Những yêu thương của cha mẹ vô tình làm hại con trẻ
Có một thực tế khá phổ biến hiện nay, không ít ông bố, bà mẹ thay vì dạy con thì họ lại biến mình thành quản gia, người giúp việc làm thay con mọi thứ. Họ ngỡ rằng mình đang thương con, nhưng thực chất là đang làm hại con, đang tước đoạt quyền được lớn lên, trưởng thành của con.
Những đứa trẻ nhà giàu đáng thương
Thỉnh thoảng trên mạng xã hội, thậm chí là cả trên mặt báo, chúng ta lại bắt gặp những bài viết khoe cuộc sống giàu sang của những đứa trẻ con người nổi tiếng. Có người đọc xong, xem xong thì xuýt xoa khen nức nở rằng, thằng bé sướng quá, rằng phúc nó lớn mới được như vậy. Thế nhưng, nhìn cách những ông bố, bà mẹ giàu có đó yêu con, bảo bọc con, cưng chiều con… tôi thấy đáng lo hơn đáng mừng.
Đáng lo là bởi, có trường hợp, đứa trẻ con người nổi tiếng đã lên 6 tuổi nhưng ăn cơm phải có người bón, đánh răng phải có người đánh hộ. Trường học cách nhà vài trăm mét mà ngày nào cũng ô tô đưa, đón vì sợ bị bắt cóc, sợ tai nạn.
Trong mắt một số người thì, đứa trẻ đó thật sự sướng, nhưng họ chưa nhìn thấy đằng sau đó, đứa trẻ phải gánh những hệ lụy. Bởi, đứa trẻ được sinh ra lành lặn, khỏe mạnh, chức năng từng bộ phận trên cơ thể là để phục vụ cho nhu cầu của chính con. Tại sao cha mẹ lại tước mất khả năng hoạt động của chúng, để biến thành một đứa trẻ thụ động như thế? Đáng tiếc là cách yêu chiều con, bảo bọc con như trên lại khá phổ biến và được xem là bình thường ở một số gia đình hiện nay. Thậm chí, trên ti vi còn có những quảng cáo đưa hình ảnh đứa con lớn bằng đầu bằng cổ ngồi bên bàn học, hai bố mẹ đứng hai bên, mang cốc nước đến tận bàn theo đúng kiểu "con chỉ cần học thôi, còn tất cả để bố mẹ lo". Và quả nhiên đoạn cuối, đứa con xuất sắc đứng đầu với những điểm mười chói lóa.
Nhưng các bậc cha mẹ đã không nhận ra rằng, trẻ con thời nay ngày càng kém cỏi hơn rất nhiều so với trẻ con thời xưa. Khả năng yêu thương, khả năng thấu hiểu, khả năng vượt khó kém hơn. Kể cả sự tự lập, dường như cũng đến muộn hơn, mặc dù chúng được học rất nhiều.
Hãy thương con theo cách của đại bàng mẹ
Khi cha mẹ làm thay con mọi thứ thì đó không phải là yêu thương mà là đang coi thường trẻ. Cha mẹ thường không cho trẻ được làm với ý nghĩ rất phổ biến “chúng còn nhỏ”, “chúng thì làm được gì”, “Trẻ con thì biết gì?”… Vì coi trẻ không biết gì nên người lớn mặc nhiên hành xử, nói sai trái trước mặt chúng, để chúng học những điều không hay. Cũng vì coi trẻ không biết gì nên đã làm thay mọi thứ, quyết định thay mọi thứ, nên đã biến những đứa trẻ như thế thành cây tầm gửi sống phụ thuộc.
Vậy nhưng, những ông, bố bà mẹ vì muốn con hơn người, muốn con mình hơn con nhà người ta nên hằng ngày chạy đua theo cuộc đua thành tích ở trường, ở lớp, ở tổ dân phố, ở khu dân cư, ở cơ quan, đoàn thể… Vì muốn con chiến thắng trong mọi cuộc đua thành tích đó nên bố mẹ đã làm hết mọi việc cho con, để con chỉ còn có mỗi việc học và học. Thế nhưng, không thể đứa con nào cũng xuất sắc đứng đầu, hay dù là trong top đầu. Và khi đứa con không đứng đầu, thì sao? Ngay lập tức bố mẹ sẽ nói rằng, đó là lỗi của con. Con chỉ việc học, tại sao con vẫn làm không tốt? Tất cả mọi áp lực về điểm số đều đè lên vai đứa con, trẻ sẽ cắm mặt cắm mũi vào sách vở cho bằng bạn, bằng bè và hơn cả là bằng "con nhà người ta".
Với cách nuôi dạy ấy, rồi tương lai, sẽ có một thế hệ học hành xuất sắc, tốt nghiệp đại học loại giỏi hay thậm chí có bằng tiến sĩ nhưng lơ ngơ không biết gì về đời, về người, về cuộc sống vì đã quen được chăm lo. Đến lúc ấy, việc một "trẻ em sống lâu năm" đến 30 tuổi mà vẫn ăn bám, vẫn phải để bố mẹ chăm lo và quyết định thay là việc hoàn toàn không có gì phải nghi ngờ.
Những cái cây luôn được cấp thừa mứa nước thì sẽ không cắm chặt rễ xuống đất sâu, không được ra ngoài mưa gió thì sẽ không có ý thức vươn cành. Đừng nhốt trong cái hộp kính của bảo bọc rồi lại tự hỏi vì sao con kém cỏi? Vì sao con không biết gì? Vì sao sinh ra con, mong được cậy nhờ con mà đến tuổi già sắp nhắm mắt vẫn phải lo cho việc con sẽ ra sao khi không còn mình nữa.
Có một loài đại bàng phải bay 200 dặm để tìm ra được loại thông đem về làm tổ cho các con. Đó là vì tình yêu thương. Rồi chính đại bàng mẹ phá vỡ cái tổ đó để buộc những đứa con phải tập bay khi bị rơi xuống. Đó cũng là yêu thương, nhưng là yêu thương sáng suốt.
Bố mẹ hãy học cách yêu thương con như đại bàng mẹ. Bởi nếu không xuống nước thì trẻ không bao giờ có thể tập bơi. Bố mẹ đừng quá tin vào cái phao cứu sinh, nó không thể trở thành một phần cơ thể giúp con nổi trên mặt nước được.
Cái cây sống trong nhà kín bao giờ cũng yếu ớt hơn cái cây ngoài trời. Trẻ con cũng vậy, những đứa trẻ được bảo bọc cũng không thể mạnh mẽ, hiểu biết như những đứa trẻ tự lập.
Nếu có 60 phút mỗi ngày để làm thay con, hãy dành 30 phút đó để dạy con tự làm, 30 phút còn lại hãy dắt con ra ngoài khám phá thế giới. Đừng giam giữ con trong bốn bức tường, chỉ tù nhân mới đáng bị như vậy. Đừng làm thay con mọi thứ, chỉ có người khuyết tật đặc biệt nặng mới cần được như vậy. Đừng tàn tật hóa con trẻ.
Theo Hàn Băng Vũ
Gia đình và Xã hội