Thà lỡ thì còn hơn lấy chồng quê!

32 tuổi, mọi người bảo tôi không còn trẻ để mà “kén cá chọn canh”, nhưng cứ nghĩ đến cảnh vợ chồng con cái phải chui ra chui vào một căn phòng trọ chật hẹp, ngày lễ ngày tết thì tay xách nách mang, dìu dắt nhau về quê là tôi lại thấy sợ...

Tại sao những cô gái Việt học thức cao lại “lỡ thì”?


  

Tại sao những cô gái Việt học thức cao lại “lỡ thì”?

 

Tôi năm nay 32 tuổi, là một công chức nhà nước, nói chung về công việc thì thế đã là ổn định. Bố mẹ, những người thân của tôi chỉ còn chờ đến ngày tôi thông báo lên xe hoa là mở tiệc ăn mừng thật lớn, vì cả nhà chỉ còn mỗi tôi là chưa yên bề gia thất.

 

Nhưng chờ mãi mà vẫn không thấy tôi nhắc nhở gì đến chuyện chồng con, nên mọi người gọi tôi là gái ế.

 

Cách gọi ấy lúc đầu cũng khiến tôi chạnh lòng, nhưng nghe mãi rồi cũng quen. Hơn nữa, tôi luôn quan niệm hôn nhân là chuyện lâu dài, kiếm một người chồng để chung sống cả đời đâu có giống như đi lựa một tấm áo, một manh quần. Áo/quần mua về không hợp hoặc lỗi mốt thì có thể vứt đi, chứ lấy chồng rồi mới thấy không hợp thì biết làm sao?

 

Cho nên, tôi thà sống một cuộc sống độc thân, để được tự do thoải mái, chứ không thể nhắm mắt đưa chân “lấy chồng cho xong chuyện” để làm tròn nghĩa vụ của một người con/cháu đã đến tuổi phải lấy chồng.

 

Vì đã lấy chồng rồi thì sướng khổ gì mình cũng phải chịu chứ biết kêu ai. Cho nên, không lấy thì thôi, chứ lấy chồng thì làm sao phải lấy cho ra tấm chồng. Ít nhất cũng phải là người có kinh tế, có nhà Hà Nội (vì tôi đang sinh sống và làm việc tại mảnh đất Thủ đô này). Còn nếu không kiếm được người chồng như vậy thì tôi cứ nguyện chịu cái tiếng là gái ế còn hơn phải lấy một anh chồng nghèo.

 

Tôi rất sợ cái cảnh mỗi tháng cứ phải mang cả cục tiền đi để đóng tiền nhà. Rồi vợ chồng con cái chui rúc trong một căn phòng trọ chật hẹp, mùa hè thì nóng như một cái chảo rang, mùa đông thì lạnh đến buốt xương buốt thịt. Ngày lễ ngày tết thì tay xách nách mang, khăn gói về quê, trong khi những người khác lại dẫn nhau đi du lịch hoặc ăn nhà hàng...

 

Bạn bè học chung với tôi bây giờ phần lớn đều đã kết hôn. Đó là những tấm gương rõ nhất để tôi soi vào. Nhìn vào những tấm gương ấy, tôi mới thấy, hôn nhân không có tình yêu đã là bi kịch. Nhưng hôn nhân không có kinh tế thì còn bi kịch hơn.

 

Ngày xưa các cụ ta có câu, “một mái nhà tranh, 2 trái tim vàng” nhưng bây giờ, ở giữa cái đất Hà Nội này, để có một mái nhà tranh cũng phải mất tiền thuê, mà cứ thử nghĩ xem, lúc hết tiền, con thì khóc vì đói, chủ nhà trọ thì cứ nhìn thấy là đòi tiền thuê nhà vì mình còn đang nợ. Liệu tình yêu nào có thể tồn tại trong cái hoàn cảnh đó? Hay 2 vợ chồng lại cãi nhau cả ngày ?

 

Tôi có cô bạn ngày trước học chung đại học. Mối tình đầu của cô ấy kéo dài suốt quãng thời gian sinh viên. Anh người yêu của cô bạn tôi, vừa đẹp trai, tâm lý, lại chiều cô bạn tôi hết mực. Cả mấy năm sinh viên, cứ nhìn vào cặp đôi ấy là chúng tôi lại mơ ước. Đứa nào cũng bảo, lấy được một tấm chồng như thế thì cũng đáng cả cuộc đời.

 

Rồi chúng tôi ra trường, ai cũng chạy đôn chạy đáo để kiếm việc làm, cô bạn tôi thì lại quyết định thi luôn cao học và học một lèo để lấy bằng thạc sỹ. Sau đó kết hôn với anh người yêu lý tưởng kia.

 

Hôm đám cưới, cả lớp chúng tôi đều có mặt đầy đủ, ai cũng chúc mừng cho bạn tôi có một tình yêu trọn vẹn.

 

Bẵng đi một năm, chúng tôi gặp lại cô bạn ấy lúc đang mang bầu tháng thứ 7. Cứ tưởng sẽ là cuộc gặp gỡ vui vẻ vì bạn bè lâu lắm không gặp nhau. Ai ngờ vừa nhìn thấy chúng tôi, cô ấy đã ôm mặt khóc. Vì cuộc sống gia đình đã sớm “cơm không lành, canh chẳng ngọt”.

 

Cô ấy bảo, chung quy lại cũng chỉ vì kinh tế khó khăn. Lấy chồng khi chưa xin được việc làm, lại mang bầu ngay cho nên cô bạn tôi đành ở nhà để dưỡng thai và thu vén gia đình.

 

Nhưng cũng chính vì vợ không đi làm nên mọi chi tiêu trong gia đình chỉ trông vào 6 triệu tiền lương của chồng. Mà 6 triệu ấy lại phải chia ra mất gần một nửa để trả tiền thuê nhà mỗi tháng. Gia đình 2 bên thì đều không khá giả, nên viện trợ từ phía 2 gia đình là không có.

 

Cái cảnh thiếu tiền diễn ra như cơm bữa khiến 2 vợ chồng mâu thuẫn, rồi cãi nhau, đánh nhau cả ngày. Khuôn mặt xinh xắn của cô bạn tôi, mới hôm nào còn rạng rỡ trong ngày vu quy, bây giờ đã đen xạm, hốc hác vì khóc, vì mất ngủ thường xuyên. Rồi cô ấy hỏi chúng tôi về thủ tục ly hôn và quyền nuôi con mà nước mắt cứ lăn dài trên má khiến nhóm bạn chúng tôi cũng không cầm được nước mắt.

 

Cho đến khi ra về, cô ấy cứ nắm chặt tay tôi rồi bảo, lấy chồng thì cố kiếm anh nào có chút kinh tế, hoặc người Hà Nội mà lấy chứ đừng “nhắm mắt đưa chân” kẻo khổ cả một cuộc đời.

 

Tôi đồng ý, và trong lòng kiên quyết sẽ sống độc thân cho đến khi nào tôi tìm được người như vậy để kết hôn.

 

Có thể người nào đó nghe thấy sẽ cười vì cách suy nghĩ quá thực dụng của tôi. Nhưng biết nói thế nào nhỉ? vì ai cũng có quyền lựa chọn cuộc sống của mình.

 

Theo Khánh Linh

Vietnamet