Hàng nghìn tỷ con ve sầu dần chui lên khỏi lòng đất, kêu to như tiếng còi
(Dân trí) - Một số bang ở Mỹ xuất hiện cảnh những con ve sầu chui lên từ lòng đất khi nhiệt độ ấm dần. Trong khi đó, người dân ở quận Newberry, South Carolina than phiền về tiếng ve kêu to như tiếng còi.
Theo dự đoán của các chuyên gia, sẽ không còn lâu nữa người dân ở một số bang nước Mỹ sẽ chứng kiến cảnh tượng cực hiếm. Ước tính hàng nghìn tỷ con ve sầu thuộc 2 loài khác nhau sẽ đồng loạt chui lên khỏi lòng đất.
Đó là thời điểm loài ve sầu 17 năm mới xuất hiện một lần (nhóm Brood XIII) và loài ve sầu 13 năm mới xuất hiện một lần (nhóm Brood XIX), đồng loạt chui lên. Điều này sẽ không xảy ra cho tới năm 2245. Sự xuất hiện hiếm hoi của loài côn trùng này khiến nhiều chuyên gia gọi đó là "ve sầu ngày tận thế".
Tiến sĩ Jonathan Larson, nhà côn trùng học đồng thời là trợ lý giáo sư tại Đại học Kentucky, cho biết: "Rất hiếm khi chúng ta thấy sự xuất hiện của 2 loại ve sầu với quy mô như vậy. Chúng ta đang nói về một sự kỳ lạ tuyệt đối của tự nhiên, một trong những loài côn trùng thú vị nhất nước Mỹ."
Theo thông tin từ kênh CBS của Mỹ, nhóm ve sầu chu kỳ 13 năm sẽ tập trung ở khu vực đông nam nước Mỹ gồm các bang như Kentucky, Missouri, Arkansas, Tennessee, Mississippi, Alabama, Georgia, South Carolina, North Carolina và Virginia. Trong khi nhóm ve sầu chu kỳ 17 năm lại phân bố ở vùng trung tây, chủ yếu gồm những bang như Illinois và Iowa.
Vài ngày qua, người dân ở một số bang cho biết, họ nhìn thấy hàng nghìn con ve sầu bay trong không trung với tiếng kêu rất đặc trưng. Đó là thời điểm những khu vực này ấm dần, nhiệt độ khoảng hơn 17 độ C.
"Những bang ấm hơn sẽ ghi nhận ve sầu chui từ lòng đất lên sớm hơn. Sự kiện này bắt đầu từ cuối tháng 4 năm nay, nhưng chủ yếu rơi vào tháng 5 hoặc tháng 6", chuyên gia Ken Johnson, nhà giáo dục trồng trọt ở Đại học Illinois, nói.
Vị chuyên gia này phân tích, 2 nhóm ve sầu này dành phần lớn thời gian cuộc đời sống dưới lòng đất. Ở cuối chu kỳ 13 năm hay 17 năm chúng lại chui lên trên mặt đất. Từ đó, chúng tiếp tục vòng đời của mình như bay lên cây, lột xác, giao phối và chết. Những ấu trùng mới rơi xuống, tự vùi mình dưới lòng đất và chờ đợi lần xuất hiện tiếp theo.
Tại một số bang phía nam cũng ghi nhận sự xuất hiện của ve sầu. Anh Marie Gruss Sherr sống tại North Carolina cho biết đã dành nhiều thời gian quan sát loài côn trùng này. Phần lớn chúng sẽ đậu trên cây. Đôi khi chúng bị nhầm là châu chấu. Lúc này, chúng nhận dưỡng chất từ các cành cây nhỏ. Mặc dù vậy, hầu hết các cây đều không bị ảnh hưởng.
Trong khi đó tại bang Georgia, người dân cũng phàn nàn với cảnh sát về âm thanh râm ran do đàn ve sầu phát ra.
Thông thường, con đực sẽ kêu rất to để thu hút bạn tình. Con cái lại vỗ cánh để biểu hiện chúng sẵn sàng giao phối, Thậm chí, đàn ve sầu kêu to tới mức người dân tại quận Newberry, South Carolina so sánh với âm thanh của tiếng còi.
Đối phó với hàng nghìn tỷ con ve sầu ra sao?
Tiến sĩ Jonathan Larson lưu ý, khi hai nhóm ve sầu định kỳ này cùng xuất hiện, nhiều khả năng chúng sống ở khu vực rừng cây gần nguồn nước. Khi đó, người dân phải chấp nhận sống chung với tiếng ồn.
"Dù ve sầu có số lượng khổng lồ với âm thanh chói tai đặc trưng khiến nhiều người khó chịu, nhưng thực ra chúng không phải là loài gây nguy hiểm cho cây trồng. Nếu nhà nào có cây non, ve sầu có thể tiếp cận để nhận dưỡng chất rồi đẻ trứng. Cách giảm thiểu tác hại là che cây bằng lưới chống ve sầu", Tiến sĩ Larson nói.
Tương tự, một chuyên gia côn trùng học người Mỹ cũng giải tỏa lo lắng của người dân và cho biết "loài ve sầu không cắn đốt vật nuôi hay con người". Thậm chí một số nơi trên thế giới còn coi ve sầu trở thành món ăn đặc sản.
Sau khi chui ra khỏi lòng đất, tuổi thọ của loài này khá ngắn. Chúng bắt đầu giao phối sau 5 ngày. Con cái đẻ trứng trên cây bằng cách phun ra từ 10-20 quả trứng vào cành cây. Mỗi mùa, một con cái có thể đẻ tổng cộng 500-600 quả trứng.
Sau khi giao phối, ve sầu cái và đực không tồn tại lâu. Chúng chỉ tồn tại trên mặt đất khoảng một tháng là chết.