Tôi muốn được tiếp tục nuôi con chồng

Chia sẻ tình huống của mình đến mục Tâm tình, người phụ nữ cho biết chị là công nhân ở Khu công nghiệp Thạch Bàn (Gia Lâm, Hà Nội), chị xin được tư vấn pháp luật về vụ tranh chấp nuôi con riêng của chồng.

Bốn năm trước, khi chồng chị và vợ cũ chia tay vì lý do người vợ cũ ngoại tình, con gái chung của 2 người khi đó 6 tuổi được tòa án giao cho ở với chồng chị. Khi về “nâng khăn sửa túi”, chị lãnh trách nhiệm nuôi dạy con gái riêng của chồng, cháu cũng thương quý chị và tự nguyện gọi chị là mẹ.

Cuộc sống của vợ chồng chị tuy vất vả nhưng đầm ấm, người ngoài không ai biết có chuyện mẹ kế, con chồng. Đùng một cái, vợ cũ của chồng chị quay về đòi nuôi con gái nhưng vì cháu không chịu nên chị ta khởi kiện ra tòa án đòi thay đổi người nuôi con.

Người phụ nữ thành thật giãi bày: “Thú thật là nếu không phải nuôi con riêng của chồng, tôi cũng đỡ vất vả một phần, nhưng nếu để cháu về ở với mẹ đẻ, tôi thực sự không yên tâm. Vì mẹ cháu hiện đã có gia đình mới, và điều đáng ngại là người mới của mẹ cháu không được đàng hoàng, đáng tin nên gia đình chồng tôi rất lo ngại nếu để cháu ở cùng mẹ và cha dượng sẽ bị ảnh hưởng không tốt. Chưa kể, cháu đã quen ở với bố và ông bà nội từ bé; hơn nữa, cháu là con gái nên ở với mẹ kế dù sao cũng vẫn còn tốt hơn là phải ở cùng cha dượng…” - chị bày tỏ nỗi lo lắng.

Chị băn khoăn không biết trong vụ án tranh chấp quyền nuôi con giữa chồng chị và người vợ cũ, chị có quyền được giữ con riêng của chồng ở lại với vợ chồng mình hay không?

Câu chuyện của chị khiến chúng tôi rất xúc động. Dù chị chưa nói rõ nhưng chúng tôi hiểu, trong lòng chị đang muốn giữ cháu bé ở lại với vợ chồng mình. Chúng tôi cũng phần nào hiểu được vì sao trong cuộc ly hôn 4 năm trước, tòa án lại quyết định giao cháu bé cho chồng chị nuôi dưỡng chứ không phải là mẹ đẻ của cháu như lẽ thường đối với những bé gái dưới 9 tuổi.

Nghĩa là vào thời điểm đó, chính Hội đồng xét xử đã cân nhắc kỹ lưỡng và nhận thấy cháu bé ở với cha tốt hơn nên mới quyết định giao bé cho cha cháu nuôi. Thực tế cũng đã chứng minh điều đó, cháu đã có một cuộc sống tốt đẹp nhất trong điều kiện có thể bên cha và ông bà nội. Và như chị nói, cháu cũng đã chấp nhận người sẽ thay thế mẹ đẻ của mình bằng việc tự nguyện gọi chị là mẹ.

Trong vụ án giành quyền nuôi con giữa chồng chị với người vợ cũ sắp tới đây, chị không phải là đương sự nên không được giành quyền nuôi cháu bé. Tuy vậy, chị vẫn có quyền xin bày tỏ quan điểm trước tòa về việc muốn cháu bé tiếp tục sống với vợ chồng mình.

Chị và gia đình chồng cũng cần phân tích cho cháu hiểu và động viên cháu trình bày rõ ràng quan điểm với tòa án về việc có nguyện vọng được tiếp tục ở với cha. Điều quan trọng nhất là tình yêu thương của chị dành cho cháu, để bù đắp cho cháu những mất mát thiệt thòi khi phải thiếu đi sự chăm sóc, dạy dỗ của mẹ từ tấm bé.

Dẫu sẽ là vất vả hơn cho chị nhưng chắc chắn điều đó sẽ khiến tình cảm vợ chồng chị càng mặn nồng hơn bởi ngoài tình yêu, anh ấy còn dành cho chị lòng biết ơn vì chị đã hết lòng yêu thương con riêng của anh ấy.

Tất nhiên, tòa án mới là người có quyền quyết định sẽ giao cháu bé cho ai nuôi, trên cơ sở xem xét quyền lợi mọi mặt của cháu bé và có xét đến nguyện vọng bé muốn ở với ai. Chắc chắn rằng tình cảm chân thành của chị sẽ thuyết phục được Hội đồng xét xử, mong muốn tiếp tục được nuôi dưỡng con của vợ chồng chị sẽ được Tòa án chấp nhận.

Theo Bảo Trâm
Báo Pháp luật Việt Nam