'Vừa nắn vừa buông' khi trẻ nói bậy

Trẻ em nhanh bắt chước nhưng cũng mau quên, mau từ bỏ một thói quen xấu nào đó nếu đứa trẻ nhận thức được là không nên tiếp tục nói hay làm điều ấy nữa.

Bắt đầu năm học mới được vài ngày, bé nhà tôi bắt chước bạn bè nói bậy rất nhiều. Ban đầu, vợ chồng tôi khuyên nhủ, con chỉ vâng dạ, hứa sẽ không nói như vậy nữa, nhưng rồi được 2-3 ngày, mọi chuyện lại lặp lại. Đáng lo hơn là đứa thứ 2, đang tuổi tập nói đã bắt chước theo những gì chị nói nên vợ chồng tôi phải nghĩ cách “chỉnh” ngay.

Đầu tiên, chúng tôi nhỏ nhẹ phân tích cho con nghe là nói như thế rất hư, các cô giáo và bạn bè tốt sẽ không còn yêu bé nữa. Những đứa trẻ ngoan được nhiều người yêu mến là những đứa trẻ không nói hư như vậy.

'Vừa nắn vừa buông' khi trẻ nói bậy - 1

 

Chúng tôi thực hiện nhiều biện pháp, “vừa nắn vừa buông” để bé hiểu và không dám nói bậy nữa. Ảnh minh họa: Internet

Tiếp theo, chúng tôi tăng cường đọc các câu chuyện phù hợp với lứa tuổi cho con nghe. Thông qua câu chuyện, chúng tôi sẽ khen những đứa trẻ nói năng lễ phép, biết nói lời hay và chê những trẻ nói năng hỗn xược, nói bậy với mọi người.

Song song với việc đọc truyện, vợ chồng cho con xem phim thiếu nhi để bé thấy hậu quả mà các bé chưa ngoan phải nhận. Biết con sợ cô giáo chủ nhiệm nên chúng tôi cảnh cáo nếu bé tiếp tục nói bậy, bố mẹ sẽ báo cho cô giáo.

Cùng lúc, chúng tôi thực hiện nhiều biện pháp, “vừa nắn vừa buông” nên bé đã hiểu, sợ và không dám nói bậy nữa; thậm chí nếu đứa con thứ 2 chợt nhớ từ tục tĩu gì đó và nói, bé liền nhắc em không được nói vậy.

Theo Nguyễn Văn Nam (Bình Định)
Báo Phụ nữ Việt Nam

 

'Vừa nắn vừa buông' khi trẻ nói bậy - 2