích mộ danh nhân nghệ thuật tuồng Đào Tấn (huyện Tuy Phước) dự kiến 12 tỷ đồng.
Quy hoạch, đầu tư xây dựng, tu bổ và tôn tạo Khu di tích Thành Hoàng Đế - giai đoạn 2 ở thị xã An Nhơn (xây dựng khu Đền thờ Thái Đức Nguyễn Nhạc) dự kiến kinh phí 40 tỷ đồng và một số di tích khác.
Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Bình Định, trên địa bàn tỉnh này hiện có 133 di tích được xếp hạng, gồm 2 di tích quốc gia đặc biệt, 34 di tích quốc gia, 97 di tích cấp tỉnh. Tuy nhiên, hầu hết là di tích ngoài trời, trải qua thời gian, cùng với nhiều biến động lịch sử, thiên tai nên nhiều di tích đã xuống cấp.
Hiện tỉnh Bình Định đang tập trung nguồn lực đầu tư vào các công trình cơ sở hạ tầng du lịch, tôn tạo các di tích, lịch sử có trọng điểm nhằm khai thông và phát huy giá trị tiềm năng di sản văn hóa, du lịch các điểm đến, tạo điều kiện cơ sở cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu, đầu tư phát triển du lịch.
Ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng: Mặc dù hệ thống di sản văn hóa, lịch sử, tài nguyên thắng cảnh du lịch của tỉnh này phong phú và đa dạng nhưng đầu tư khai thác, phát triển chưa tương xứng với ý nghĩa lịch sử, tiềm năng. Một trong những khó khăn, hạn chế nêu trên là do hệ thống các công trình di sản văn hóa và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan đi cùng xuống cấp, thiếu nguồn vốn để đầu tư, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản.