Tôi tức giận vì chị cả được thừa kế nhiều nhất, bất mãn lý do bố mẹ đưa ra

PV

(Dân trí) - Gia đình tôi có 4 anh chị em. Thay vì chia tài sản thừa kế thành 4 phần bằng nhau, bố mẹ đã cho chị cả nhiều hơn với lý do khiến tôi cảm thấy không thể chấp nhận.

Tôi 31 tuổi, sinh ra trong gia đình có 4 anh chị em. Gần đây, bố mẹ gọi chúng tôi về thảo luận quyền thừa kế.

Bố mẹ đã chia tài sản thành 5 phần, trong đó chị cả được hưởng 2/5 phần, 3 anh em còn lại mỗi người nhận 1/5 phần. Lý do bố mẹ đưa ra là chị gái đã "hy sinh" thời thơ ấu giúp bố mẹ chăm sóc gia đình.

Bố mẹ giải thích đó là thời kỳ khó khăn. Họ đã phải làm nhiều công việc để nuôi sống cả gia đình. Chị gái đã thay bố mẹ chăm sóc các em trai.

Tôi cho rằng, bố mẹ để lại 2/5 tài sản thừa kế cho chị gái là "không hợp lý", rồi tức giận rời đi. Bố mẹ bày tỏ sự thất vọng, khuyên tôi nên suy ngẫm về bản thân. 

Tôi tức giận vì chị cả được thừa kế nhiều nhất, bất mãn lý do bố mẹ đưa ra - 1

Tôi tức giận vì chị gái được thừa kế nhiều hơn mình (Ảnh minh họa: iStock).

Trước tình huống trên, chuyên gia về các mối quan hệ Rhian Kivits nhận định, nếu phân chia tài sản thừa kế không công bằng có thể gây ra nhiều đau khổ và oán giận trong gia đình.

"Có vẻ như bố mẹ trong câu chuyện này cảm thấy tội lỗi với con gái vì những năm tháng tuổi thơ cơ cực. Nhưng kế hoạch của họ dường như đã khiến những người con khác trong gia đình cảm thấy ít được tôn trọng", Rhian Kivits nói.

Theo chuyên gia, dù bố mẹ đang cố gắng bù đắp cho sai lầm trong quá khứ bằng cách để lại nhiều tài sản hơn cho con gái, họ thực sự đang khiến cô cảm thấy áp lực.

"Để con gái thừa kế nhiều tài sản hơn, bố mẹ đang tiếp tục đặt gánh nặng cho cô ấy trong cuộc sống trưởng thành, đi kèm rất nhiều sự oán giận và cảm giác tồi tệ giữa các anh chị em. Điều này có khả năng tạo ra khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình khi bố mẹ qua đời", chuyên gia cho hay.

Với những lập luận xung quanh thừa kế và tiền bạc, Kivits cho rằng, giao tiếp là chìa khóa của sự việc trước khi quá muộn.

Các thành viên trong gia đình nên tổ chức các cuộc họp tiếp theo, lắng nghe ý kiến và bàn luận để đưa ra kết quả tốt nhất. Điều này sẽ giúp người chị gái bớt gánh nặng thừa kế, cũng như các em không còn cảm giác bất công. 

"Khi nghe quan điểm của các con, cha mẹ có thể đi đến một quyết định công bằng hơn", Kivits nói.

Tuệ Đan