Phát sợ người chồng khấu trừ 20 nghìn mua bánh vào tiền trợ cấp nuôi con

Ly hôn đã lâu, nhưng mỗi lần vô tình động đến chiếc hộp góc tủ, nơi đặt những mảnh giấy “khấu trừ tiền nuôi con” của người chồng cũ, tôi lại đau đớn không nguôi.

Chồng cũ hơn tôi 2 tuổi, chúng tôi cũng yêu nhau 2 năm và làm đám cưới khi tôi 23 tuổi. Trong mắt mọi người chúng tôi khá xứng đôi vừa lứa. Tôi cũng rất yêu chồng, anh ấy có đủ các ưu điểm của một ông chồng đáng mơ ước: đẹp trai, kinh tế khá giả, ăn nói hóm hỉnh, công việc thành đạt. Anh ấy là vầng mặt trời khiến tôi chói loá.


Tôi ngột ngạt vì người chồng bắt ne bắt nẹt (Ảnh minh hoạ IT)

Tôi ngột ngạt vì người chồng bắt ne bắt nẹt (Ảnh minh hoạ IT)

Nhưng chỉ sau đám cưới, tôi cảm thấy mình như đã “cưới nhầm người”. Chồng tôi khá kỹ tính và gia trưởng. Anh ấy không thích, không muốn tôi làm gì thì tôi nhất định phải nhớ kỹ, nếu không anh ta sẽ bực tức, sẽ lên cơn giận dỗi cả tháng trời. Đơn giản như tôi không được phép mặc áo cổ quá thấp, không được mặc váy ngắn, không được tô son đậm. Anh ấy không thích ăn cá, không ăn mặn, không ăn hành. Nếu tôi vô ý chế biến nhầm là anh ấy hất cả mâm cơm.

Cuộc sống ngột ngạt, chồng liên tục “mắng chó chửi mèo”, hoạnh hoẹ vô lý khiến tôi căng thẳng, mệt mỏi. Đã có thời điểm tôi trầm cảm, mất ngủ, phải đi khám, điều trị. Sau một lần bị chồng đánh vì tội “dám hỗn” vì cãi anh ta rằng áo tôi mặc không hở, kín đáo, tôi đã quyết tâm lý hôn.

Tôi cũng không bất ngờ vì người chồng đã không hề níu kéo mà lạnh băng nói: “Là cô đề nghị ly hôn, đừng có hối hận. Căn nhà này của bố mẹ tôi, tuy đã sang tên cho hai vợ chồng nhưng nếu cô muốn nuôi con thì đừng có đòi chia chác gì”.

Tôi tất nhiên cần đứa con trai 4 tuổi của mình. Vì thế, hai mẹ con tôi đi thuê nhà ở. Dù căn nhà có 15m2 nhưng hai mẹ con lại nhẹ nhõm vì không phải “nín thở” mỗi khi chồng tôi ở nhà. Nhưng đến lúc đó, tôi mới phát hiện ra chồng tôi đã có người phụ nữ khác, đứa con gái của anh ta cũng đã gần 4 tuổi, chỉ kém con tôi có 6 tháng. Tôi dọn nhà được ít bữa thì anh ta dẫn hai mẹ con cô ta về. Đáng sợ là người phụ nữ đó cũng tên là Bình như tên tôi.

Khi ra toà 7 năm về trước, Toà án đã phân xử mỗi tháng chồng tôi trợ cấp 2 triệu mỗi tháng tiền nuôi con. 2 triệu không đủ cho con tôi trả học phí trường mẫu giáo, nhưng chồng tôi trình toà cái chứng nhận thu nhập của cơ quan có 7 triệu đồng/tháng và phân bua mỗi tháng 2 triệu trợ cấp cho con là anh ta đã phải “nhịn ăn nhịn mặc”. Trong khi thực tế, tôi biết anh ta thu nhập không dưới 20 triệu/tháng.

Nhưng để ly hôn cho nhanh và không bị “giành giật” con, tôi cũng không đôi co gì. Khoảng 3 tháng đầu, tôi nhận đầy đủ 2 triệu. Nhưng đến tháng thứ 3, sau khi đến đón con đi chơi và đưa con về, anh ta đưa tôi gói giấy và bảo: “Tiền nuôi con”.

