Những người mẹ đội đèn, địu con đi học chữ

Đặng Dương

(Dân trí) - "Chúng tôi tự tin khi bản thân có thể biết đọc, biết viết tên mình khi đi làm giấy tờ, không cần điểm chỉ tay như trước", một nữ học viên chia sẻ sau khi học lớp xóa mù chữ ban đêm.

Chị Phàng Thị Sua năm nay đã ngoài 50 tuổi và là mẹ của 5 người con. Trước đây, mỗi lần tới UBND xã làm hồ sơ hay ký tá giấy tờ cho con, chị đều phải điểm chỉ tay do chị không biết chữ.

Được sự vận động của chính quyền địa phương, chị Sua đã mạnh dạn đăng ký tham gia lớp xóa mù chữ tại xã Quảng Sơn (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông).

Những người mẹ đội đèn, địu con đi học chữ - 1

Nhiều phụ nữ người dân tộc thiểu số ở Đắk Nông tham gia lớp xóa mù chữ (Ảnh: Đặng Dương).

Theo chị Sua, việc cầm bút khó khăn hơn nhiều so với cầm cuốc làm rẫy hay thêu thùa, nhuộm vải. Tuy nhiên, vì hành trình tìm con chữ nên chị đã cố gắng hết mình.

Đều đặn 6 tháng liền, ban ngày chị Sua lên rẫy, chiều về lo cơm nước cho gia đình, khi trời nhá nhem tối, chị Sua mới đội đèn đến lớp học chữ.

Người mẹ 5 con này phấn khởi cho biết, sau nhiều tháng đến lớp, chị đã được ban tổ chức lớp học cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình xóa mù chữ cấp độ 1.

"Ngày trước, tôi không biết chữ, không thể tự đi làm giấy khai sinh cho con, những lúc con ốm phải đi bệnh viện cũng rất khó khăn vì không biết đọc", chị Sua cho hay.

Những người mẹ đội đèn, địu con đi học chữ - 2

Dù điều kiện học tập khó khăn, thế nhưng các học viên đều nỗ lực trong quá trình đến lớp (Ảnh: Đặng Dương).

Các lớp học xóa mù chữ vẫn đang được xã Quảng Sơn duy trì. Toàn xã có 155 học viên theo học, chia làm 4 lớp, mở tại các thôn Đắk Snao 1 và Đắk Snao 2.

Đa phần học viên theo học lớp xóa mù chữ là phụ nữ người Mông, Hoa, Dao, Tày, Nùng, có độ tuổi 15- 57 tuổi… Trong số này, có người chưa một lần đi học hoặc đã từng được đi học nhưng sau nhiều năm chỉ làm nương rẫy đã quên mặt chữ.

Những người mẹ đội đèn, địu con đi học chữ - 3

Có trường hợp, học viên địu cả con nhỏ đến lớp học (Ảnh: Đặng Dương).

Cũng là một trong số hàng trăm phụ nữ xã Nam Xuân (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) tham gia lớp xóa mù chữ, chị Lương Thị Đan đã hoàn thành các khóa học trong chương trình.

Sau 3 năm theo học, không chỉ biết viết, biết đọc, chị Đan còn sử dụng thành thạo điện thoại di động để tra cứu những thông tin bổ ích, áp dụng vào việc sản xuất của gia đình.

Chị Đan cho biết: "Được sự động viên của người thân, tôi đi học xóa mù chữ khi đã hơn 40 tuổi. Đến nay, tôi đã đọc và viết thành thạo nên mỗi khi có công việc ở xã hoặc huyện, tôi đều tự đi làm mà không phải nhờ các con đưa đi như trước đây nữa".

Được biết, các lớp học xóa mù chữ được triển khai theo Dự án 5 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Quá trình thực hiện, các lớp xóa mù chữ đã góp phần nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho phụ nữ, giúp các học viên thuận lợi trong việc nuôi dạy con cái, tích cực tham gia các hoạt động và phong trào phụ nữ tại địa phương.

 Đến nay, toàn tỉnh Đắk Nông có 7/8 huyện, thành phố đạt chuẩn mức độ 2 và 1 huyện đạt chuẩn mức độ 1 về phổ cập xóa mù chữ. Toàn tỉnh còn 13.072 người mù chữ ở độ tuổi 15-60 tuổi, giảm 2021 người so với năm 2021, riêng đồng bào dân tộc thiểu số còn 7.021, giảm 198 người so với năm 2021.

Mới đây, tại buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông, bà Hà Thị Hạnh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Nông, biểu dương kết quả mà ngành giáo dục đạt được trong triển khai công tác xóa mù chữ.

Bà Hà Thị Hạnh đề nghị ngành giáo dục tiếp tục phối hợp với các đơn vị và địa phương, triển khai đa dạng, phong phú các hình thức tuyên truyền để nâng cao hơn nữa nhận thức đồng thời huy động được các nguồn lực trong xã hội để thực hiện công tác xóa mù chữ.