Viện cớ bận để "trốn Tết" nhà chồng, tôi bất ngờ bị mất số tiền lớn

Giang Bùi

(Dân trí) - Thấy tôi không muốn về quê ăn Tết, chồng tôi tỏ ra bực bội. Thậm chí, anh còn không định sang nhà biếu Tết bố mẹ tôi.

Tôi lớn lên ở Hà Nội, trong gia đình nhỏ gọn, hiện đại. Tết với tôi từ bé vốn đơn giản: Dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị một mâm cơm vừa phải và tận hưởng những ngày nghỉ dài hiếm hoi bên gia đình. Nhưng từ khi đi làm dâu, đặc biệt là trong năm đầu tiên đón Tết ở nhà chồng, mọi thứ là cú sốc lớn đối với tôi.

Nhà chồng tôi ở quê, nơi Tết không chỉ là ngày lễ, mà còn là cả một sự kiện lớn với hàng loạt phong tục cầu kỳ. Tôi vẫn nhớ rõ lần đầu tiên, khi mẹ chồng dõng dạc tuyên bố: "Năm nay nhà mình vẫn gói 50 chiếc bánh chưng như mọi năm nhé".

Nghe đến con số 50, tôi tái mặt. Ở nhà, bố mẹ tôi thường mua vài chiếc bánh chưng ở cửa hàng, vừa tiện, vừa đỡ mất công.

Viện cớ bận để trốn Tết nhà chồng, tôi bất ngờ bị mất số tiền lớn - 1

Nhớ đến năm ngoái về quê ăn Tết ở nhà chồng, tôi không khỏi sợ hãi (Ảnh minh họa: soompi).

Ngay từ sáng sớm, mẹ chồng đã kéo tôi ra sân, chất đầy nào lá dong, nào gạo nếp, nào thịt lợn và cả bó lạt dài. Tôi vụng về gói thử nhưng lại bị nhắc nhở:
"Con gói thế này không đẹp, làm sao đem biếu được?".

Cả nhà ngồi quây quần bên nồi bánh sôi sùng sục. Trong lúc mọi người vui vẻ trò chuyện, tôi chỉ thấy khói bếp cay xè mắt và lưng đau nhức vì phải ngồi lâu. Đến khi nồi bánh cuối cùng hoàn thành, trời đã gần sáng, tôi mệt đến mức chỉ muốn ngủ một mạch qua Tết.

Sáng hôm sau, chưa kịp nghỉ ngơi, tôi lại bị đánh thức bởi tiếng lợn kêu inh ỏi. Mẹ chồng bảo: "Hôm nay mổ lợn tiếp, con ra giúp một tay nhé".

Cảnh tượng con lợn hơn 100kg bị kéo ra giữa sân, tiếng cười nói rôm rả của họ hàng và cả sự háo hức của mọi người khiến tôi không nói nên lời. Tôi cố gắng giữ bình tĩnh, nhưng trong lòng chỉ muốn bỏ chạy.

Chưa dừng lại ở đó, tôi còn phải tham gia làm giò chả, thái thịt, gói giò và cả vặt lông gà. Lúc này, tôi nhận ra Tết ở nhà chồng không phải là thời gian nghỉ ngơi, mà là một chuỗi công việc không hồi kết.

Đến ngày 30 Tết, mọi chuyện càng căng thẳng hơn. Tôi phải tham gia chuẩn bị mâm cỗ tất niên với đầy đủ món ăn truyền thống, từ canh măng, nem rán đến thịt đông. Cả ngày chạy đi chạy lại, tôi kiệt sức nhưng vẫn phải gượng cười trước mặt họ hàng.

3 ngày Tết, ngày nào nhà chồng tôi cũng có khách đến ăn uống. Uống rượu, cỗ bàn từ sớm đến khuya. Tôi dọn dẹp, nấu nướng đến chóng mặt.

Tôi đã cố góp ý với chồng nên giản lược bớt các phong tục, nhưng anh chỉ nói: "Đây là truyền thống nhà anh, em làm dâu thì phải quen dần".

Lời nói của anh như giọt nước tràn ly. Cả năm, tôi đã vất vả với công việc, chỉ mong Tết là dịp nghỉ ngơi. Nhưng thay vì nhận được sự chia sẻ, tôi lại cảm thấy cô đơn và lạc lõng hơn bao giờ hết.

Nhớ lại Tết năm ngoái, năm nay, tôi chỉ muốn viện cớ công việc và sức khỏe kém để được ở lại Hà Nội. Chồng tôi rất bực mình vì thái độ của tôi. Anh đã không đưa tôi tiền thưởng Tết của anh, trong khi tiền thưởng của anh năm nay là 60 triệu đồng. Anh cũng không mang quà biếu Tết bố mẹ tôi.

Đến bây giờ, tôi vẫn không biết mình đã làm gì sai? Tết có nhất thiết phải phức tạp như thế không?

Góc "Chuyện của tôi" ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: dantri@dantri.com.vn. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.