Vào nhà mở ra, tôi nhận được một mớ tiền lẻ với một tờ giấy bạc của gói thuốc lá, trên đó ghi: “Khấu trừ tiền nuôi con”. Bên dưới, anh ta gạch đầu dòng các khoản mua đồ cho con: Mua mũ 35.000 đồng, mua truyện: 115.000 đồng, mua bánh lần 1: 20.000 đồng, mua bim bim, đồ ăn vặt: 53.000 đồng; mua xe đạp 3 bánh: 325.000 đồng; mua đồ chơi: 250.000 đồng. Tổng cộng 798.000, còn 1.202.000 đồng”.

Anh ta rất sòng phẳng, có 2.000 tiền lẻ cũng không khấu trừ nốt mà đưa đủ cho tôi.

Tôi lúc đó muốn vỡ tung lồng ngực, muốn gào khóc thật lớn. Không phải vì tôi đau khổ, thương tiếc gì chồng cũ mà tôi hận mình, tủi nhục cho con. Tôi hận đã lựa chọn một người chồng khốn kiếp, lại tủi vì đứa con hồn nhiên, đáng yêu, không hề biết mình đã bị người bố mà con vẫn yêu quý đối xử thế nào. Con tôi ôm chiếc ô tô điều khiển từ xa giá 250.000 hớn hở chơi rồi khoe khoang với tôi một cách thích thú. Mắt con trong veo, hớn hở nhìn tôi vui sướng. Còn tôi thì đắng nghét vì mật đã trào ngược lên họng.

Tôi không còn đủ bình tĩnh gọi điện cho chồng cũ, mà nhắn tin nói mát anh ta: “Nếu khó khăn quá thì sau này không cần đưa tiền nuôi con”. Nhưng anh ta điện thoại mắng tôi là: “Tôi không thiếu tiền nhưng cô đừng hòng bòn rút tiền nuôi con từ anh ta để phung phí cho mình”. Hoá ra, anh ta sợ 2 triệu quá nhiều, tôi sẽ ăn mất phần của con.


Anh ta trừ từng đồng vì sợ đưa 2 triệu quá nhiều tôi sẽ ăn cả phần con (Ảnh minh hoạ IT)

Anh ta trừ từng đồng vì sợ đưa 2 triệu "quá nhiều" tôi sẽ ăn cả phần con (Ảnh minh hoạ IT)

Từ đó, tháng nào tôi cũng nhận được một tờ giấy khấu trừ tiền nuôi con với các liệt kê như tiền mua đồ ăn, đồ chơi, sách vở, quần áo, bim bim, kem, tất, giày… Có tháng còn “âm” 25.000 đồng, tôi châm biếm hỏi có cần trả lại không, anh ta phẩy tay rất rộng rãi: “Cho qua”.

Ngoài tiền ăn hàng tháng bị khấu trừ, đương nhiên, anh ta không bao giờ đưa thêm một khoản gì, kể cả khi con tôi nằm viện, tốn gần chục triệu viện phí hoặc cháu vào đầu năm học đóng 5-7 triệu tiền học. Khi con đi học, mảnh giấy “Khấu trừ” có thêm các khoản mới như: 20.000 tiền ủng hộ đồng bào lũ lụt, 15.000 tiền kế hoạch nhỏ… khi anh ta đi đón con và cô giáo thông báo. Những mảnh giấy tôi đã lưu giữ gần đầy một cái hộp, để ở góc tủ. Tôi không có từ gì để miêu tả về chồng cũ của mình. Càng không phí lời, phí tình cảm mà giận dữ anh ta.

Bây giờ cuộc sống của hai mẹ con tôi rất ổn. Tôi mua được căn hộ 70m2 để hai mẹ con sống đàng hoàng, cho con học trường tốt. Con trai tôi càng lớn càng sáng láng, thông minh, ngoan ngoãn. Tôi chỉ hy vọng khi lớn lên, cháu sẽ không bị tổn thương khi nhận ra bộ mặt thật kinh khủng của cha mình. Người vẫn chu đáo đón con đi chơi, mua quà, mua đồ dùng cho con một cách đầy quan tâm, chăm sóc nhưng đằng sau lại lặng lẽ ghi nhớ từng nghìn để khấu trừ vào khoản nuôi con hàng tháng.

Có chị em nào có chồng cũ kinh khủng như tôi không?

Theo Nguyễn An Bình
Dân Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm