Vì sao có lừa dối trong hôn nhân?
Khảo sát xã hội học cho thấy nguyên nhân lớn nhất của ly hôn là sự thiếu trung thực và không có lòng tin ở nhau.
Sự lừa dối trong tình yêu hoặc tình dục dễ ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân. Ngược lại, những người xây dựng cuộc hôn nhân mỹ mãn sẽ hiểu được nguồn gốc của lừa dối và nhờ đó họ tránh được.
Sau đây là những nguyên nhân dễ đẩy người trong cuộc vào sự lừa dối, hãy lưu ý để vượt qua những cám dỗ và xây dựng hôn nhân hạnh phúc.
Thiếu quan tâm
Khi một cặp đôi không còn quá mặn mà quan tâm nhau, họ thường nghĩ rằng đối phương sẽ chẳng để tâm đến mình dù mình làm gì đi nữa.
Không để ý, không nghi ngờ và đó là “kẽ hở” cũng như lý do để lừa dối xuất hiện. Nam giới thì có thể lừa dối vì tham lam hay ham vui. Còn nữ giới họ sẽ dễ bị “sa ngã” hơn khi bị bỏ mặc quá lâu trong cô đơn, không có người chia sẻ.
Để tránh sự lừa dối, cả vợ và chồng phải học cách hâm nóng tình cảm thường xuyên.
Quên mất hậu quả
Bị lừa dối bởi một người mà mình luôn tin tưởng liệu có dễ dàng để chấp nhận? Người mà bạn yêu thương, quan tâm bỗng dưng lừa dối bạn và khiến cho cuộc sống gia đình đi vào vực thẳm. Không một ai muốn điều đó xảy ra cả, kể cả bạn. Hậu quả của hành động đó rất khó lường và chúng ta không thể biết được nó bi kịch như thế nào cho đến khi hối hận thì đã muộn. Phải nghĩ kỹ đến hậu quả để tự ngăn chặn mình có hành vi sai trái.
Không có thời gian cho nhau
Cuộc sống bận rộn là lý do mà nhiều cặp đôi viện ra để bào chữa cho việc không có thời gian dành cho nhau.
Tất nhiên nhà cửa, con cái, công việc và cả thú vui cá nhân… luôn vây lấy chúng ta. Tuy nhiên thời gian cho vợ chồng cũng là một “công việc” rất quan trọng mà bạn phải ưu tiên. Phải chấp nhận san sẻ thời gian giữa các đề mục việc trong ngày nhưng thời gian cho nhau cần được xếp ở nhóm ưu tiên. Vợ chồng hạnh phúc thì con cái và công việc mới tốt được, bạn có thấy vậy không?
Một cặp vợ chồng chỉ có thể hạnh phúc khi họ dành thời gian cho nhau, cùng nhau chia sẽ và giải quyết khó khăn.
Ám ảnh tiền sử lừa dối
Việc gia đình người kia từng có cha/mẹ, anh chị em lục đục vì lừa dối có thể khiến người còn lại bị ảnh hưởng vê tâm lý và có nguy cơ tác động lên hành vi.
Việc này cần có suy nghĩ khách quan và tách bạch. Chuyện những người trong gia đình “có vấn đề” không có nghĩa là vợ/chồng mình cũng như vậy. Thậm chí, nhiều trường hợp vì chứng kiến gia đình bất ổn họ càng biết trân trọng và giữ gìn hơn.
Có cơ hội
Thực tế từ chối cám dỗ là một việc rất khó khăn. Không chỉ với nam giới mà cả nữ giới cũng dễ xiêu lòng trước một đối tượng mới mẻ, ngọt ngào. Nếu cộng thêm thuận lợi về điều kiện không gian (làm cùng công ty), thời gian (khi vợ/chồng xa nhà)… thì chuyện rắc rối có thể nảy sinh ngay.
Để đối phó với điều này không gì khác hơn là tự giới hạn và từ chối ngay hoàn cảnh có thể dẫn tới việc lung lay tinh thần.
Một khi một trong hai người biết được đối phương đã có điều gian dối, đó sẽ là vết thương không bao giờ lành được. Nếu muốn giữ gìn gia đình, đừng bao giờ để xảy ra điều này.
Khi đánh đổi theo cách dối lừa nhau, cái mà chúng ta có sau đó thường đều không xứng đáng.
Theo Minh Trần
Pháp luật TPHCM