Vợ rút 500 nghìn mua quần áo mới cho con, chồng chì chiết vì tiêu hoang
Chồng tôi tằn tiện đến mức cực đoan. Vợ rút 500 nghìn đồng mua quần áo đồng phục cho con cũng bị anh chì chiết nặng nề.
Tôi làm công nhân nhà máy in. Chồng làm công nhân công ty bánh kẹo. Thu nhập cũng đủ sống, nuôi 2 đứa con ăn học.
Ảnh: B.N |
Tôi nghĩ, mình làm ra tiền cũng là để nuôi con, cho các con có cuộc sống thoải mái nên không bao giờ tính toán. Các con thích gì tôi cũng chiều, miễn là trong khả năng kinh tế.
Tuy vậy, chồng tôi lại là người keo kiệt, tằn tiện đến mức cực đoan. Các con quá 1 tuổi, anh cắt hết các khoản sữa và đồ ăn vặt. Quần áo của các con, anh chỉ cho mua một lần duy nhất vào dịp Tết. Nhiều năm anh còn đi xin về để đỡ tốn tiền.
Bữa cơm chỉ có rau và 1 đĩa thức ăn mặn. Anh mua 3 lạng thịt, chia đều cho 4 người.
Thi thoảng, con đòi ăn bim bim hay sữa chua, anh không cho. Theo anh, những đồ ăn vặt đó có hại cho sức khỏe. Tôi biết, thực ra chồng tiếc tiền là chính.
Hôm nào anh đi vắng, tôi ở nhà mua cho con bằng tiền riêng của mình, cũng bị anh chì chiết không ngớt.
Chồng quy định, lương của tôi lo tiền điện, nước và đóng tiền học cho con. Lương anh mua thức ăn hàng ngày.
Anh tính mỗi tháng gia đình dùng hết 1 chai dầu ăn, 1 chai mắm, 2 gói gia vị, 1 gói đường. Khi nào hết, phải đợi đến tháng sau mua.
Tôi nghĩ, nếu kể câu chuyện này ra, mọi người sẽ bất ngờ. Bởi thời nay, cuộc sống dù vất vả cũng không đến nỗi phải tính toán như vậy.
Nhiều lần vợ chồng tôi mâu thuẫn, cãi cọ cũng vì chuyện “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” của chồng.
Bố mẹ vợ lên chơi 10 ngày. Ba hôm đầu anh mua đồ ăn tiếp đón tử tế. Thế nhưng, sang ngày thứ 4, anh đi chợ hay mua bán gì đều bảo ông bà đưa tiền.
Bố mẹ tôi biết tính con rể, chẳng trách giận gì. Ông bà chỉ thở dài, thương con gái.
Ba tháng trước, nhà máy tôi làm giải thể. Trong lúc chờ xin công việc mới, tôi nghỉ ở nhà. Thời gian này tôi không làm ra tiền. Mọi chi tiêu đều phụ thuộc vào lương của chồng.
Khi mới lấy nhau, tôi có lập một thẻ ATM. Mỗi tháng chúng tôi trích vào đó một ít tiền tiết kiệm.
Tài khoản này đứng tên tôi nhưng tin nhắn thông báo giao dịch lại gửi về điện thoại chồng. Anh đòi làm như thế để hai vợ chồng cùng được quản lý tài khoản. Hiện số tiền cũng được vài chục triệu.
Hai vợ chồng tôi thống nhất, khi nào rút tiền trong tài khoản ra tiêu, phải bàn bạc với nhau.
Vừa rồi, hai con vào năm học mới. Lương chồng chưa có, nhà trường lại yêu cầu nộp 500 nghìn đóng tiền may đồng phục cho con.
Tôi gọi cho chồng. Anh bận hay để máy điện thoại ở đâu nên không biết vợ gọi. Tôi nghĩ có 500 nghìn đồng, chẳng đáng là bao nên ra cây ATM rút.
Chẳng ngờ, 30 phút sau, chồng tôi nhắn tin mạt sát vợ vì tiêu hoang. Anh nói tôi tự tiện rút tiền mà không hỏi, bảo tôi ăn bám còn hoang phí.
Tôi giải thích, số tiền đó đóng tiền đồng phục cho con. Chồng tôi không tin còn đổ cho tôi dấm dúi để gửi về cho nhà ngoại.
“Cô lúc nào cũng lý do. Tháng trước bố mẹ cô lên chơi, tôi mua bán ăn uống, thâm hụt mất 700 nghìn đồng. Tháng này, cô tự ý rút 500 nghìn đồng. Tháng sau, cô nhịn ăn mà bù vào”, chồng giận dữ nói.
Những lời chồng nói như vết dao, cứa vào tâm can tôi. Tôi cũng đi làm, gánh vác kinh tế gia đình cùng anh. Chỉ 3 tháng nay là tôi chịu cảnh thất nghiệp.
Vậy mà anh nói như thể tôi ăn bám từ ngày lấy nhau. Tôi nghĩ, việc tằn tiện chi tiêu là đúng nhưng kiểu keo kiệt, bủn xỉn như anh ấy là cách sống tiêu cực.
Với đồng nghiệp, chồng tôi lại là người hào phóng. Vốn bản tính sĩ diện, anh sẵn sàng móc ví, trả tiền cho bữa nhậu hay mua tặng bạn cái áo không chút đắn đo... Tôi nhiều lần khuyên anh bớt tính đó lại, để tiền nuôi con.
Chồng nổi cáu, trách tôi là đàn bà ở xó bếp, không biết gì. Theo anh nói, đó là việc ngoại giao bên ngoài của đàn ông, phục vụ cho làm ăn.
Tôi không hiểu sao ngày xưa lại đồng ý lấy người đàn ông như vậy. Tôi thu dọn quần áo, đưa 2 con sang nhà chị gái ở. Chồng tôi nhắn: “Cô tự ý đi thì tự về, không có chuyện tôi sang đón đâu”.
Tin nhắn của chồng khiến tôi càng chán nản, nghĩ đến hôn nhân mà ứa nước mắt. Chẳng nhẽ tôi lại ly hôn…
Xin hãy cho tôi lời khuyên!