Tết này, có mình cha...
(Dân trí) - Mẹ mất năm tôi chín tuổi. Chín tuổi, tôi đã biết cảm nhận nỗi mất mát khi không có mẹ ở bên. Không có mẹ, tôi trở nên câm lặng hơn, tuổi thiếu niên vô tư cũng không còn trọn vẹn.
Tôi không biết cha tôi có buồn và nhớ mẹ nhiều như tôi không, bởi tôi chưa bao giờ thấy cha khóc. Nhiều đêm tỉnh giấc, tôi thấy cha ngồi ngoài hiên bên cạnh cái điếu cày, bóng cha cô đơn trong màn đêm tĩnh mịch. Tôi những muốn vùng dậy ôm lấy cha và nói rằng “Cha ơi, con nhớ mẹ”, nhưng tôi không làm được, chỉ biết vùi đầu vào chăn mà khóc.
Thời gian đúng là kì diệu, nó đã xoa dần nỗi trống vắng trong lòng tôi. Cha tôi cũng nói cười trở lại, học cách làm những việc nhà, những việc vốn trước đây cha chưa từng đảm nhiệm. Không có mẹ, cha con tôi gần gũi nhau hơn, cha quan tâm và chiều chuộng tôi hơn, nỗi trống vắng vì thiếu mẹ nhờ thế mà vơi dần.
Tôi thích những sáng ngồi bên hiên nhà, được cha vụng về tết tóc. Thích những bữa cơm lăng xăng phụ cha nhặt rau, bóc hành, bóc tỏi. Thích những tối được cha dang tay cho gối đầu rồi nghe cha kể chuyện. Rồi cha thơm lên tóc tôi, ôm tôi vào lòng thủ thỉ: Cha yêu con nhất!
Một lần thấy tôi ngồi chải tóc ngoài hiên, cha ngồi xuống, cầm lược chải tóc cho tôi, giọng cha thì thầm: “Con gái cha sắp thành thiếu nữ rồi. Mai mốt lớn lên lấy chồng, cha ở với ai?” Tôi quay qua ôm cha, giọng quả quyết: “Không, con không đi lấy chồng, con ở với cha đến già luôn.” Ánh mắt cha lúc đó buồn hay vui, thực lòng tôi không rõ.
Một hôm, bà ngoại tôi đến chơi. Bà và cha ngồi nhà trên, nói đủ thứ chuyện. Tôi thường chẳng quan tâm bà và cha nói những chuyện gì mỗi lần gặp mặt. Nhưng hôm đó giọng bà ngoại như to hơn, rõ ràng hơn khiến tôi chết lặng. Bà nói mẹ tôi đã hết giỗ ba năm, cha tôi thì hãy còn trẻ, mà nhà thì cần bàn tay một người phụ nữ chăm lo. Tôi là con gái, lớn lên sẽ theo chồng, không lẽ cha ở vậy đến già trong cô quạnh. Từng lời bà nói như những mũi kim đâm vào tim tôi. Tai tôi như ù đi, đầu óc bỗng trở nên mông lung bấn loạn. Tôi thấy cha gật đầu bảo: “Để từ từ con tính”. Nghe vậy, tôi bỏ ăn, nép ở ngoài hiên mà thút thít. Cha thấy tôi khóc, gặng hỏi lý do rồi khẽ thở dài ôm tôi an ủi: “Ừ, cha không lấy vợ, cha ở với con thôi.” Cha ba lần bảy lượt khất lần với nội với ngoại, bảo đợi con gái lớn thêm. Cha đã đôi lần lỡ hẹn với những người phụ nữ thương cha. Bởi mỗi lần ai nhắc tới chuyện cha tái hôn, là mỗi lần tôi khóc lóc, là mỗi lần cha phải vỗ về, hứa hẹn.
Cha đã dắt tôi đi qua bao mùa xuân tươi đẹp, bao mùa hạ rực rỡ nắng vàng, ủ ấm tôi qua bao mùa đông lạnh giá. Tôi lớn lên từng ngày nhờ bàn tay thô ráp của cha. Thời gian trôi, tôi thành thiếu nữ. Tôi vẫn yêu cha nhưng không gần cha nhiều như trước. Tôi đã có những bí mật của riêng mình và bận bịu với những nỗi niềm của tuổi mới lớn.
Cha ngày một già đi, vẫn một mình đi chợ vào những sáng tôi đến trường, vẫn tối tối cặm cụi nấu cơm, rửa bát khi tôi nhức đầu sổ mũi, vẫn thức suốt cùng tôi những mùa thi quan trọng. Cha hình như vẫn xem tôi như ngày nhỏ dại, chỉ có tôi đã đổi thay. Bởi cha chỉ có mình tôi, còn tôi đang có cả một bầu trời rộng mở phía trước.
Gái lớn lên thì phải theo chồng. Ngày tôi lên xe hoa, cha đứng lặng lẽ giữa những ồn ào đông đúc. Cha đang vui hay đang buồn, cha đang cười hay đang khóc? Vắng tôi rồi, nhà chắc chắn sẽ rộng hơn. Bếp liệu có còn ngày ngày đỏ lửa? Nước mắt tôi chợt trào tuôn: Giá mà có mẹ, giá mà có một người phụ nữ ở bên cha. Tôi trẻ thơ ích kỷ chỉ muốn cha là của riêng mình, nhưng tôi thì lại không thể là của riêng cha. Tôi thành con nhà người ta, chỉ còn cha một mình đơn độc. Giá như cha cứ nghe lời ngoại đừng sống cảnh “gà trống nuôi con”. Giá như cha đừng quá thương con, cứ kệ tôi khóc lóc đi, trẻ con chắc cũng nhanh qua cơn buồn tủi. Giá như… chắc bây giờ tôi không buồn thương nhiều đến thế.
Bữa cơm đầu tiên ở nhà chồng, mọi người nói cười rôm rả mà nước mắt tôi cứ trào tuôn. Giờ này cha ăn cơm chưa? Cha có nhớ con nhiều như con đang nhớ? Tết sắp đến rồi, cha sắp già thêm một tuổi. Năm nay cha đón giao thừa với ai? Tay run run buông bát cơm, chỉ muốn chạy ngay về nhà, vùi vào lòng cha mà khóc. Để nói với cha rằng: Con thương cha nhiều lắm, cha ơi!
Giang Lê