Tình yêu lớn giữa cha và con gái

Vì sao mối quan hệ giữa bố và con gái lại được các nhà tâm lý học cho rằng nó rất "đặc biệt"? Tại sao bố và con gái có vẻ "thân nhau" hơn, trong khi các bà mẹ có vẻ "thiên vị" các cậu con trai?

Người cha tượng trưng cho “luật pháp”

 

So với người mẹ, vai trò của người cha thể hiện muộn hơn, bởi ba năm đầu tiên của cuộc đời đứa trẻ phụ thuộc nhiều vào người mẹ. Nhưng không vì thế mà mối quan hệ cha – con gái ít sâu sắc hơn.

 

Khi hỏi những cô gái đã trưởng thành xem cô ấy nhớ nhất những kỷ niệm nào về người cha, thông thường thì đó là hình ảnh cha dạy mình đi xe đạp, cha cho con ngồi lên vai để ông đưa cô đi qua quãng đường lầy lội, cha trèo lên cây lấy cho cánh diều, cha cho con những bài học về khám phá tự nhiên xung quanh...

 

Đặc biệt, hình ảnh cha ngồi nói chuyện với bạn trai của con gái, làm anh ấy vui vẻ hay sau đó anh ấy sợ khiếp vía không dám đến nhà nữa sẽ là kỷ niệm khó quên của con gái.

 

Trong gia đình, nếu mẹ là tượng trưng cho tình yêu thì cha tượng trưng cho “pháp luật”. Không có tình yêu thì cuộc sống tẻ nhạt nhưng không có “pháp luật”, cuộc sống sẽ... lộn xộn.

 

Một cô gái đã nói về người cha thế này: “Mẹ đi bên cạnh cho ta sự ấm áp, tin cậy. Cha đi trước chìa bàn tay vẫy vẫy, giúp ta tiến lên. Mẹ là người bạn, cha là người thầy”. Phân biệt “tình yêu” và “pháp luật” như trên không có nghĩa là người cha không yêu thương con hay người mẹ không có sự nghiêm khắc. Nhưng trong gia đình nào mà người cha giàu “nữ tính”, người mẹ lại đóng vai trò “quan toà”, tức là vai trò của cha mẹ bị đảo lộn thì bầu không khí gia đình có cái gì đó... không ổn thoả lắm.

 

Cha là “bản nháp” về đàn ông

 

Nhiều cô gái có quan hệ tốt với những người bạn trai và đàn ông không phải vì các cô ấy đẹp, thông minh, mà chủ yếu họ có được mối quan hệ tốt với người cha và được người cha dìu dắt ngay từ hồi còn nhỏ. Chính cha đã dạy cho con gái hiểu tâm lý đàn ông, rằng họ thích con gái dịu dàng, vì thế cô gái rất được lòng các bạn trai được họ yêu mến và tôn trọng.

 

Đặc biệt những cô gái quý mến cha có xu hướng chọn bạn trai giống với người cha của mình. Dù là óc hài hước, tính chỉn chu, lòng vị tha hay hình dáng bề ngoài thì những cậu con rể thường có ít nhiều bóng dáng ông bố vợ. Không có gì ngạc nhiên bởi người đàn ông đầu tiên mà cô con gái tiếp xúc chính là ông bố. Nếu người yêu không giống bố thì cô con gái cũng lắng nghe những lời nhận xét của bố về những anh con trai mà cô lựa chọn.

 

Hiểu được mối quan hệ giữa con gái và người cha là chìa khoá mở cánh cửa quan hệ tốt với những người đàn ông, bạn sẽ sống mạnh mẽ và tự tin hơn. Người cha không chỉ là người tạo hình hài mà còn cho con gái tinh thần thép để đối diện với những vấn đề trong cuộc sống và tình yêu. Không những vậy, người cha cũng quý cô con gái bởi ông nhìn thấy ở cô con gái hình ảnh ngày xưa của “mẹ nó”.

