Vợ "dở chứng" đòi giữ tay hòm chìa khóa

(Dân trí) - Không hiểu vợ tôi nghe ai xúi giục, từ tết tới giờ tự nhiên dở chứng đòi “giữ tay hòm chìa khóa”.

Vợ dở chứng đòi giữ tay hòm chìa khóa - 1

Vợ chồng tôi cưới nhau đã ba năm, có một cô con gái nhỏ. Trong nhà, mọi chuyện phần lớn đều do tôi quyết định, vợ tôi chỉ việc làm theo. Nhà có “đầu tàu” nên ít khi cãi lộn hay mâu thuẫn như những đôi vợ chồng trẻ thông thường. Vì vậy, vợ tôi trong mắt tôi và gia đình chồng được gọi là “ngoan”.

Từ ngày cưới nhau về, vợ chồng tôi đã thống nhất về vấn đề kinh tế trong nhà. Tiền lương của vợ tôi đủ để chi tiêu sinh hoạt. Tôi sẽ lo tiền thuê nhà, điện nước và các khoản đối nội đối ngoại. Nếu tháng nào cô ấy cần thêm tiền thì bảo với tôi, tôi sẽ đưa thêm. Chúng tôi cần tiết kiệm để mua nhà và chuẩn bị cho tương lai.

Ba năm qua chúng tôi sống như thế, rất yên ổn. Số tiền tiết kiệm được cũng kha khá, dự định chỉ ít năm nữa thôi sẽ không sống cảnh ở trọ nữa. Nhưng không hiểu vợ tôi nghe ai xúi giục, từ tết tới giờ tự nhiên dở chứng đòi “giữ tay hòm chìa khóa”.

Ban đầu là cô ấy xa gần kể chồng chị nọ cô kia đi làm bao nhiêu tiền đều đem hết cho vợ giữ, vợ thích mua sắm tiêu pha gì không quan tâm. Sau rồi cô ấy nói cảm thấy không thoải mái khi cần mua sắm gì cũng phải ngửa tay xin chồng khi số lương của mình chi tiêu không đủ. Cuối cùng thì cô ấy khóc lóc, khó chịu nói tôi là đàn ông mà keo kiệt cả với vợ, tính toán từng đồng, lúc nào cũng chỉ coi tiền là thứ quan trọng nhất. Cô ấy nói chẳng có bà vợ nào như cô ấy, chỉ biết lo từng bữa ăn, nhà mình có bao nhiêu tiền cũng không biết, hệt như kẻ giúp việc trong nhà. Cô ấy muốn tôi trao quyền “tay hòm chìa khóa” cho cô ấy.

Tôi dĩ nhiên không bao giờ đồng ý như vậy. Vì sao? Vì tôi kiếm được nhiều tiền hơn vợ. Tôi không thể để cô ấy toàn quyền sử dụng mồ hôi nước mắt của mình mà mình không kiểm soát được. Tôi cũng không tiết lộ số tiền lương của tôi, sợ cô ấy biết tôi lương cao nên tiêu xài hoang phí.

Và vì tôi biết, vợ tôi không tiết kiệm được bằng tôi. Cô ấy giỏi mua sắm, và thường mua những thứ vượt hơn nhu cầu. Nhiều lần tôi phải phê bình thói quen tiêu pha không cân đong của cô ấy bằng cách nếu vợ thiếu tiền tôi sẽ cho vay và cô ấy phải trả ngay khi nhận lương. Cô ấy nói sẽ rút kinh nghiệm nhưng sợi dây kinh nghiệm xem ra quá dài rút mãi không hết.

Tôi nói với vợ: “Em đừng nghĩ được cầm tiền là sướng. Có tiền trong tay nhưng không tiêu pha là cả một sự cố gắng của bản thân. Mấy năm qua gia đình mình như thế em không thấy ổn à? Em chỉ việc lo những khoản chi tiêu nhỏ nhặt trong nhà, những việc lớn anh sẽ tính toán lo toan. Nếu số lương em không đủ chi tiêu, cần mua thêm gì, em cứ liệt kê danh mục ra, nếu hợp lý, anh sẽ duyệt chi cho em. Đơn giản, gọn gàng, không lằng nhằng lắm chuyện”.

Nhưng vợ tôi không chịu, cô ấy đình công bấy lâu nay để đòi quyền giữ tiền. Nhân đợt con không đến lớp vì dịch corona, cô ấy cũng xin nghỉ luôn một tháng không lương với lý do “ở nhà trông con” nhưng hai mẹ con lại dắt nhau về ngoại chơi bỏ mặc tôi một mình không đếm xỉa.

Chồng nhà người ta thì tiêu hoang phá phách, có đồng nào phá đồng ấy, còn tôi thì ăn không dám ăn, mặc không dám mặc để tiết kiệm lo cho gia đình. Vậy mà vợ tôi không hiểu, không thương chồng, còn sinh chuyện này nọ. Tôi thật sự thất vọng về vợ, không biết phải làm sao cho cô ấy hiểu chuyện hơn.

Vương

Mời bạn tham gia bình luận gỡ rối cho các bài viết trong chuyên mục "Chuyện của tôi" bằng cách nhập "Nội dung bình luận" phía cuối bài và ấn nút "Gửi bình luận". Các bình luận thú vị, phù hợp sẽ được chọn đăng trên chuyên mục Tình yêu - Giới tính. Trân trọng!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm