Vì sao phải "ăn" Tết?

(Dân trí) - Tỗi vẫn luôn thắc mắc Tiếng Việt phong phú sao không gọi là chơi Tết, hưởng Tết, ngắm Tết mà lại là ăn Tết.

Vì sao phải ăn Tết? - 1

Phải chăng quan điểm từ bao đời nay đã ngấm vào máu thịt chúng ta để mỗi khi năm mới đến lại bày ra đủ việc đa số phục vụ công cuộc ăn uống?

Tôi lớn lên ở thành phố. Ở nhà tôi, bố mẹ thường về quê 30 và mồng 1 để đi tảo mộ và làm cơm cúng tổ tiên. Hồi bé anh em tôi còn theo bố mẹ về quê hai ngày đó. Từ khi lên cấp 3 thì chúng tôi lười hẳn, muốn ở thành phố để cùng bạn bè đi ngắm pháo hoa. Vì vậy tôi dần xa rời những nghi thức ngày Tết.

Đến khi lấy chồng, là người sinh ra từ một làng quê miền Trung, tôi có đôi chút sốc văn hoá khi chứng kiến gia đình chồng ăn Tết rất cầu kỳ.

Vài năm đầu làm dâu, quả thật tôi chán ngấy việc về quê ăn Tết. Nhà chồng tôi đông anh em, lại rất trọng truyền thống nên lễ Tết ai cũng cố gắng trở về tụ họp gia đình.

Nhà đông con cháu lại đặt nặng chuyện ăn uống nên sáng ra đã phải nấu nồi cháo gà to tướng cho cả nhà lót dạ. Nửa buổi lại đi vắt bánh bột lọc cho các cháu ăn vặt. Trưa sẽ phải bày ra mâm cơm rượu thịt ê hề. Chiều làm cỗ cúng gia tiên. Tối lại bày vài món nướng nhắm rượu.

Ba ngày Tết cứ quần quật hết nấu ăn lại chúc cụng rồi rửa bát, dọn bếp, tôi đâm sợ Tết. Tối đến khi lên giường đi ngủ tôi lại cằn nhằn bên tai chồng sao mẹ anh bày lắm món thế, sao cái gì cũng phải tự làm, giờ người ta bán đầy ngoài chợ. Chồng tôi đáp "Như thế mới ra ngày Tết" khiến tôi đã bực còn cáu hơn.

Vài cái Tết cứ thế trôi đi, cho đến một năm sát Tết mẹ chồng tôi chẳng may phải nhập viện chữa bệnh tim tái phát. Cái Tết năm đó cả nhà tôi buồn xo. Con cái thay nhau vào thăm bà. Ở nhà chỉ làm qua quýt ít món thắp hương.

Ai cũng thấy thiếu, thấy nhớ những cái Tết bận rộn ngày xưa. Kể cả tôi cũng phần nào nhớ không khí Tết ấy. Tôi dần hiểu ra vì sao bố mẹ chồng tôi muốn bày biện ra nhiều dịp "ăn" Tết đến vậy. Điều họ muốn gửi gắm là không khí ngày Tết, là truyền thống, tình cảm gia đình.

Bố mẹ mổ cả con lợn hoặc con bò để thơm thảo chia cho hàng xóm, họ hàng mỗi nhà một phần. Bánh chưng phải tự tay gói để người lớn vừa ngồi làm bánh vừa nhắc chuyện xưa, lũ trẻ thì chạy lăng xăng xung quanh xin chút lá, chút nếp thừa làm những chiếc bánh con con.

Bày ra bữa nhậu đêm với mùi thịt nướng và hương rượu quê nồng nàn, để mời gọi các thành viên trong gia đình ngồi lại với nhau nhâm nhi ly rượu, mở lòng tâm sự, nói ra cho hiểu lòng nhau, nói ra để hóa giải những xích mích trong một năm cũ.

Mâm cỗ ngày Tết không chỉ để ăn mà quan trọng nhất là để dâng lên tổ tiên, tỏ lòng thành kính. Nên mẹ chồng tôi muốn chuẩn bị những thứ ngon lành nhất. Mỗi người đều góp một tay vào làm, như thế mới ra mâm cỗ đủ đầy, chứa đựng thành tâm của tất cả con cháu.

Cúng tất niên đêm giao thừa, khi thức ăn, hoa, trái đã được bày biện đẹp mắt trên bàn thờ, bố mẹ chồng tôi sẽ gọi toàn bộ con trai con gái dâu rể cháu chắt ra thắp hương. Mấy nhóc tì dù là những đứa trẻ ngỗ nghịch, hiếu động nhất cũng đứng trang nghiêm, lễ phép trước bàn thờ tổ tiên.

Khoảnh khắc đó có lẽ là thiêng liêng nhất năm, khi người già, người trẻ cùng hướng về cội nguồn, cầu chúc một năm mới an khang.

May