 

Nếu người mẹ là người được bố yêu thương và cô con gái giống mẹ thì điều nói trên dễ hiểu. Nhưng có những người bố không hài lòng với vợ, nhưng rất quý con gái bởi đó là “hình ảnh ông mong ước về người vợ của mình”.

 

Và là một người bạn lớn

 

Một hôm tôi đi tiễn cô bạn sang Pháp theo chồng. Mẹ cô thì cười nói vui như hội vì bà nghĩ con mình đến chỗ sung sướng. Tôi lặng lẽ ngắm nhìn người bố. Ông trầm tư không nói. Khi cô con gái đã chào cả nhà, vào phòng cách ly trong sân bay rồi, tôi mới thấy những giọt nước mắt lăn trên má ông. Thấy vậy bà vợ bảo: “Cái ông này lạ chưa. Con gái nó sang bên ấy sung sướng. Mà sang năm nó lại về chứ nó đi đâu mất đâu mà ông khóc. Làm thế nó xúi quẩy!”. Ông gượng cười: “Vẫn biết là thế mà sao tôi thấy nhớ nó và hụt hẫng quá. Đời con gái mười hai bến nước, thân gái dặm trường...”.

 

Chị là chị cả trong gia đình, dưới chị còn có ba cậu em trai đã có vợ có con. Vậy mà suốt thời gian bố chị nằm viện, không ngày nào chị không vào thăm bố hai ba lần. Những công việc như lau rửa, thay áo quần, giặt giũ cho bố chị đều làm cả. Mọi người bảo sao không để các anh con trai giúp bố thì tiện hơn.

 

Chị nói các cậu ấy vụng về, có khi làm cho ông không sạch sẽ, mình phải làm lại thì mệt hơn. Chị còn giữ ý rằng: “Mình là con gái, ai lại bắt các cô con dâu phục vụ bố mình. Hẳn không còn ai, trách nhiệm buộc vào các cô các cậu ấy nó lại đi một nhẽ...”. Ôi, tấm lòng người con gái mới ấm áp làm sao. Có ai nhìn thấy cảnh chị dìu bố đi vệ sinh mới thấm thía thế nào là “con gái rượu của bố!”.

 

So với mẹ, cha không có lối diễn đạt “ngọt ngào” để con tiếp thu lời căn dặn mà không phải “cất đi” cái tôi và suy nghĩ của mình. Cha đôi khi là áp đặt, cứng rắn và tỏ rõ lập trường, muốn con gái vào nếp từ những thứ rất nhỏ, vấn đề giờ giấc, quan hệ bạn bè khác giới... Đó là khi con gái thì thầm với mẹ: “Bố dạo này khó tính với con hơn”. Trước lời thắc mắc rằng “bố lạ quá”, “bố không còn chiều con như xưa”, mẹ hãy từng bước giúp con hiểu. Cho con gái thấy bố đã vất vả ở cơ quan thế nào, lo lắng cho gia đình, đón em, sửa chữa đồ đạc, gánh vác cùng mẹ việc nhà, làm đọng lại cho con gái một hình ảnh ông bố chân thực, mẫu mực nhất có thể.

 

Hãy bảo con “đóng vai” một phóng viên ảnh để ghi lại “một ngày của bố”, bố của công việc và bố của gia đình hay bố trong hình ảnh một người vui vẻ, hoạt bát phong độ trong thể thao và các cuộc vui của gia đình. Con gái cũng sẽ nhận ra những giọt mồ hôi, những đêm chong đèn làm việc, những lúc hì hụi sửa cái tủ hay quạt trần, hay cả những lúc vui vẻ của bố bên mẹ con những ngày cuối tuần...

 

Ngày qua ngày, những “sợi yêu thương” rất nhỏ sẽ dệt lên một tình bạn lớn giữa cha và con gái. Tình yêu với cách “biến hoá” bằng những cử chỉ tâm lý, nhẹ nhàng, những lời sẻ chia gần gụi sẽ khiến cha và con gái trở về ngày xưa, về cái thuở “bố là tàu lửa, bố là xe hơi...” dù cô bé ngày nào nay không còn bé.

 

Theo Đinh Đoàn

Gia đình & Xã hội