Nỗi niềm Tháng Chạp

(Dân trí) - Tháng Mười Hai âm lịch vốn được gọi trìu mến là tháng Chạp hay tháng củ mật. Là tháng cuối cùng trong năm, cận kề Tết nhất, cho nên bao nhiêu nỗi niềm cứ trải dài bất tận.

 
Nỗi niềm Tháng Chạp


Một sớm, đi ngang qua triền sông, bắt gặp những luống cải trổ bông vàng đẫm sương sớm. Nghe mùi cay cay của lá cải xộc lên tận mũi, bất giác lại nhớ ba thích ăn thứ cải này lắm. Người ta thèm sơn hào hải vị, còn mình, cái gốc gác nông dân có bao giờ rũ bỏ được đâu, vì mải miết thèm mắm muối dưa cà, cải luộc. Phía bên kia, chân trời như hóa màu xanh lá khi những ruộng cải xanh mơn mởn cứ trải dài.

 

Tháng Chạp, nghe ba nhắc mẹ đề phòng, “tháng củ mật” cũng từ cái ý nghĩa để phòng, cẩn mật ấy mà ra. Vì rằng, bao nhiêu người tăng tốc làm việc cuối năm thì những kẻ làm ăn không chân chính cũng vậy. Dần dà, thấy người ta đề phòng với nhau nhiều hơn mức bình thường, nhìn đâu cũng ra gian dối, lọc lừa. Mà chẳng hay, có bao giờ nhìn lại coi mình đã thật thà với mình chưa.

 

Tháng Chạp nghe ba bàn bạc mấy chú chuẩn bị coi ngày để chạp mả. Năm nay, cả nhà lấy làm vui vì đã lo xong lăng mộ đẹp đẽ cho ông bà. Thời đại nào cũng vậy, cái chỗ ông bà nằm xuống chẳng những là ý nguyện của ông bà mà còn làm mát mặt con cháu đang sống.

 

Hôm rồi, trời bỗng nhiên nắng đẹp. Chẳng ai bảo ai, những người phụ nữ đảm đang đi chợ mua đu đủ, cà rốt về cắt và phơi cho kịp nắng, để Tết có hũ dưa món ngon. Đàn ông lo kiếm cát trắng rửa sạch, phơi khô để thay lư hương trên bàn thờ. Tháng Chạp tự nhiên trở về khiến ai nấy tự nhiên xôn xao tất bật hơn trước.

 

Tháng Chạp, thấy dì ngắt những chiếc lá mai rồi chong mắt xem có nụ nào vừa nhú hay không. Lại thở dài than trách, một năm có nhiều biến động, nhiều mất mát, ông trời khó chịu cho bao nhiêu trận bão và cơn lũ, thời tiết thất thường nên mùa màng cũng vậy. Hỏi ra, bây giờ nhà nông cũng chẳng còn hăng hái ra ruộng, trong xóm có vài người ngậm ngùi bỏ ruộng bùn để tập trung làm việc khác. Chạnh lòng đưa mắt nhìn ra vạt ruộng trước nhà, ngày trước mùa về mới rộn ràng là thế.

 

Tháng Chạp nghe người ta ân cần, chịu khó thăm hỏi nhau hơn. Sáng sớm vừa mở mắt đã nghe hỏi hôm nay là ngày mấy, còn bao nhiêu ngày là đến Tết. Người lớn cũng bị cuốn theo nỗi xốn xang mong ngóng Tết về của đám trẻ nít. Bao bà mẹ hướng mắt ra cổng, nghe tiếng xe dừng lại liền chạy ra xem phải con mình không, đặng còn xách đồ phụ con. Tết về, nhà nhà đông đủ là vui nhất. Thế nên, biết chắc đêm nay, thể nào mẹ cũng dấm dẳng nước mắt ngắn dài thương cậu em vừa đi du học, Tết này nhà mình vắng đi một người.

 

Tháng Chạp, thấy cậu bạn làm nghề uốn tóc lại tất bật với bao dịch vụ làm đẹp cho chị em. Từ sáng sớm đến tối mịt, chẳng ngơi tay mà tỉ mẩn với mái  tóc, với đống thuốc nhuộm, uốn, duỗi. Mới hay, đâu cần học hành đến nơi đến chốn, chỉ cần vững trong tay một nghề coi như đã thành công.

 

Tháng Chạp, bất giác rùng mình, chẳng rõ cái rùng mình do cơn gió lạnh hay rùng mình vì lẩm nhẩm đếm những tháng Chạp đã đi qua. Là những tháng Chạp tất bật rộn ràng, những tháng Chạp lắm lo lắng nhiều nỗi niềm. Thật thà nhìn lại, thấy năm tháng đi qua điềm nhiên và ân cần quá đỗi. Vậy mà, đôi lúc, mình bỏ qua những ngày tháng với tiếng thở dài và nỗi mệt nhọc vô ích. Lại muốn đưa tay nắm níu hay vịn vào một nơi nào đó để cho mình có lý do mà mềm yếu như ngày tháng cũ.

 

Diệu Ái