PhotoStory

Cận cảnh lễ hạ thủy ghe Ngo của đồng bào Khmer Nam bộ

Thực hiện: Huỳnh Phương

(Dân trí) - Ngoài việc tập bơi, sửa chữa, trang trí, đóng ghe mới các chùa Khmer có đội ghe Ngo tham gia Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ còn tổ chức một nghi lễ rất quan trọng, đó là lễ hạ thủy.

Cận cảnh lễ hạ thủy ghe Ngo của đồng bào Khmer Nam bộ - 1

Nhằm chuẩn bị cho lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ V, khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2022, các đội trên địa bàn tỉnh khẩn trương tập luyện và thực hiện lễ hạ thủy truyền thống, trong đó có đội ghe chùa Phnorroka, ấp Phú Hữu, xã Phú Tâm (trước gọi là Vũng Thơm), huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.

Nghi thức cúng hạ thủy mục đích là khấn nguyện các vị thần bảo hộ ghe Ngo đi theo giúp sức để các đội của chùa giành chiến thắng trong hội đua sắp tới.

Ban Quản trị chùa Phnorroka đã mời các anh em tay bơi, vận động viên ghe Ngo trong xã đến chùa tập luyện. Đội ghe 60 người tập trung tập luyện vào mỗi buổi chiều từ đầu tháng 10. Thường các chùa chọn giờ, ngày lành tháng tốt để tổ chức hạ thủy chiếc ghe Ngo.

Cận cảnh lễ hạ thủy ghe Ngo của đồng bào Khmer Nam bộ - 2

Ngoài công tác chuẩn bị tập luyện bơi, chùa còn đóng ghe Ngo mới và sơn vẽ hoa văn lại trên thân ghe. Linh vật, hoa văn chủ đạo của ghe Phnorroka là bạch hổ, tượng trưng cho sức mạnh, tốc độ trên đường đua.

Cận cảnh lễ hạ thủy ghe Ngo của đồng bào Khmer Nam bộ - 3

Trong cộng đồng người Khmer, ngoài các vị sư thì những người có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa - xã hội chính là các vị Achar - người có uy tín, "đầu tàu" trong khóm ấp, phum sóc về đạo đức, lối sống.

Trong ảnh là cụ Tà Diên - vị Achar cao niên tại chùa Phnorroka đang thực hiện nghi thức thắp nến và cúng ghe. Các vật lễ được bày cúng trên một vị trí cao phía trước mũi ghe Ngo, rồi cùng nhau cúng tế cầu nguyện.

Cận cảnh lễ hạ thủy ghe Ngo của đồng bào Khmer Nam bộ - 4

Ghe Ngo được bảo quản trong nhà ghe khuôn viên chùa. Nhà ghe là nơi thiêng liêng, có mái che mưa nắng, phòng mối mọt.  

Ghe Ngo có hai cây kềm chịu lực, thường là thân cây tràm, giúp cho ghe nhún nhảy và phóng nhanh đồng thời giúp giữ chặt ghe không bị gãy đôi. Mỗi cây có đường kính khoảng 0,2m. Một cây kềm dài suốt lòng ghe, một cây kềm lái (từ giữa thân ghe về phía sau) gọi là cây cần câu. Cây này có độ tuổi nhiều năm và phơi trong nhà từ 1-2 năm cho cây khô thì mới cột làm cần câu ghe. Trên ảnh là động tác cột cây cần câu.

Cận cảnh lễ hạ thủy ghe Ngo của đồng bào Khmer Nam bộ - 5

Trên ghe Ngo có nhiều khoang, mỗi khoang đóng nhiều thanh cây ngang dài 1,2m làm băng ngồi vừa đủ 2 người ngồi bơi thoải mái theo từng cặp song song gồm 24 đôi. Trên ảnh là cả đội đang hợp sức nâng ghe chuẩn bị đưa ra khỏi nhà ghe.

Cận cảnh lễ hạ thủy ghe Ngo của đồng bào Khmer Nam bộ - 6

Mũi ghe được nâng lên di chuyển ra ngoài. Theo truyền thống, chiếc ghe Ngo dài 27m, hình dạng tựa con rắn, thon dài thoai thoải về phía trước, đầu uốn cong và hơi thấp hơn sau lái.

