Tình “ảo” ơi! Mở cửa ra...
Có không tình yêu trên mạng? Bạn có tự tin “tự khai” trên mạng và có chắc nick ảo trung thực 100% với bạn? Liệu bạn có sốc khi người tình “ảo” xuất hiện trước mắt bằng xương bằng thịt?...
Đó là những vấn đề được trao đổi tại một cuộc tọa đàm vừa tổ chức ở Nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM.
Giả giả, thật thật và xạo... vô tư !
“Chúng tôi yêu nhau đã ba năm trên mạng. Anh ấy ở tận ngoài Bắc. Bây giờ không biết làm sao để cha mẹ chấp nhận. Sao người lớn dị ứng với tình trên mạng quá!” - H. (Long Thành, Đồng Nai) kêu cứu. Nhưng đến khi được hỏi “hai bạn đã làm gì chứng minh tình yêu đó là thật”? thì H. lại ấp úng: “Yêu thì muốn cưới thôi chứ chỉ gặp được nhau có hai lần (!?)”.
Trong khi đó với cô N.T.T.H. (43 tuổi, Q.Tân Bình, TPHCM) thì “tình ảo” là một “tai họa” cho gia đình cô. Thấy chồng bỏ hẳn đàn đúm bạn bè, nhậu nhẹt, “suốt ngày gõ gõ, chơi với cái máy”, cô vừa mừng vừa yên tâm.
Trong một lần tình cờ thực hành bài tập “xóa mù tin học” cho cán bộ phụ nữ phường, cô tá hỏa khi mở ra hàng loạt bức thư tình ướt át của “người ấy” gửi cho chồng mình (có nick là traicodon). Tình già rạn nứt dù ông chồng thanh minh đó chỉ là người tình ảo chưa một lần gặp gỡ.
“Khi lên mạng bạn khai thật về mình bao nhiêu phần trăm?”. Câu trả lời là tùy nhưng nói thật thì… không bao giờ. Mới quen thì xạo... 99%, rồi từ từ he hé sau.
“Đừng tin vội, trên mạng mà, cái gì cũng có thể xảy ra. Hoàng tử hào hoa, lời lẽ ngọt ngào trên mạng lại là tay dóc tổ ngoài đời, vừa xấu trai, không nghề nghiệp, vô gia cư, vừa đeo dai như đỉa, khổ lắm tôi mới gỡ ra được. Bây giờ nhắc lại còn nổi gai sống lưng đây”, M. cho biết tai nạn của mình.
Hàng ngàn nickname hấp dẫn mời gọi: traihiphop, gaixitin, anhchanglangtu, boy_saigon, girl_haiphong... không biết đường nào mà lần. Một ông lão 60 cũng có thể trở thành trai 20, con gái thành con trai, thiếu niên “đội” tuổi để gạ gẫm với lời lẽ khủng khiếp của một tay sở khanh.
Mạng có tội hay không?
“Tình yêu phải cần ba yếu tố: đồng cảm, độ dài mối quan hệ và hấp dẫn về giới tính. Hai yếu tố đầu, tình trên Internet có thể có nhưng yếu tố thứ ba chắc chắn phải “người thật việc thật”.
Vấn đề mấu chốt là ở bạn. Bạn có muốn phiêu lưu tình ái trên mạng và có đủ bản lĩnh để nhận định đâu là “tình nhiều khi không mà có” hay là “tình nhiều lúc có như không” hay không?”.
Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn |
Đã từ lâu các nạn nhân bất đắc dĩ của “trò đùa tình” trên mạng đã lên tiếng, nhiều gia đình đổ vỡ vì “tình ảo thành thật”. Nhiều vấn đề đưa ra để suy cho cùng những tác hại, hậu quả tai hại trên là lỗi do ai, ở chỗ nào, tại mấy ông nghiện chat hay tại cái... mạng.
Chị Thanh K. (35 tuổi, Q.Bình Thạnh, TPHCM) tìm đến nhà tư vấn trong trạng thái suy sụp vì phát hiện đã bị chồng... “sỉ nhục trên mạng”. “Ổng nói ổng cô đơn, đồng sàng dị mộng. Ổng khoe ổng có năm căn nhà, tài khoản vài tỉ đồng, con cái đi du học hết, còn vợ là ác phụ “khủng long”, bị bệnh nan y sắp chết... Có lửa mới có khói, chắc ổng cũng chán chê tui lắm rồi nên mới thế...”.
“Internet không có tội, người sử dụng cũng không. Vậy là ai? Người lợi dụng sự tiện lợi của mạng để mưu lợi cho bản thân, gây hại cho người khác cũng đáng lên án. Nhưng cũng phải kể đến những người đã tự nguyện sập bẫy chứ, vì rõ ràng không ai có thể bắt bạn tin hay làm những điều bạn không thích, nhất là trong môi trường gián tiếp như trên mạng, bạn có đủ thời giờ tham khảo ý kiến bạn bè… trước khi quyết định mà” - chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai trong buổi tọa đàm “Tình trên mạng” do Nhà văn hóa Phụ nữ tổ chức đã khẳng định như thế.
Bạn Anh Phước - một công dân mạng - mang đến tọa đàm một câu chuyện tình lãng mạn, thật 100%, bắt đầu từ mạng của mình. “Sinh hoạt chung một diễn đàn nhiều bạn mến nhau là có thật nhưng không phải cuộc tình ảo nào cũng thành một tình yêu đúng nghĩa. Tình trên mạng có thể cũng là tình cảm thật nhưng tình yêu đôi lứa thì phải bước ra ngoài. Nhiều cặp đã thành đôi bước ra từ mạng chứ đâu” - Phước tâm sự.
Theo Thi Ngôn
Tuổi Trẻ