PhotoStory

Rộn ràng Lễ dâng y Kathina của bà con dân tộc Khmer Nam bộ

Thực hiện: Huỳnh Phương

(Dân trí) - Hàng năm, trong khoảng thời gian từ ngày 15/9 đến 15/10 âm lịch, đồng bào dân tộc người Khmer Nam Bộ lại rộn ràng tổ chức Lễ dâng y Kathina hay còn gọi là Lễ dâng bông hoặc Lễ dâng y cà sa tại các ngôi chùa ở địa phương.

Rộn ràng Lễ dâng y Kathina của bà con dân tộc Khmer Nam bộ - 1

Lễ dâng y (còn gọi là lễ Kathina) của đồng bào dân tộc Khmer được tổ chức hàng năm trong vòng một tháng, kể từ tháng 9 đến tháng 10 Âm lịch tại chùa và mỗi chùa chỉ được tổ chức một lần. Với đồng bào dân tộc Khmer, chùa vừa là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, vừa là nơi diễn ra mọi hoạt động văn hóa tinh thần của cộng đồng.

Trong ảnh, lễ dâng y tại chùa Bôtum Vong Sa Som Rong (thường gọi là chùa Som Rong, đường Tôn Đức Thắng, phường 5, TP Sóc Trăng), với điểm nhấn tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn ngoài trời có kích thước dài 63m, cao 22,5m và nặng 490 tấn, một trong những tượng Phật nằm lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Rộn ràng Lễ dâng y Kathina của bà con dân tộc Khmer Nam bộ - 2

Một trong những nét truyền thống, độc đáo tạo bầu sinh khí náo nhiệt trong lễ dâng y là đoàn rước của một số gia đình còn kết hợp các tiết mục múa trống Sa-dăm, múa Chằn, nhảy khỉ ngựa hay múa chúc phúc. Ảnh chụp tại chùa Som Rong.

Rộn ràng Lễ dâng y Kathina của bà con dân tộc Khmer Nam bộ - 3

Các đoàn rước dâng y vào khu vực Sala của chùa Som Rong.

Rộn ràng Lễ dâng y Kathina của bà con dân tộc Khmer Nam bộ - 4

Những cụ cao niên trong họ tộc vinh dự là đại diện cho chùa khi đón và tiếp các phật tử, du khách đến cúng, cầu nguyện. Ảnh chụp tại chùa Som Rong.

Rộn ràng Lễ dâng y Kathina của bà con dân tộc Khmer Nam bộ - 5

Chùa Som Rong, nơi du lịch tâm linh nổi tiếng ở Sóc Trăng tổ chức Lễ dâng y với quy mô lớn. Tùy thuộc vào đời sống kinh tế của phật tử trong từng địa phương mà quy mô tổ chức lễ Kathina cũng khác nhau, các vật phẩm dâng y đa dạng từ áo cà sa (vật phẩm trang trọng và chính) cho đến thuốc men, nệm, gối, các loại trái cây như dừa, chuối...

Rộn ràng Lễ dâng y Kathina của bà con dân tộc Khmer Nam bộ - 6

Thượng tọa Lý Minh Đức, trụ trì chùa Som Rong (ngồi cuối hàng sư bên trái) cùng các sư trong lúc làm lễ dâng y tại chánh điện chùa trong không khí trang nghiêm và nhiều sắc màu. Các nhà sư cùng Phật tử đọc kinh và cầu mong an lành cho con cháu.

Rộn ràng Lễ dâng y Kathina của bà con dân tộc Khmer Nam bộ - 7

Những thiếu nữ Khmer xúng xính trong trang phục truyền thống bê những bó hoa, cây lá vàng tập trung tại chùa Chrôi Tưm Chắs (còn gọi chùa Trà Tim cũ, phường 10, TP Sóc Trăng) để chuẩn bị đón các đoàn đến dâng y.

Rộn ràng Lễ dâng y Kathina của bà con dân tộc Khmer Nam bộ - 8

Những bó dâng bông được xếp ngay ngắn một góc khu vực chùa Trà Tim cũ.

Rộn ràng Lễ dâng y Kathina của bà con dân tộc Khmer Nam bộ - 9

Sơn Hỷ (phải) cùng bạn rạng rỡ trong trang phục truyền thống đứng trước khu vực cổng chùa Trà Tim cũ đợi các đoàn đến dâng y.

Rộn ràng Lễ dâng y Kathina của bà con dân tộc Khmer Nam bộ - 10

Sư Quang Trường tại chùa Trà Tim cũ đang chỉnh sửa trang phục cho thanh niên hóa trang thành nhân vật Chằn trong lễ dâng y. Chằn hiện diện ở chùa với ý nghĩa đã cải tà quy chánh, nhắc nhở tín đồ luôn làm điều phước thiện.

Rộn ràng Lễ dâng y Kathina của bà con dân tộc Khmer Nam bộ - 11

Đoàn dâng y đang trên đường đến chùa Chăm Pa (Phú Tân, Châu Thành, Sóc Trăng), một trong những ngôi chùa ở huyện Châu Thành cũng tổ chức dâng y với quy mô lớn. Khi đến chùa, họ đi vòng quanh chánh điện ba vòng, chứng minh cho lòng thành của họ trước khi dâng bông, áo cà sa lên nhà sư. 

Rộn ràng Lễ dâng y Kathina của bà con dân tộc Khmer Nam bộ - 12

Trong lúc làm lễ dâng y, thì đội múa trống Sa-dăm rộn ràng bên ngoài chánh điện chùa Chăm Pa, thu hút đông đảo người dân, trẻ em chung vui, cổ cũ.

Rộn ràng Lễ dâng y Kathina của bà con dân tộc Khmer Nam bộ - 13

Lễ dâng y là nghi lễ mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer, bên cạnh ý nghĩa thể hiện thiện tâm của phật tử đối với việc hộ trì tăng đoàn, còn có ý nghĩa cầu cho phum, sóc yên ấm, gia đình bình an, cầu mưa thuận gió hòa, tạo không khí vui tươi cho phật tử, cho bà con trong phum, sóc.

Bên cạnh đó, giúp con người sống gần gũi và thân thiện, đoàn kết, sống có trách nhiệm và luôn thương yêu đùm bọc lẫn nhau, góp phần bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tăng cường sự đoàn kết giữa chư tăng, phật tử.