Cận cảnh lễ hạ thủy ghe Ngo của đồng bào Khmer Nam bộ - 7

Trong lúc hạ thủy ghe Ngo thì trời đổ mưa mang lại nhiều cảm xúc cho các tay bơi. Ghe vừa ra đường nhựa thì ngược hướng sông nên cả đội dịch chuyển quay đầu ghe theo đúng hướng tuyến cần hạ thủy.

Trong ảnh là Đại đức Sơn Vũ Bảo - Trụ trì chùa Phnorroka đang điều hướng ghe khi ghe đang xoay ngang đường, phần sau ghe đang nằm trong khuôn viên nhà dân vì ghe Ngo quá dài.

Cận cảnh lễ hạ thủy ghe Ngo của đồng bào Khmer Nam bộ - 8

Cả đội ghe đi bộ dịch chuyển ghe qua các tuyến đường nông thôn, từ chùa ra chi lưu hạ thủy khoảng 3km.

Cận cảnh lễ hạ thủy ghe Ngo của đồng bào Khmer Nam bộ - 9

Bạn Trịnh Thanh Vũ (giữa) và Trương Định (phải) cho biết sau thời gian cố gắng tập luyện trên giàn nước, háo hức khi tham gia hạ thủy ghe, mong đạt thành tích cao trong lễ hội đua ghe Ngo truyền thống năm nay.

Cận cảnh lễ hạ thủy ghe Ngo của đồng bào Khmer Nam bộ - 10

Di chuyển trước đội ghe là các trẻ em dân tộc Khmer, háo hức cười vui cùng nhân vật Chằn và đội trống Sa-dăm.

Cận cảnh lễ hạ thủy ghe Ngo của đồng bào Khmer Nam bộ - 11

Đội ghe bẻ cua trái hướng vào đường nông thôn, di chuyển ra một chi lưu thuộc huyện Châu Thành, qua vài chặng thông với dòng chảy sông lớn Maspesro ở thành phố Sóc Trăng.

Cận cảnh lễ hạ thủy ghe Ngo của đồng bào Khmer Nam bộ - 12

Các thân chuối được tạo thành mảng để dễ dịch chuyển đầu ghe xuống sông.

Cận cảnh lễ hạ thủy ghe Ngo của đồng bào Khmer Nam bộ - 13
Cận cảnh lễ hạ thủy ghe Ngo của đồng bào Khmer Nam bộ - 14
Cận cảnh lễ hạ thủy ghe Ngo của đồng bào Khmer Nam bộ - 15

Ông Cảnh, một người lớn tuổi có uy tín trong phum sóc được chọn ngồi trước mũi ghe thực hiện nghi thức ăn mừng bằng cách đốt pháo phát sáng tự chế khi mũi ghe đã xuống nước.

Cận cảnh lễ hạ thủy ghe Ngo của đồng bào Khmer Nam bộ - 16

Ông Ngô Sang, huấn luyện viên đội ghe thổi còi điều hướng ghe qua một gầm cầu có độ tĩnh không thấp.

Cận cảnh lễ hạ thủy ghe Ngo của đồng bào Khmer Nam bộ - 17

Ở hai bên mũi ghe vẽ tên địa danh khởi nguồn gắn liền với vùng đất Vũng Thơm - Phú Tâm, Châu Thành.

Cận cảnh lễ hạ thủy ghe Ngo của đồng bào Khmer Nam bộ - 18

Đối với đồng bào Khmer, nghi thức hạ thủy ghe Ngo vừa mang tính truyền thống, vừa mang yếu tố tâm linh và là nét văn hóa độc đáo riêng.

Trong ảnh là những nhịp bơi đầu tiên của đội ghe Phnorroka trên chi lưu dòng chảy huyện Châu Thành, ghe sẽ được bơi ra sông Maspero, tập luyện thử trên dòng chảy cùng với các đội ghe khác trước khi bước vào ngày hội đua ghe chính thức được khai mạc vào ngày mai (7/11/2022).