Nhớ nội, nhớ hương trầu Tết xưa
(Dân trí) - Ngày cuối năm đi chợ Tết, thấy người ta bày biện lá trầu xanh biếc cạnh những buồng cau trĩu quả mà nhớ nội vô cùng. Cúi xuống mua dăm ba trái cau, vài lá trầu quết thêm tí vôi trên lá rồi chỉ ước giờ này có nội ở nhà tôi sẽ ngồi ngoáy trầu cho nội và nghe người kể đủ chuyện ngày xưa.
Như những bà già ở quê, nội tôi cũng thích ăn trầu. Hệt như con nít thèm bánh kẹo, đôi ba ngày không có miếng trầu nhai trong miệng, nội bảo thèm bứt rứt đến nỗi ngủ chẳng yên. Đồ ăn trầu của nội gồm một chiếc cối được làm từ vỏ đạn đại liên đã cưa bớt phần đầu, chừa lại cỡ ba bốn phân. Chiếc cối nhỏ nhắn bằng đồng đi qua năm tháng đã hóa màu sẫm, bên trong đỏ đi vì thấm nước trầu. Tôi hình dung chiếc cối nhỏ nhắn nhưng chứa đựng nông sâu văn hóa của người Việt. Tục ăn trầu hệt như một niềm tự hào cố hữu khi “miếng trầu là đầu câu chuyện”, là khởi nguồn của bao ý niệm về nghĩa nặng ân tình thấm đượm sâu xa.
Bên chiếc cối là cái xoáy trầu bằng inox, một đầu có hình răng cưa, đầu kia đục lỗ buộc vào cối bằng sợi xích nhỏ xíu. Đồ ăn trầu còn có một con dao xếp nhỏ nội dùng gọt cau. Tất thảy được đựng trong chiếc cơi nhỏ nhắn bằng thiếc mà nội tôi quý vô cùng. Dù vậy, mỗi khi đi đâu, nội cho cả thảy vào chiếc bao nilon cũ, bảo cho tiện. Cái âm thanh rột roạt mỗi lúc nội soạn sửa ăn trầu đã theo tôi vào tâm khảm cho đến bây giờ.
Nội gọt vỏ cau rồi chẻ ra làm sáu, ngắt lá trầu quệt tí vôi rồi xếp lại. Để miếng trầu ngon đậm, khi bỏ vào cối nội cho thêm miếng vỏ quế rồi xoáy mạnh. Hồi nhỏ, chị em tôi thường tranh nhau phần việc này. Mới đầu hăng hái xoáy mạnh, chốc lát mỏi tay cứ quay qua hỏi nội đã được chưa nội ơi mà vẫn thấy nội lắc đầu thì bắt đầu chán. Nội biết ý nên khi cháu hỏi thêm lần nữa đã bảo được rồi. Người đưa tay đỡ lại cối trầu rồi dịu dàng ngó bầy cháu chạy tung tăng mà mỉm cười độ lượng. Lớn lên, việc giã trầu trở nên dễ dàng với đám chúng tôi nhưng lại khó khăn hơn với nội. Thế nên, mỗi khi có đứa cháu lại gần giã trầu nát nhừ cho nội nhai, nội cười hạnh phúc lắm.
Có những khi nhai trầu, nội ngồi yên như tượng, đăm chiêu lo lắng nhìn về vùng trời xa xôi nào đó. Ấy hẳn là lúc nội đang lo chú út đã qua cái dốc cuộc đời vẫn còn nông nổi, nhớ đâu đó có đứa con vẫn tha hương xứ người. Ba bảo nỗi lo của nội dài lắm, vì con cháu đông đúc nên nội gom mỗi đứa một ít và gồng gánh hết thảy vào người. Cuộc đời của ai đó chưa viên mãn, chưa tròn trịa lại khiến nội đa mang lo nghĩ.
Nội sống trong căn nhà nhỏ sát bờ sông Thạch Hãn, vài tháng lại đi quanh thăm nhà con cháu đôi ba bữa. Chỉ những năm cuối đời vì gia đình chú út lục đục nên nội mới chuyển sang ở hẳn nhà tôi. Nội đi đâu cũng lỉnh kỉnh đồ đạc đem đi đem về. Qua nhà tôi chơi, thể nào nội cũng ra vườn hái một rổ diếp cá vì biết ba tôi thích ăn. Khèo hái vài trái ổi, dăm ba trái khế cho mấy đứa cháu. Tới lúc về lại cụm nụm thu dọn những chai lọ, hộp giấy mà nhà tôi vứt bỏ rồi súc rửa sạch sẽ cất đi bảo có lúc cần.
Mẹ bảo tôi là đứa “ngủ hiền”, không quẫy đạp nên được ngủ với nội. Nhớ những tối trời rét, nằm ngủ choàng tay ôm nội, nghe mùi trầu phảng phất trên màu áo mà thấy nóng ran. Tôi đưa tay nắm chặt tay nội rồi say giấc tự lúc nào, chẳng hay nội không dám trở mình, không dám rút tay ra vì sợ đứa cháu tỉnh giấc. Người già thường thao thức khó ngủ, mỗi đêm cứ trở dậy ba bốn bận. Sáng ra gà chưa gáy, trời còn đen thui mà nội đã lục đục dậy ngồi chải tóc.
Nội về trời nay đã bốn cái Tết. Cái Tết đầu tiên không có nội, ba cứ bần thần. Đêm giao thừa, thắp nén nhang mà mắt cay cay. Nhìn góc giường, ngó quanh nhà cứ hình dung tiếng dép lẹp xẹp nội đi và tiếng nội nhổ trầu rột roạt. Tôi nhớ Lousia May Alcott, một nữ nhà văn Mỹ từng viết: “Mỗi ngôi nhà cần có một người bà trong đó”, tựa như cái cây nào cũng cần gốc rễ nguồn mạch yêu thương.
Tôi từng lo nét ăn trầu sẽ mai một khi thế hệ của nội lần lượt hóa sương khói, có mấy ai mặn mà nếm thử vị trầu cay. Nên đôi lần bắt gặp hình dáng cụ già lụm đụm đâu đó, bỏm bẻm nhai trầu, nước trầu tứa ra quanh mép chỉ muốn chạy lại ôm chầm lấy để hít hà hương trầu thương yêu nay đã thành quá vãng…
Diệu Ái