Nơi để quay về

Nguyễn Thùy Hương

(Dân trí) - Bôn ba nơi đất khách quê người đã lâu, những ngày cuối năm chóng mặt với cơm áo gạo tiền, đôi khi tôi thèm khát được về quê sà vào lòng mẹ.

Nơi để quay về - 1

Ảnh minh họa: Getty Images

Quê hương dẫu nghèo đến đâu vẫn là dòng suối mát, là bầu sữa mẹ ngọt ngào che chở và bao dung. Ngược dòng tỉnh lộ, tôi về đất Anh Sơn - Nghệ An. Con đường giấu mình trong sương quanh co uốn lượn. Bóng núi thân quen giang tay ôm tôi vào lòng.

Tôi đứng đầu làng, hít thật sâu bầu không khí trong lành căng phồng lồng ngực. Đã thật lâu rồi, tôi mới có thể về lại nơi đây những ngày giáp tết. Năm cái Tết tôi chưa về quê hương. Hồi đó đi một mình, giờ tôi đã có chồng và hai đứa con gái bé bỏng cùng về quê mẹ.

Hàng cau của bà tôi vẫn vẹn nguyên. Hồi ấy, bà nhìn buồng cau mà lầm bầm: "Được mùa cau, đau mùa lúa. Chẳng biết ông trời có thương…". Tôi thì hồn nhiên: "Được mùa cau bà tha hồ ăn trầu nhé". Bà xoa đầu tôi: "Tôi tha hồ cau để ăn trầu thì nhà cô tha hồ đói". Tôi cười trong veo, chẳng hiểu những trở trăn, lo lắng của người lớn...

Về quê, về với gia đình. Dù tết to hay nhỏ, hạnh phúc nhất vẫn là được sum vầy bên gia đình. Có dưa ăn dưa, có cá ăn cá, chỉ cần được ngồi cùng mẹ nghe bình yên râm ran sưởi ấm lồng ngực, vỗ về bao dầu dãi gió bụi đường đời là hạnh phúc nhất rồi.

Nhớ hồi đó, dù nghèo hay giàu thì nhà ai cũng làm vài món quà bánh dành cho ngày tết. Món mứt dừa sực nức mùi thơm trong chảo dưới lửa liu riu. Món củ kiệu muối chua chua mặn mặn để dành ăn cùng bánh tét. Ngoại hay nói: "Cả năm khổ răng cũng được nhưng tết cần tươm tất để cúng ông bà, rồi mời bà con láng giềng sang chúc tết ăn lấy thảo...".

Tôi bước đi trên con đường làng nay đã được bê tông hóa theo chương trình "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Đường nhỏ nhưng lại thênh thang bởi không khí rộn ràng xe cộ nối đuôi, không hàng quán dựng xe xuống tận lòng đường vào những ngày giáp tết. Đã nhiều năm rồi cũng có gì khác lạ lắm đâu. Yên bình và êm ả. Có gì khác lạ lắm đâu khi những con người vẫn hồn hậu và thân thiện. Tôi có rong ruổi nhiều năm dài, họ vẫn nhận ra tôi: "Nay khác ri à, mới đó mà giờ mệ của hai đứa rồi, mừng hậy".

Hóa ra, quê mình vẫn vậy. Chưa mất đi hồn cốt hôm nào. Có thể những người trẻ lớn lên không còn nhớ. Nhưng người già vẫn muốn gìn giữ chút hương vị tết xưa. Món mứt dừa không đẹp, bánh nếp không vuông, dưa món hơi buồn vì lỡ tay muối mặn. Nhưng đó là tấm lòng của những người bà, người mẹ dành cho con cái ngày sum vầy.

Bên nhà bác Lựu, vẫn mùi khói bếp đốt từ củi than ấm lòng. Đưa bàn tay hơ vào hơi lửa rồi áp lên mặt mình mà ngăn cái lạnh của đầu hôm ở nơi gần chân núi này thì mới thấm hết cái ấm áp của mùi quê hương.

Giờ này, chắc mẹ đang chờ chúng tôi, lòng tôi vui như đứa trẻ, tự hỏi "không biết có dấu chân nào trùng với dấu chân ngày mình còn bé, những ngày giáp tết một thuở xa xưa?".