Sợ Tết

“Sắp Tết nữa rồi. Ai ham Tết chứ mình thì sợ quá”. Status của chị Ngân, nhân viên ngân hàng tại quận 3 - TPHCM, vừa đưa lên Facebook đã có vài chục ý kiến bàn luận sôi nổi. Người đồng ý có, không ủng hộ cũng có, thậm chí nhiều người chia sẻ bí quyết “trốn Tết” cho mọi người tham khảo.

Mua sắm, dọn dẹp hụt hơi


Sợ Tết



Chị Ngân than thở: “Thời bây giờ đâu còn thiếu thốn như xưa nhưng sao phải cứ để đến Tết mới được ăn ngon, mặc đẹp?”. Chị kể những năm trước, giáp Tết, chị phải sấp ngửa chạy đi mua quần áo, giày dép mới cho cả nhà, chưa kể phải dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, giặt giũ mền, mùng, sơn mới nhà cửa. Chị phải sắm Tết cho nhà mình, vừa phải sắm sửa để gửi về cho nội, ngoại hai bên. “Đi làm quần quật quanh năm chỉ mong có 3 ngày Tết để nghỉ ngơi vậy mà có nghỉ được đâu, thậm chí phải làm osin cho cả nhà” - chị than thở.

Cũng lâm vào cảnh ngán Tết như vậy, chị Bình, bác sĩ tại một bệnh viện lớn ở TPHCM, cũng thở dài thườn thượt khi nghe nhắc đến Tết. Năm rồi là cái Tết đầu tiên Bình về ra mắt gia đình chồng với tư cách dâu mới. “Tôi cũng lâm vào cảnh mua sắm, dọn dẹp rồi đi chúc Tết, ra mắt bà con họ hàng từ nhà này sang nhà khác, từ làng này đến làng khác.
Suốt ngày, vợ chồng loanh quanh ngoài đường, ăn uống thì qua loa... mệt đứt hơi. Giờ nhớ lại cảnh đó tôi còn sợ” - Bình cho biết. Năm nay chị bàn với chồng chỉ về ăn Tết ở nhà chồng từ ngày mùng 2 vì phải sửa soạn cho nhà riêng của mình vào ngày Tết.

Nhiều chuyện khó nói

Không chỉ sợ chuyện mua sắm, dọn dẹp mà chuyện biếu xén quà Tết cũng làm nhiều người… sợ Tết. Chị Linh, giáo viên ở quận Thủ Đức - TPHCM, kể lương của chị khoảng 3 triệu đồng/tháng, chồng làm kỹ thuật viên cho một công ty tư nhân, lương có khá hơn một chút nhưng chi tiêu ăn uống, học hành cho 2 đứa con... cũng chẳng còn bao nhiêu. Chị bộc bạch: “Cả năm vợ chồng chẳng biếu được cho nội ngoại đồng nào nên tranh thủ dịp Tết để biếu.

Vì cả năm mới có một lần nên ít quá thì kỳ, còn nhiều quá thì ngoài khả năng của mình. Chưa kể còn cháu hai bên mình cũng phải mừng tuổi bao lì xì chứ không lẽ các cháu mừng tuổi mà mình ngó lơ, coi sao được”. Để có một cái Tết “coi được”, chị Linh đã phải dè sẻn chi tiêu cả năm. “Cũng may một năm Tết có một lần, chứ không thì không biết thế nào nữa” - chị Linh nói.

Tết không chỉ là nỗi sợ của những người lập gia đình mà còn là nỗi lo của người độc thân. Trường hợp của Thúy, biên tập viên của một tờ báo tại quận 3, là một ví dụ. Thúy kể: “Mình là chị cả, có công ăn việc làm ổn định lại không vướng víu chồng con nên Tết đến, mọi thứ trong ngoài đều phải lo.

Trước Tết thì phải sắm sửa mọi thứ gửi về, cơ quan cho nghỉ là phải vù về nhà để dọn dẹp, lau chùi nhà cửa; chưng hoa kiểng, đi chợ mua đồ ăn thức uống… Rồi 3 ngày Tết lại phải nấu nướng, tiếp khách… Tới mùng 4 trở lại làm việc thì toàn thân rã rời, y như vừa bị bệnh mới khỏi. Tết năm nay chắc phải kiếm chỗ nào để đi chơi chứ nghĩ đến Tết là thấy sợ”.

Ý kiến của chuyên gia

Người xưa gọi những ngày đón Xuân là “ăn Tết” vì quanh năm ăn uống kham khổ, ngày Tết mới có dịp được ăn ngon, đặc biệt là những món truyền thống. Rồi người ta gọi là “nghỉ Tết”, vì quanh năm làm lụng vất vả, nhân dịp này người ta mới có thời gian nghỉ ngơi và thăm hỏi nhau. Ngày nay, người ta gọi là “chơi Tết” hay “du Xuân”, vì họ bắt đầu giảm bớt những thủ tục bếp núc rườm rà, ăn uống đơn giản để dành thời gian đi chơi, du lịch. Tất nhiên, Tết truyền thống thì phải duy trì, giữ gìn nét riêng của người Việt nhưng cũng nên chọn lọc những điều tốt đẹp để phát huy, còn những điều khiến mọi người thấy phiền hà, khó chịu, mệt mỏi và không phù hợp thì nên giảm bớt.

Theo NLĐ