Nhận diện những chiêu nói dối kinh điển của trẻ
Nói dối là điều thường gặp ở mọi đứa trẻ, nếu bố mẹ không tỉnh táo có thể khiến trẻ trở thành người chuyên nói những lời không thật khi lớn lên.
Con không biết
Thông thường, trẻ sẽ dùng câu nói dối này khi biết nói ra sự thật sẽ không có lợi cho bản thân. Vì vậy, con sẽ nói không biết dù có thể trẻ biết rõ sự thật của một vấn đề gì đó.
Con đã làm xong bài tập về nhà
Nếu có một chương trình hay, hấp dẫn và yêu thích trên TV hay có hẹn với bạn bè, trẻ có thể bịa ra đã hoàn thành bài tập về nhà. Nếu bố mẹ chủ quan không kiểm tra kỹ, con sẽ bỏ dở việc học để xem tivi hoặc gặp bạn bè trong khi bài tập chưa hoàn thành.
Con không làm điều đó
Đây là câu trả lời mang tính phản xạ của con mà bố mẹ đôi khi không để ý kỹ có thể bị đánh lừa. Thậm chí, ngay cả khi bạn biết ai gây ra sự việc, trẻ vẫn nói dối để che giấu lỗi của mình.
Anh trai, em gái hoặc một người bạn đã làm điều đó
Câu chuyện che giấu lỗi của mình không chỉ kết thúc với câu nói: "Con không làm điều đó". Con của bạn có thể đổ lỗi sang cho anh chị, em hoặc một người bạn nào đó là cách dễ dàng và chắc chắn trẻ sẽ làm vậy.
Con cần đi tiểu
Đây là câu nói dối khi cha mẹ đã cho bé đi ngủ hoặc khi phụ huynh muốn con hoàn thành bài tập về nhà. Bởi vì đây là những điều có thể trẻ không thích.
Con cảm thấy mệt
Khi trẻ không muốn đi học hay ở nhà xem tivi hoặc làm điều gì đó mà bản thân thích, bé sẽ đưa ra câu nói dối này. Cho nên bố mẹ nên xem xét có đúng là con mệt thật hay không. Bởi vì không phải lúc nào trẻ kêu mệt cũng là do lười.
Con sẽ nghe bố mẹ
Lời nói dối này được trẻ đưa ra, bởi vì con muốn được thoát khỏi áp lực từ lời cảnh báo mà cha mẹ vừa đưa ra. Đây như là lời nói cho bố mẹ yên tâm nhưng thực tế không phải vậy.
Bạn nào đó cũng được phép làm
Khi cha mẹ nói không được làm gì đó, con có thể đưa ra lời nói dối này. Trẻ tự bịa một người bạn nào đó cũng được làm để hi vọng bố mẹ thay đổi quyết định và cho phép trẻ được làm điều gì đó.
Vì sao con nói dối?
Có 5 lý do thông thường khiến trẻ nói dối:
1. Tự vệ: Lời nói dối để trẻ không bị phạt hoặc không gây sự thất vọng với cha mẹ.
2. Lợi ích: Trẻ nói dối để được nhận phần thưởng.
3. Học theo: Trẻ bắt chước ai đó nói dối và làm theo.
4. Chối tội: Trẻ nói dối để tránh đối mặt tình huống, cảm xúc hay ký ức không vui, đau đớn.
5. Nhận thức của bản thân: Khi bị gọi là kẻ nói dối, trẻ sẽ bắt đầu nói dối.
Cách tốt nhất để con bạn không nói dối là khuyến khích sự trung thực ở trẻ. Bạn nên dạy, làm gương và thảo luận cùng con về tầm quan trọng của sự trung thực. Vì trẻ sẽ học theo những gì nhìn thấy, nên cha mẹ phải là tấm gương về sự trung thực để con học tập noi theo. Bên cạnh đó, phụ huynh nên tìm ra nguyên nhân vì sao con nói dối để có các cách thức, giải pháp uốn nắn kịp thời.
Theo Nghi Dung
Dân Việt